Trong một video 1,6 triệu lượt xem, tiến sĩ Sethi, hiện là bác sĩ Nội khoa và Tiêu hóa, chỉ ra các dấu hiệu nhỏ như móng tay giòn và biến dạng, khớp kêu, tóc bạc sớm có thể báo hiệu thiếu chất. Nếu không được điều trị, tình trạng này có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như gãy xương, tim mạch. Video của tiến sĩ Sethi công bố sau một nghiên cứu gần đây trên tạp chí Lancet, cho thấy 50% dân số thế giới không tiêu thụ đủ vi chất dinh dưỡng.
Móng tay dễ gãy
Móng tay dễ gãy có thể là dấu hiệu của việc thiếu protein và sắt. Móng tay được cấu tạo chủ yếu từ keratin, một loại protein cũng giúp hình thành các mô của tóc và lớp ngoài cùng của da. Không ăn đủ thực phẩm giàu protein như trứng, thịt nạc và khoai lang sẽ khiến cơ thể thiếu keratin, khiến móng tay mất cấu trúc. Cơ quan y tế liên bang khuyến nghị bổ sung 0,8 g protein trên mỗi kilogam trọng lượng cơ thể. Ví dụ, một người nặng 68 kg nên tiêu thụ khoảng 54 gam protein mỗi ngày.
Sắt là thành phần chính của hemoglobin, một loại protein trong hồng cầu giúp vận chuyển oxy từ phổi đến các mô khác. Thiếu sắt khiến móng tay thiếu oxy, trở nên giòn. Theo một nghiên cứu được công bố trên JAMA Network Open, khoảng 25% người Mỹ không ăn đủ chất sắt từ thực phẩm. Thiếu sắt không được điều trị có thể khiến tim thiếu oxy, dẫn đến rối loạn nhịp tim và bệnh tim.
Nam giới nên tiêu thụ khoảng 8 mg sắt mỗi ngày, trong khi nữ giới nên tiêu thụ 18 mg ở độ tuổi từ 19 đến 50 và 8 mg sau 51 tuổi. Nữ giới cần nhiều sắt hơn do mất sắt trong mỗi kỳ kinh nguyệt, mang thai và cho con bú.
Tuy nhiên, quá nhiều protein có thể dẫn đến khó tiêu và mệt mỏi, quá nhiều sắt có thể dẫn đến bệnh gan và tiểu đường. Vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị bổ sung hai chất một cách hợp lý.
Mắt giật
Mắt giật có thể là dấu hiệu của việc thiếu magie. Magie là khoáng chất thiết yếu giúp xương phát triển, đồng thời duy trì chức năng thần kinh và sự co cơ. Thiếu magie có thể khiến quá nhiều canxi chảy vào tế bào thần kinh, kích thích chúng quá mức dẫn đến co giật.
Theo một nghiên cứu năm 2020 trên Tạp chí của Hiệp hội Loãng xương Mỹ, ít nhất 50% người dân nước này không bổ sung đủ magie. Nam giới nên bổ sung ít nhất 420 mg magie mỗi ngày, nữ giới nên bổ sung 320 mg. Thực phẩm giàu magie gồm rau bina, bơ, các loại hạt, chuối và bơ đậu phộng. Nồng độ magie cực thấp có thể dẫn đến co giật hoặc rối loạn nhịp tim. Tuy nhiên, quá nhiều magie có liên quan đến tiêu chảy, buồn nôn và chuột rút dạ dày.
Khớp kêu răng rắc
Khớp kêu có thể là dấu hiệu thiếu vitamin D3 hoặc canxi. Vitamin D và canxi rất quan trọng trong việc duy trì sức khỏe cơ xương. Thiếu hai chất này làm suy yếu xương khớp, gây viêm, từ đó khiến khớp tay chân phát ra tiếng kêu răng rắc.
Dù tình trạng này không nguy hiểm, việc bổ sung vitamin và canxi vẫn quan trọng. Viện Y tế Quốc gia ước tính 25% người Mỹ không bổ sung đủ vitamin D, ăn dưới mức khuyến nghị là 800 IU mỗi ngày cho người trưởng thành. 40% người Mỹ trưởng thành không ăn đủ 1.000 mg canxi mỗi ngày.
Vitamin có nhiều trong lòng đỏ trứng, cá béo và nấm. Trong khi đó, sữa và rau lá xanh là thực phẩm giàu canxi. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến nghị bổ sung canxi và vitamin D phù hợp. Quá nhiều vitamin D có thể khiến canxi tích tụ trong máu, gây buồn nôn, nôn mửa, yếu và tiểu nhiều.
Tóc bạc sớm
Tóc bạc sớm có thể do thiếu vitamin B12. Đây là loại vitamin rất quan trọng cho việc sản xuất hồng cầu và vận chuyển oxy tại nang tóc. Điều này có thể dẫn đến tóc bạc sớm.
Khoảng 1% người Mỹ bị thiếu vitamin B12, gây mệt mỏi và suy nhược, giảm cân, các vấn đề về trí nhớ và thần kinh. Người trưởng thành cần khoảng 2,4 µg vitamin B12 mỗi ngày, có trong trứng, nghêu, cá hồi và thịt bò.
Tiến sĩ Sethi cũng lưu ý, tóc bạc sớm có thể do thiếu đồng, chịu trách nhiệm sản xuất melanin, ảnh hưởng đến màu tóc. Cuộc Khảo sát Sức khỏe và Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy 25% người Mỹ không bổ sung đủ 900 µg đồng mỗi ngày từ thực phẩm. Đồng có trong nội tạng động vật, động vật có vỏ, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu.
Tuy nhiên, quá nhiều vitamin B1 dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa, gây đau đầu, suy nhược và tổn thương thận. Quá nhiều đồng liên quan đến tổn thương gan và các vấn đề về nhịp tim.
Cơ thể dễ bầm tím
Tình trạng thiếu vitamin C có thể khiến chân, tay dễ bầm tím. Bên cạnh tác dụng tăng cường chức năng tế bào miễn dịch, vitamin C chịu trách nhiệm hình thành collagen, loại protein củng cố cấu trúc, làm đẹp da, chắc xương, cơ, gân và các mô liên kết.
Không đủ collagen, mạch máu mất lớp đệm bảo vệ, khiến cơ thể dễ bị bầm tím hơn. Khoảng 5% người Mỹ bị thiếu vitamin C. Dạng bệnh nghiêm trọng nhất do thiếu vitamin C là bệnh scurvy. Thực phẩm giàu vitamin C bao gồm trái cây họ cam quýt, ớt, bông cải xanh, dứa, kiwi và rau lá xanh. Tiến sĩ Sethi cũng cho biết dễ bị bầm tím có thể cho thấy thiếu vitamin K1, giúp đông máu. 33% người Mỹ không bổ sung đủ vitamin K1, có trong rau lá xanh, thảo mộc khô và đậu nành. Quá nhiều collagen có thể gây sỏi thận, đau đầu và mệt mỏi, trong khi quá nhiều vitamin K1 có thể gây tổn thương gan.
Thục Linh (Theo Daily Mail)