Việt Nam đang dần nới lỏng giãn cách và bước vào trạng thái "bình thường mới". Các chuyên gia nhìn nhận, đây là cơ hội để nối liền các đứt gãy trong hoạt động kinh doanh và vận chuyển, trong đó có thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, cuối năm cũng là thời điểm hoạt động khuyến mãi kích cầu mua sắm của doanh nghiệp diễn ra sôi động trên các trang thương mại điện tử. Trong đó, các chương trình ưu đãi ngày đôi, dịp Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán... trên nền tảng trực tuyến luôn nhận được sự quan tâm lớn từ người tiêu dùng. Retail Gazette dự đoán thương mại điện tử toàn cầu ba tháng cuối năm 2021 sẽ tăng trưởng ít nhất 10,7%. Đây được xem là kỷ lục mới của ngành cũng như tín hiệu tích cực cho các nhà bán lẻ.
Chị Tú Anh, một nhân viên văn phòng Hà Nội chia sẻ, chi tiêu cho mua sắm của chị và gia đình trong dịp cuối năm luôn tăng. Một phần do tâm lý muốn chuẩn bị sắm sửa cho gia đình đón năm mới, một phần vì cuối năm các thương hiệu thường tung ra nhiều ưu đãi lớn. "Do ảnh hưởng của đại dịch, tôi cũng cắt giảm nhiều chi tiêu không cần thiết. Tuy nhiên, từ giờ đến cuối năm, tôi vẫn có kế hoạch mua sắm cho gia đình nhưng sẽ tận dụng những dịp giảm giá để tiết kiệm chi phí", chị Tú Anh cho biết.
Anh Đức Thiện, một nhà bán hàng trên sàn thương mại điện tử, gần đây cũng sốt sắng chuẩn bị cho chương trình mua sắm cuối năm. "Những năm trước, nhu cầu mua sắm của người dân dịp cuối năm rất lớn. Nhưng hai năm nay, do ảnh hưởng của dịch, xu hướng tiêu dùng của người dân cũng thay đổi. Tôi đang tính toán để có cách thức kinh doanh phù hợp", anh Thiện chia sẻ.
Bối cảnh mới đi kèm với nhiều sự thay đổi trong tâm lý, hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Doanh nghiệp đứng trước bài toán nan giải về những sự thay đổi chưa từng có. Những tháng cuối năm có thật sự là thời điểm "vàng" cho những nhà bán lẻ? Làm thế nào để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ngày một thông minh và khắt khe hơn? Làm sao để tận dụng thời cơ mở ra trong giai đoạn "bình thường mới" để đưa ra các chiến lược phù hợp và gặt hái kết quả kinh doanh tốt nhất? Những vấn đề trên sẽ được chia sẻ trong toạ đàm với chủ đề "Trở lại đường đua - Công thức nào để đạt kỷ lục doanh thu" do Lazada cùng VnExpress tổ chức. Chương trình phát sóng lúc 10h sáng ngày 4/11 trên VnExpress.net, fanpage VnExpress.net, ứng dụng Lazada và nhóm Cộng đồng nhà bán hàng Lazada.
Tọa đàm lần này có sự tham gia của ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM); ông Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc Phát triển Đối tác Kinh doanh của Lazada Việt Nam; ông Nguyễn Hữu Toàn - Nhà sáng lập thương hiệu giày Buybox & giảng viên Học viện Lazada Việt Nam và bà Đoàn Trần Thùy Linh - Nhà sáng lập thương hiệu Light Coffee & giảng viên Học viện Lazada Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam VECOM là một trong những người đầu tiên tham gia Ban vận động thành lập Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam. Ông đóng vai trò tích cực trong việc phổ biến các quy định pháp luật về thương mại điện tử, tuyên truyền về thương mại điện tử. Với những kinh nghiệm dày dặn, ông là chuyên gia tư vấn, đào tạo pháp lý trong thương mại điện tử và thông tin truyền thông cho các trường đại học và các trung tâm đào tạo.
Tham gia chia sẻ trong chương trình còn có ông Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc Phát triển Đối tác Kinh doanh của Lazada Việt Nam. Ông có 17 năm kinh nghiệm làm tại Kantar World Panel - một trong những công ty hàng đầu thế giới về nghiên cứu thị trường dựa trên chương trình nghiên cứu hành vi người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Hữu Toàn - Nhà sáng lập thương hiệu giày Buybox & giảng viên học viện Lazada Việt Nam và bà Đoàn Trần Thùy Linh- Nhà sáng lập thương hiệu Light Coffee - những nhà bán lẻ sở hữu nhiều năm kinh nghiệm thực chiến cũng sẽ có những chia sẻ hữu ích tại tọa đàm. Ông Toàn có 14 năm làm việc tại các tập đoàn lớn và kinh doanh với nhiều vai trò khác nhau: marketing sản phẩm game và thanh toán online, quảng cáo ngân sách lớn và phát triển đội ngũ bán hàng trên Facebook... Trong khi đó, bà Thuỳ Linh có 9 năm kinh nghiệm ở mảng bán hàng sỉ và lẻ trong và ngoài nước; 4 năm bán hàng thương mại điện tử. Ngoài ra, bà Linh cũng có 10 năm kinh nghiệm xây dựng đội ngũ doanh nghiệp và cũng là giảng viên kỳ cựu học viện Lazada Việt Nam.
Tại tọa đàm, các chuyên gia sẽ cùng thảo luận về tâm lý, xu hướng mua sắm sau cách ly của người tiêu dùng và sự thay đổi về tệp khách hàng trên thương mại điện tử. Các chuyên gia cũng sẽ tiết lộ câu chuyện thành công của bản thân cũng như các kinh nghiệm thực chiến nhiều năm. Bên cạnh đó, toạ đàm còn đưa ra lời khuyên cho các nhà bán hàng để tận dụng các nguồn lực một cách thông minh trước những chiến dịch Ngày đôi, Tết dương lịch, của các sàn thương mại điện tử, giúp các nhà bán hàng nắm bắt thời cơ đạt kỷ lục doanh thu.
Độc giả quan tâm đến chương trình hoặc cần tư vấn cho doanh nghiệp kinh doanh trên thương mại điện tử có thể gửi câu hỏi cho các chuyên gia tại đây.
Huyền Anh