Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 161 ca nhiễm nCoV mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên 763, trong đó 7 người đã tử vong. Với số ca nhiễm này, Hàn Quốc đã vượt Nhật Bản để trở thành "ổ dịch" Covid-19 lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc đại lục.
Các chuyên gia y tế Hàn Quốc cho rằng việc số người nhiễm tăng theo cấp số nhân những ngày qua cho thấy nước này đã bỏ lỡ "thời điểm vàng" để khống chế dịch và Covid-19 có thể tiếp tục bùng phát ở quy mô lớn hơn trong thời gian tới.
"Hàn Quốc đã bỏ lỡ thời điểm chính phủ hay KCDC có thể tự mình kiểm soát dịch", Kim Dong-huyn, chủ tịch Hiệp hội Dịch tễ học Hàn Quốc và là chuyên gia y tế dự phòng tại Đại học Y Hallym, nhận định. "Giờ là lúc chúng ta cần cả xã hội hành động. Tất cả mọi người cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch mà giới chức y tế đưa ra".
Peck Kyong-ran, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Samsung và là người đứng đầu Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Hàn Quốc, nói rằng sự gia tăng đáng báo động số ca nhiễm không rõ nguyên nhân cho thấy mọi người có thể bị nhiễm nCoV dù chưa từng ra nước ngoài hoặc tiếp xúc với bệnh nhân nghi ngờ nhiễm virus.
"Đây là một vấn đề thực sự cấp bách, nên chúng tôi đề nghị người dân hủy tất cả các cuộc gặp mặt hay tập trung đông người không cần thiết. Hãy ở trong nhà nhiều nhất có thể, ít nhất cho tới khi tốc độ lây nhiễm bắt đầu giảm xuống", bà Peck nói.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm qua thông báo nước này đã nâng cảnh báo nCoV lên "mức cao nhất" trong bối cảnh dịch Covid-19 đang "trải qua bước ngoặt nguy hiểm". Trước đó một ngày, ủy ban phản ứng chung gồm 11 hiệp hội y tế Hàn Quốc đã khuyến nghị chính phủ nâng cảnh báo nCoV lên mức cao nhất.
Trong khoảng một tháng kể từ khi ca nhiễm đầu tiên được báo cáo ngày 20/1, Hàn Quốc tập trung vào việc cách ly toàn bộ bệnh nhân trong phòng áp lực âm và theo dõi những người từng tiếp xúc với họ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chiến lược ứng phó này giờ đây không còn khả thi, khi số ca nhiễm tăng vọt trong vài ngày qua.
"Cần thay đổi chiến lược ứng phó từ kiểm soát sang giảm nhẹ, bởi tình trạng phơi nhiễm trong cộng đồng là không thể tránh khỏi trong giai đoạn này", Choi Won-seok, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y Hàn Quốc, nói. Ông Choi giải thích "giảm nhẹ" ở đây nhằm mục đích trì hoãn sự tiến triển của dịch để giới chức và nhân viên y tế có thể tăng tốc độ phản ứng trong thời gian này.
Park Jin-hui, phó giám đốc trung tâm cấp cứu của Bệnh viện Đại học Inha, cho rằng các bệnh viện đang gặp khó khăn vì thiếu nhân lực và vật lực đối phó với dịch.
"Chúng ta mới chỉ trải qua một tháng bùng phát dịch mà các bệnh viện đã hết chỗ để tiếp nhận thêm bệnh nhân có triệu chứng sốt và viêm đường hô hấp, những người cần cách ly với các bệnh nhân khác", ông Park cho hay.
Điều này khiến nhiều bệnh viện không thể tiếp nhận điều trị bệnh nhân mắc bệnh nặng khác. "Nhiều bác sĩ lo ngại rằng bệnh nhân mắc bệnh nặng khác có thể bị bỏ qua khi mọi nguồn lực y tế tập trung đối phó với dịch Covid-19. 4 trung tâm cấp cứu ở Daegu đã đóng cửa. Bệnh nhân buộc phải tìm tới những bệnh viện ở nơi xa hơn, làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus cho cộng đồng và bỏ lỡ các điều trị sớm cần thiết", ông Park nói thêm.
Song Joon-young, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Bệnh viện Đại học Guro, phía tây nam thủ đô Seoul, cho rằng nếu các cơ sở y tế rơi vào tình trạng thiếu giường bệnh, những người nhiễm bệnh nhẹ có thể phải cách ly tại nhà.
"Đó là lý do các biện pháp như rửa tay và đeo khẩu trang vô cùng quan trọng. Nếu hệ thống y tế của chúng ta quá tải và sụp đổ, người dân sẽ không thể trông chờ được gì nhiều", ông Song nhận định.
"Chúng ta sẽ không đủ khả năng đối phó với cuộc khủng hoảng hiện tại nếu các cá nhân không tuân theo các khuyến nghị được đưa ra", Ki Moran, chỉ đạo ủy ban ứng phó khẩn cấp thuộc Cơ quan Y tế dự phòng Hàn Quốc, nói.
Bà Ki nói thêm bất kỳ ai có triệu chứng giống cúm không nên ra khỏi nhà, đặc biệt là những người trên 65 tuổi và người có bệnh từ trước. Bà cũng cho hay các hiệp hội y tế đã yêu cầu chính phủ cho phép học sinh nghỉ học và nhân viên nghỉ làm nếu họ xuất hiện triệu chứng dù nhẹ.
Giới chuyên gia y tế cũng khuyên mọi người nên rửa tay và che miệng khi ho, khử trùng các đồ dùng hoặc bề mặt thường xuyên tiếp xúc, giữ phòng thông thoáng, tránh hội họp và tụ tập đông người, hạn chế để người già và người có hệ thống miễn dịch yếu ra ngoài.
"Chúng ta mới chỉ thấy dịch bắt đầu lây lan trên phạm vi cả nước. Nhưng những khuyến nghị an toàn trên có thể giúp chúng ta giảm bớt rủi ro. Thật khó để nhận ra bạn hay ai đó nhiễm bệnh trong giai đoạn đầu, khi những triệu chứng chưa rõ ràng và đây cũng là giai đoạn bệnh lây nhiễm nhanh nhất. Tóm lại, giữ vệ sinh và hạn chế tiếp xúc bên ngoài là chìa khóa để chống dịch", ông Kim, chủ tịch Hiệp hội Dịch tễ học Hàn Quốc, cho biết.
Thanh Tâm (Theo Korea Herald)