Ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cho biết, nhiều tuyến đường ở Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Cầu Giấy... đang chờ đặt tên, nhưng quỹ tên lại sắp hết. "Tên danh nhân nổi tiếng trong lịch sử cạn dần, danh nhân ở thời kỳ cận, hiện đại đang phải sưu tầm tiếp. Điều này đặt ra yêu cầu phải xây dựng ngân hàng tên đường phố theo hướng mở rộng, phong phú hơn", ông Tiến nói.
Việc xây dựng ngân hàng tên đường phố đang được Sở xúc tiến. Hướng trước mắt là giao cho Phòng Di sản tập hợp thành quỹ tên, sau đó sẽ cho tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các nhà khoa học, văn hóa để bổ sung và trình duyệt lên trên. "Việc khó là tìm đơn vị tư vấn để xây dựng ngân hàng tên cho phù hợp. Sở đã thử chọn một số đơn vị, nhưng họ không có thế mạnh. Nếu có đơn vị tư vấn phù hợp Sở sẵn sàng thuê", ông nói.
Bàn về vấn đề này trong hội nghị về công tác đặt tên, đổi tên đường phố, công trình công cộng ở Hà Nội tổ chức đầu tháng 11, các nhà nghiên cứu chỉ ra nhiều bất cập.
TS Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa cho rằng, bất cập lớn nhất là vấn đề dự báo và quy hoạch. Bị động, thiếu dự báo nên thời gian chuẩn bị cho tên đường, tên phố đôi lúc không được thấu đáo. Đây chính là lý do khiến cho những quy hoạch cũ bị phá vỡ. Tính thiếu dự báo và quy hoạch còn làm mất đi sự tương thích giữa quy mô, hạ tầng, vị trí của đường phố với công trạng danh nhân, từ đó dẫn đến không ít trường hợp phải cân nhắc, đổi lại tên.
"Muốn dự báo và quy hoạch tốt thì sự liên thông giữa các sở ban ngành có liên quan tới lĩnh vực này cần được đẩy mạnh. Cần có sự đầu tư bài bản, chuyên nghiệp. Dự báo và quy hoạch hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông tốt sẽ tránh được rất nhiều bất cấp trong công tác đặt tên đường phố Hà Nội", ông nói.
PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, nguyên Viện trưởng Sử học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng nhiều đường phố mang tên nhân vật, sự kiện chưa điển hình và có không ít tên phố được đặt chưa tương xứng với vị thế của nhân vật. "Có nhiều đường phố mang tên danh nhân, nhân vật lịch sử của các triều đại, nhưng nhân dân chưa hiểu được người đó là ai, sinh ra ở thời kỳ nào và có công trạng gì đối với đất nước", tiến sĩ Nhật cho hay.
Theo ông, để khắc phục tình trạng trên, ngân hàng dữ liệu tên cần chia theo loại hình: địa danh, nhân vật, sự kiện..., đồng thời lập hồ sơ và lên danh mục các đường phố, công trình công cộng cần đặt tên. Việc lập ngân hàng dữ liệu tên đường, phố và các công trình công cộng phải được coi như là một đề tài khoa học thường niên của Sở. Trong đó, có cả việc xin ý kiến đề xuất của các tổ chức.
"Vì việc đặt tên là sự vinh danh lớn nên việc đề xuất phải được nghiên cứu, xác minh một cách khoa học và chính xác. Đây là việc làm cần thiết, phải có thời gian và được đầu tư kinh phí", tiến sĩ Nhật đặt vấn đề.
Hoàng Phương