Một tàu ngầm hạt nhân Type-093 của Trung Quốc được cho là phải nổi lên hôm 12/1 ở vùng biển quốc tế gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, sau hai ngày bị tàu chiến thuộc Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) bám sát. Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng việc bị đối phương theo dõi trong thời gian dài cho thấy tàu ngầm hạt nhân nước này quá ồn ào và dễ bị phát hiện, theo SCMP.
Đây là lần đầu tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc áp sát quần đảo tranh chấp, hành động có thể nhằm thể hiện tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh với Senkaku/Điếu Ngư. Type-093 là thế hệ tàu ngầm tấn công hạt nhân mới được Trung Quốc biên chế từ năm 2006 để thực hiện các nhiệm vụ ở Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương, trong khi phiên bản Type-093A mới hơn vừa đi vào hoạt động hồi năm 2016.
Nhật Bản không cho biết tàu ngầm bị phát hiện là mẫu Type-093 cũ hay biến thể nâng cấp, nhưng các chuyên gia cho rằng nó là phiên bản Type-093A hiện đại nhất của Trung Quốc. Tàu ngầm lớp Type-093A được trang bị hệ thống phóng thẳng đứng (VLS), mang theo tên lửa diệt hạm siêu thanh YJ-18 có tầm bắn 470 km. Nó được kỳ vọng có uy lực ngang tàu ngầm lớp Los Angeles của Mỹ, đồng thời chạy êm hơn nhiều so với các tàu ngầm Type-091 trước đó.
"Đây là một sự cố đáng xấu hổ với hải quân Trung Quốc", nguồn tin quân sự giấu tên tại Bắc Kinh cho biết, nhấn mạnh rằng tàu ngầm bị phát hiện vì nó quá ồn. Sự cố này cũng cho thấy năng lực chống ngầm rất mạnh của Nhật Bản, quốc gia được Mỹ hỗ trợ tích cực về công nghệ quốc phòng, nhà bình luận Zhou Chenming cho hay.
Theo các chuyên gia, sự cố này có nhiều điểm khác thường, khi một tàu ngầm hạt nhân đủ sức lặn dưới nước nhiều tháng lại phải nổi lên trước lực lượng hải quân nước khác, thay vì tìm cách lẩn trốn trong lòng biển. "Một khi tàu ngầm lộ diện và tín hiệu thủy âm bị đối phương thu được, chúng sẽ gặp bất lợi lớn", chuyên gia Li Jie thuộc Viện Nghiên cứu Hải quân ở Bắc Kinh nhận định.
Năm 2004, một tàu ngầm hạt nhân Typ-091 cũng bị phát hiện khi đi vào lãnh hải Nhật Bản gần khu vực diễn ra sự cố hôm 12/1. Tuy nhiên, nó vẫn lặn trong lòng biển cho đến khi trở lại lãnh hải Trung Quốc, bất chấp việc tàu chiến và máy bay Nhật Bản thả phao thủy âm để thu nhận tín hiệu.
Chuyên gia quân sự Antony Wong Dong nhận định tàu ngầm Type-093A đã bị ép nổi lên, cho rằng hải quân Trung Quốc "thật ngớ ngẩn" khi để tàu lộ diện và bị chụp ảnh. Tuy nhiên, cũng có khả năng chiếc tàu nổi lên để tiện liên lạc và định vị, hoặc gặp trục trặc kỹ thuật.
Ông Wong Dong cũng bác bỏ tuyên bố cho rằng tàu ngầm treo cờ Trung Quốc để khẳng định chủ quyền với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trên thực tế, treo cờ là hành động thường gặp khi tàu ngầm nổi lên ở vùng biển quốc tế hoặc lãnh hải nước khác.
Trung Quốc đang biên chế hai tàu ngầm Type-093A, mỗi chiếc dài 110 m, rộng 11 m và có lượng giãn nước 7.000 tấn. Type-093A có tốc độ tối đa 55 km/h và tầm hoạt động không giới hạn.
Duy Sơn