Một lúc sau điện thoại của bà Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli) đổ chuông. Đó là cuộc gọi từ sếp của bà, giám đốc Viện Virus học Vũ Hán.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Vũ Hán đã phát hiện chủng mới của virus corona ở hai bệnh nhân bị viêm phổi không điển hình và muốn phòng thí nghiệm nổi tiếng của bà Thạch nghiên cứu. Nếu phát hiện được xác nhận, mầm bệnh này có thể đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng về sức khỏe cộng đồng, bởi nó cùng họ với virus gây hội chứng suy hô hấp cấp (SARS), dịch bệnh khiến 8.100 người nhiễm và gần 800 người chết hồi năm 2002-2003.
"Dừng hết tất cả công việc hiện tại của cô và xử lý nó ngay", bà Thạch nhớ lại yêu cầu của giám đốc khi đó.
Bà Thạch, nhà virus học thường được đồng nghiệp gọi là "người dơi" vì luôn thực hiện các cuộc thám hiểm truy tìm virus ở dơi trong các hang động suốt 16 năm qua, rời hội nghị ở Thượng Hải và lên tàu trở về Vũ Hán.
"Tôi tự hỏi liệu giới chức y tế thành phố có nhầm lẫn gì không. Tôi chưa từng mong đợi điều này xảy ra ở Vũ Hán, miền trung Trung Quốc", bà Thạch nói.
Những nghiên cứu trước đây của bà cho thấy các tỉnh cận nhiệt đới ở phía nam Trung Quốc như Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam là nơi chủng virus corona có nguy cơ truyền từ động vật, đặc biệt là dơi, sang người lớn nhất. Khi đó bà đã nghĩ nếu virus corona đúng là nguyên nhân gây bệnh, "liệu có phải nó bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm của chúng tôi hay không?".
Trong khi nhóm nghiên cứu của bà Thạch ở Viện Virus học Vũ Hán (WIV), thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, chạy đua với thời gian để xác định loại bệnh mới và sau đó phát hiện nó có liên quan tới chủng virus corona mới được gọi là SARS-CoV-2, căn bệnh truyền nhiễm này đã lan nhanh như cháy rừng. Covid-19 đã xuất hiện ở 210 quốc gia và vùng lãnh thổ sau khởi phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc từ tháng 12/2019, khiến hơn 3,8 triệu người nhiễm và hơn 265.000 người chết.
Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo rằng tỷ lệ bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện đang gia tăng, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển, nơi có mật độ dân số cao và con người thường tiếp xúc với động vật.
"Xác định nguồn lây nhiễm và chuỗi lây nhiễm là việc vô cùng quan trọng", Peter Daszak, nhà sinh thái học về bệnh và chủ tịch tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận EcoHealth Alliance có trụ sở ở New York, nhận định.
Tổ chức này thường hợp tác với các nhà nghiên cứu như bà Thạch tại 30 quốc gia ở châu Á, châu Phi và Trung Đông nhằm phát hiện các loại virus mới trong tự nhiên. Ông Daszak thêm rằng một nhiệm vụ quan trọng không kém là truy tìm các mầm bệnh khác nhằm ngăn "những đợt bùng phát dịch tương tự xảy ra".
Đối với bà Thạch, cuộc "săn virus" đầu tiên giống như một kỳ nghỉ. Một ngày mùa xuân đầy nắng năm 2004, bà gia nhập đội nghiên cứu quốc tế để thu thập mẫy sinh phẩm của đàn dơi trong các hang động gần Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây. Nơi đầu tiên bà thám hiểm là một hang động rộng, nhiều nhũ đá và dễ tiếp cận bởi là điểm du lịch hút khách.
"Nó đẹp đến mê người", bà Thạch nhớ lại và cho biết thêm những thạch nhũ màu trắng sữa treo trên vách đá như những cột băng lấp lánh.
Nhưng cảm giác kỳ nghỉ nhanh chóng qua đi. Những loài dơi, bao gồm dơi móng ngựa ăn côn trùng thường có nhiều ở vùng Nam Á, thường sống trong các hang động sâu và hẹp trên các vùng đất dốc. Nhờ dân địa phương dẫn đường, bà Thạch và đồng nghiệp phải đi bộ hàng giờ, lách qua những khe đá hẹp để đến địa điểm tiềm năng. Loài động vật có vú biết bay này thường rất khó tìm. Trong tuần đầu tiên, đội của bà đã đi tới hơn 30 hang động nhưng chỉ phát hiện 12 con dơi.
Những cuộc thám hiểm như vậy là một phần trong nỗ lực tìm kiếm thủ phạm gây ra dịch SARS, dịch bệnh lớn đầu tiên của thế kỷ 21. Một đội tới từ Hong Kong đã báo cáo rằng những người buôn động vật hoang dã ở Quảng Đông đầu tiên nhiễm virus SARS từ cầy hương.
Trước khi SARS bùng phát, thế giới chỉ hiểu biết mơ hồ về virus có hình dạng vương miện này, theo Linfa Wang, giám đốc chương trình về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y Duke-NUS ở Singapore. Loại virus này hầu như chỉ được biết đến là nguyên nhân gây cảm lạnh thông thường.
"Sự bùng phát của SARS đã thay đổi tất cả", Wang nói và thêm rằng đó là lần đầu tiên một chủng virus corona bùng phát có thể dẫn tới đại dịch. Dịch bệnh này đã thúc đẩy cuộc tìm kiếm toàn cầu về các loại virus ở động vật có thể truyền sang người. Bà Thạch đã sớm tham gia cuộc tìm kiếm này và cả Daszak, Wang đều là những cộng sự lâu năm của bà.
Tại sao virus SARS lại có trong cầy hương khi đó là một bí ẩn. Trước đó, các nhà khoa học từng ghi nhận hai dịch bệnh truyền từ động vật sang người. Năm 1994, bệnh do virus Hendra gây ra ở Australia truyền từ ngựa sang người, còn dịch Nipah ở Malaysia năm 1998 truyền từ lợn qua người. Wang phát hiện cả hai căn bệnh đều có nguồn gốc từ loài dơi ăn hoa quả và ngựa, lợn là vật chủ trung gian. Loài dơi ở chợ Quảng Đông cũng có dấu vết của virus SARS, nhưng nhiều nhà khoa học không xem đó là nguồn lây nhiễm. Tuy nhiên, Wang lại nghĩ ngược lại.
Trong những tháng đầu tiên của cuộc "săn virus" năm 2004, đội của bà Thạch đã thu thập nhiều mẫu nước tiểu và phân dơi nhưng không tìm thấy bất kỳ dấu vết nào của virus corona. Đó là gáo nước lạnh dội vào những cố gắng của họ.
"8 tháng vất vả tìm kiếm dường như trở thành công cốc. Chúng tôi khi đó đã nghĩ dơi không liên quan gì tới SARS", bà Thạch nói.
Các nhà khoa học định bỏ cuộc thì một nhóm nghiên cứu của phòng thí nghiệm trong khu vực đưa cho họ một bộ xét nghiệm để kiểm tra các kháng thể của những người từng nhiễm SARS. Dù không chắc bộ xét nghiệm này có hiệu quả với kháng thể của dơi, bà Thạch vẫn quyết định thử. "Chúng ta có gì để mất sao", bà nói.
Kết quả vượt quá mong đợi của bà. Mẫu sinh phẩm của ba loại dơi móng ngựa có chứa virus SARS. "Đó chính là bước ngoặt của dự án này", bà nói.
Nhóm của bà Thạch sau đó đã sử dụng xét nghiệm kháng để thu hẹp danh sách các địa điểm và số lượng loài dơi trong cuộc tìm kiếm những manh mối về hệ gene của virus. Sau rất nhiều chuyến thám hiểm ở hàng chục tỉnh của Trung Quốc, nhóm nghiên cứu giờ tập trung vào một điểm là hang Thạch Đầu (Shitou) ở vùng ngoại ô Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, nơi họ lấy nhiều mẫu sinh phẩm của dơi trong 5 năm liên tiếp.
Những nỗ lực đã được đền đáp. Các nhà khoa học đã phát hiện hàng trăm loại virus corona với hệ gene đa dạng đến khó tin. "Phần lớn chúng đều vô hại", bà Thạch cho biết.
Nhưng có hàng chục loại khác cùng họ với virus SARS. Chúng có thể tấn công tế bào phổi của người trong các đĩa thí nghiệm và gây ra căn bệnh tương tự SARS ở chuột.
Cũng tại hang Thạch Đầu, nhóm nghiên cứu đã phát hiện một chủng virus corona từ loài dơi móng ngựa có cấu trúc gene trùng khớp gần 97% với một loại virus có trong cầy hương ở tỉnh Quảng Đông. Phát hiện này đã giúp tìm ra câu trả lời cho bí mật về loại virus SARS trong tự nhiên.
Trong các hang dơi mà bà Thạch lấy mẫu, gồm cả hang Thạch Đầu, "việc tiếp xúc thường xuyên giữa các loại virus khác nhau có thể tạo cơ hội lớn cho một mầm bệnh nguy hiểm mới xuất hiện", theo Ralph Baric, nhà virus học tại Đại học Bắc Carolina ở Chapel Hill.
Tiếp xúc gần với những "điểm nóng" như vậy, bà Thạch cho rằng "bạn vẫn có thể nhiễm bệnh dù không phải là người buôn động vật hoang dã".
Khi thu thập mẫu máu của hơn 200 cư dân sống trong 4 ngôi làng gần hang Thạch Đầu, bà Thạch phát hiện 6 người, khoảng 3%, mang kháng thể chống virus giống SARS ở loài dơi, dù không ai trong số họ buôn bán động vật hoặc có triệu chứng bệnh phổi. Tất cả người dân cho biết họ thường thấy dơi bay khắp làng.
Ba năm trước, nhóm của bà Thạch được gọi tham gia điều tra về loại virus ở một giếng mỏ thuộc huyện miền núi Mặc Giang, Vân Nam, sau khi phát hiện 6 thợ mỏ mắc bệnh giống viêm phổi và hai người đã chết. Sau một năm thu thập mẫu ở đây, các nhà nghiên cứu phát hiện nhóm virus corona tồn tại trong 6 loại dơi. Trong nhiều trường hợp, nhiều chủng virus cùng nhiễm cho một loài động vật và biến nó thành nơi sản xuất các loại virus mới.
"Giếng mỏ giống như địa ngục. Phân dơi phủ đầy nấm mốc la liệt khắp hang", bà Thạch, người phải mặc đồ bảo hộ và đeo khẩu trang khi vào hang, cho biết. Dù các loại nấm mốc này sau đó được phát hiện là thủ phạm gây bệnh cho thợ mỏ, bà Thạch cho biết việc họ nhiễm virus corona chỉ là vấn đề thời gian nếu mỏ này không bị đóng cửa.
Cách đây hơn một năm, nhóm của bà Thạch từng công bố hai đánh giá toàn diện về virus corona trên chuyên trang nghiên cứu khoa học MDPI và Nature Reviews Microbiology. Dựa trên những bằng chứng từ nghiên cứu của mình, bà Thạch và các cộng sự từng cảnh báo về nguy cơ về một đợt bùng phát virus corona ở loài dơi trong tương lai.
Trên chuyến tàu trở về Vũ Hán đêm 30/12 năm ngoái, bà Thạch Chính Lệ và đồng nghiệp đã thảo luận những cách để xét nghiệm mẫu bệnh phẩm. Trong những tuần sau đó, khoảng thời gian căng thẳng và áp lực nhất trong cuộc đời, "người dơi" Trung Quốc cảm thấy bà đang chiến đấu với một cơn ác mộng tồi tệ nhất, ngay cả khi đó là một trong những kịch bản mà bà đã chuẩn bị suốt 16 năm qua. Sử dụng kỹ thuật được gọi là phản ứng chuỗi polymerase (PCR), xác định virus bằng cách khuếch đại gene, nhóm của bà Thạch đã phát hiện 5 trong 7 bệnh nhân có trình tự gene của virus corona.
Bà Thạch đã hướng dẫn nhóm thực hiện lại các xét nghiệm, đồng thời gửi mẫu tới một cơ sở khác để giải trình tự gene đầy đủ. Trong khi đó, bà điên cuồng lục tung các hồ sơ của phòng thí nghiệm vài năm trở lại đây để kiểm tra. Bà thở phào nhẹ nhõm khi phát hiện không có trình tự gene nào trùng khớp với các loại virus mà nhóm bà nghiên cứu.
"Tôi thấy như được trút hết gánh nặng. Đã nhiều ngày qua tôi không thể chợp mắt", bà Thạch chia sẻ.
Tới ngày 7/1, nhóm nghiên cứu xác định một chủng virus mới đã gây ra căn bệnh giống viêm phổi cho các bệnh nhân. Trình tự gene của loại virus, mà sau đó được gọi là SARS-CoV-2, tương đồng tới 96% với loại virus corona mà nhóm từng phát hiện trong loài dơi móng ngựa ở Vân Nam. Kết quả này đã được công bố trên tập san khoa học Nature ngày 3/2.
"Rõ ràng rằng một lần nữa dơi lại trở thành vật thể mang virus trong tự nhiên", Daszak, người không tham gia vào nghiên cứu này, nhận định.
Kể từ đó, các nhà nghiên cứu đã công bố hơn 4.500 trình tự gene của SARS-CoV-2, cho thấy các mẫu virus trên toàn thế giới dường như có "chung một tổ tiên", Baric nói.
Vì virus này có vẻ khá ổn định lúc đầu và nhiều người nhiễm virus thường có triệu chứng nhẹ, các nhà khoa học nghi ngờ dịch bệnh này có thể đã lây lan trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng trước khi các ca nhiễm nặng được phát hiện ở Vũ Hán.
"Có thể đã có những đợt bùng phát nhỏ, nhưng tự dập tắt hoặc có mức độ lây lan thấp nên không gây ra đợt bùng phát lớn. Hầu hết các loại virus có nguồn gốc từ động vật đều tái bùng phát định kỳ, nên Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán không phải là ngẫu nhiên", Baric nói.
Dù một số nghiên cứu, trong đó có của nhóm bà Thạch, chỉ ra Covid-19 có thể bắt nguồn từ dơi, một số nghiên cứu độc lập khác chỉ ra tê tê cũng có thể là vật chủ trung gian truyền bệnh. Các nhóm nghiên cứu này đã phát hiện virus corona giống SARS-CoV-2 trong loài tê tê được thu giữ trong các hoạt động chống buôn lậu ở miền nam Trung Quốc. Điều này khiến nhiều nhà nghiên cứu lo ngại về các mầm bệnh có nguồn gốc từ động vật có thể xuất hiện trong tương lai.
Trong khi đó, những thông tin mới về nCoV tiếp tục được tiết lộ. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện mầm bệnh này tấn công tế bào phổi người bằng cách sử dụng protein có tên gọi angiotensin-converting enzyme 2 (ACE2) ở bề mặt tế bào. Nhóm của bà Thạch cũng như nhiều nhóm khác đang tìm kiếm các loại thuốc hiệu quả để ngăn chặn loại virus này. Trong khi đó, cuộc chạy đua phát triển vaccine cũng đang diễn ra trên khắp toàn cầu để ngăn các loại virus corona đe dọa cuộc sống của con người.
"Đợt bùng phát ở Vũ Hán chính là một hồi chuông cảnh tỉnh", bà Thạch Chính Lệ nói và thêm rằng sẽ tiếp tục công việc nghiên cứu của mình dù trải qua nhiều xáo trộn.
"Những gì chúng ta biết chỉ là phần nổi của tảng băng... Virus corona từ loài dơi có thể gây ra nhiều đợt bùng phát mới. Chúng ta phải tìm ra chúng trước khi chúng tìm tới chúng ta", bà Thạch nói.
Thanh Tâm (Theo Scientific American)