Từ 1/1/2025, Nghị định 168/2024 bổ sung việc xử phạt các hành vi vi phạm giao thông được phát hiện từ khai thác dữ liệu thiết bị giám sát hành trình. Trước đây thiết bị giám sát hành trình chủ yếu cung cấp dữ liệu phục vụ công tác quản lý, giám sát của doanh nghiệp vận tải và quản lý nhà nước trong hoạt động vận tải.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, thiết bị giám sát hành trình chưa nằm trong danh mục thiết bị kỹ thuật ghi nhận các vi phạm để phục vụ việc xử lý vi phạm hành chính. Theo quy định, các thiết bị đo lường, ghi nhận vi phạm nằm trong danh mục thì phải được kiểm định định kỳ về độ chính xác mới đủ điều kiện sử dụng.
Ông Quyền cho biết các phương tiện đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và đảm bảo tình trạng kỹ thuật tốt, hoạt động liên tục trong thời gian xe hoạt động. Tuy nhiên, qua nhiều năm, các thiết bị không được kiểm định lại vì chưa có quy định kiểm tra định kỳ nên nhiều cái hư hỏng, xuống cấp, ảnh hưởng độ chính xác của dữ liệu.
Ngoài ra, việc kiểm định thiết bị giám sát hành trình cũng chưa có cơ quan nào nghiên cứu. Cơ quan đăng kiểm hiện chỉ xác nhận xe có thiết bị hay không mà không xác định được nó có đạt tiêu chuẩn chất lượng hay không. "Đây là các bất cập, cơ quan quản lý cần hoàn thiện tính pháp lý trước khi thực thi. Thiết bị giám sát hành trình phải được bổ sung vào danh mục thiết bị xử phạt", ông Quyền nói.
Theo ông Quyền, cơ quan quản lý cũng cần nghiên cứu các điều kiện kỹ thuật, sai số đối với dữ liệu, công tác quản lý. Trên thực tế có tình trạng thiết bị giám sát hành trình bị gián đoạn khi đi qua khu vực thời tiết xấu, địa hình miền núi, bản đồ số không cập nhật nên dữ liệu ghi nhận sai so với thực tế. Do đó cần có dung sai số liệu như quá 5-10% mới xử phạt, giống như các thiết bị đo tốc độ, cân tải trọng xe nếu vượt quá 5-10% mới xử phạt.
Ủng hộ việc xử phạt qua thiết bị giám sát hành trình, ông Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho rằng trước đây khi xây dựng quy định về thiết bị giám sát hành trình thì mục tiêu đặt ra là giúp cơ quan quản lý nhà nước quản lý vận tải, doanh nghiệp quản lý an toàn giao thông, chưa đặt mục tiêu dùng làm căn cứ xử phạt. Vì vậy, trước đây không đặt vấn đề phải định kỳ kiểm định thiết bị, mặc dù thiết bị được lắp đặt phải đạt quy chuẩn.
![Xe khách hoạt động tại bến xe Mỹ Đình. Ảnh: Phạm Chiểu](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/15/CHC8567-JPG-9150-1739593655.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=vf1Zlg8EWX68HcwxuqKm-w)
Xe khách hoạt động tại bến xe Mỹ Đình. Ảnh: Phạm Chiểu
Về mặt kỹ thuật, thông tin từ thiết bị giám sát hành trình có thể không quá chính xác tới từng mét trên giây, nhưng nếu vi phạm về tốc độ, xe dừng đỗ tại đâu, đi có đúng lộ trình không thì có thể xác định chính xác, có thể dùng làm căn cứ xử phạt rất hiệu quả. Cơ quan chức năng có thể chuẩn hóa thiết bị giám sát hành trình bảo đảm đủ điều kiện là thiết bị dùng để xử phạt.
Dữ liệu từ camera trên xe kinh doanh vận tải rất lớn, có thể dùng phần mềm AI để lọc. Phần mềm có thể nhận diện ra hành vi hoặc dấu hiệu tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, từ đó cảnh báo, nhắc nhở kịp thời doanh nghiệp. Ví dụ nếu thấy tài xế làm việc quá 4 giờ sẽ ngay lập tức truyền về máy chủ của doanh nghiệp, nhắn trực tiếp vào điện thoại của lái, phụ xe, thậm chí yêu cầu doanh nghiệp điện thoại trực tiếp cho lái xe để nhắc nhở nghỉ ngơi đúng quy định.
Ông Minh dẫn kinh nghiệm Thái Lan, cảnh sát giao thông đã triển khai đồng bộ, hiệu quả và dùng dữ liệu thiết bị giám sát hành trình để quản lý, nhắc nhở cảnh báo khi có vi phạm, nhắc doanh nghiệp và lái xe khi có dấu hiệu vi phạm, xử phạt nếu có vi phạm. Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng những kinh nghiệm như vậy trong sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình trong quản lý vận tải và bảo đảm an toàn giao thông.
Thiết bị GPS đều có tiêu chuẩn, khi đạt chuẩn sẽ cung cấp thông tin đủ độ chính xác. Còn nếu doanh nghiệp cung cấp thiết bị không bảo đảm chất lượng thì là vấn đề khác và có quy định pháp luật để điều tiết hoạt động đó.
Cơ quan chức năng không khó khi kiểm tra ngẫu nhiên một số doanh nghiệp vận tải về thiết bị, chất lượng tín hiệu và truyền tín hiệu, lái xe có quẹt thẻ khi lên xe, bộ phận quản lý an toàn giao thông có làm đúng nhiệm vụ theo quy định của pháp luật hay không, qua đó có giải pháp phù hợp để chấn chỉnh.
"Chiếu theo những quy định pháp luật về thiết bị dùng để xử phạt, nếu thiếu ở khâu nào thì cơ quan chức năng cần bổ sung quy định quy trình để bảo đảm cho chặt chẽ", ông Trần Hữu Minh nói.
Đồng quan điểm, PGS.TS Vũ Hoài Nam, Đại học Xây dựng Hà Nội, ủng hộ việc xử phạt qua thiết bị giám sát hành trình vì mục tiêu nâng cao ý thức của doanh nghiệp vận tải và người lái xe. Thiết bị công nghệ giúp việc quản lý, xử phạt nhanh chóng, giảm công sức của lực lượng thực thi, đảm bảo minh bạch.
Để việc xử phạt hiệu quả, khả thi, TS Vũ Hoài Nam cho rằng do văn bản pháp lý chưa hoàn thiện, hạ tầng giao thông và thiết bị kỹ thuật giám sát hành trình còn bất cập thì cơ quan quản lý cần nghiên cứu, hoàn thiện các cơ sở pháp lý. Đặc biệt nên có lộ trình, thời gian để doanh nghiệp đầu tư thay thế thiết bị cũ, kiểm định đạt chuẩn, sau đó mới xử phạt.
Ngoài thiết bị giám sát hành trình, cơ quan chức năng cũng cần sử dụng công nghệ hỗ trợ để việc xử phạt công bằng, chính xác. Ví dụ phần mềm, Al có thể rà soát lịch sử đi lại của phương tiện, xác định xe bị tắc đường, lái xe có tự ngắt thiết bị giám sát hay không để ra quyết định xử phạt chính xác. Phần mềm giúp thông báo vi phạm cho doanh nghiệp vận tải và lái xe ngay khi có hành vi phạm lỗi thay vì thông báo sau nhiều ngày như hiện nay.
Cùng với đó, doanh nghiệp cần nâng cao ý thức, đầu tư hệ thống để lưu trữ dữ liệu, giám sát hoạt động phương tiện, tuân thủ nghiêm túc các quy định an toàn giao thông để bảo vệ doanh nghiệp và lái xe.
Mới đây, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam kiến nghị Chính phủ, bộ ngành xem xét chưa xử phạt hành vi vi phạm từ khai thác dữ liệu thiết bị giám sát hành trình với người điều khiển ôtô và chủ phương tiện vi phạm về vượt quá thời gian lái xe quy định. Cơ quan chức năng chỉ xử phạt hành vi vi phạm liên quan đến việc lắp đặt, quản lý, sử dụng thiết bị giám sát hành trình trên các loại xe kinh doanh vận tải đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh vận tải; không xử phạt với người điều khiển xe.
Hiệp hội cũng đề nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh thời gian lái xe của người lái ôtô kinh doanh vận tải lên 70 giờ mỗi tuần, bằng số giờ quy định tại Mỹ, EU và Nhật Bản. Cảnh sát giao thông chỉ xử phạt với hành vi vượt quá 10% thời gian quy định lái xe liên tục, thời gian trong ngày và trong tuần của người lái ôtô kinh doanh vận tải.
Đoàn Loan