"Ưu tiên hàng đầu của Mỹ là làm giảm sự hung hăng của Nga hoặc thuyết phục Moskva sửa đổi phương hướng. Nếu điều đó xảy ra, quan hệ Nga - Mỹ có thể được cải thiện. Chưa rõ Tổng thống Trump có hiểu điều này hay không, trong khi các cố vấn của ông và Quốc hội Mỹ thì hiểu rõ", ông John Herbst, Giám đốc Trung tâm Á - Âu, Hội đồng Atlantic, Mỹ, đánh giá khi trao đổi với VnExpress, sau khi Tổng thống Mỹ Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin có cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên tại thủ đô Helsinki của Phần Lan ngày 16/7.
Theo ông Herbst, trong hai năm qua, ông thường xuyên thể hiện quan điểm mềm mỏng "đến lạ kỳ" với Tổng thống Nga Putin và Điện Kremlin. Điều này thể hiện rõ khi Trump nhắc đến vấn đề Crimea, đề nghị đưa Nga trở lại nhóm G8. Cuối tháng 6, khi các phóng viên hỏi về khả năng ông ngừng phản đối việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine hồi 2014, Trump đã nói "chúng ta sẽ phải chờ xem". Cũng trong cuộc gặp hôm qua với Putin, Trump đã nhắc lại quan điểm của Nga về nguyên nhân khiến quan hệ hai nước xấu đi, cho rằng cả Mỹ cũng có lỗi.
"Hành động của Trump vừa kỳ lạ vừa sai trái", Herbst lên tiếng chỉ trích Tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, ông nhận định chính sách của Mỹ với Nga khi Trump nắm quyền trên thực tế lại cứng rắn hơn so với các chính quyền trước. "Điều đó có được nhờ mối quan tâm mạnh mẽ của quốc hội Mỹ và quan điểm vững chắc của các quan chức cấp cao của Mỹ", Herbst nói.
Chuyên gia của Hội đồng Atlantic dự đoán khi trao đổi với người đồng cấp Putin, Tổng thống Trump có thể nói tốt về Nga và nêu ra một số điểm chung về kiểm soát vũ khí hoặc tình hình ở Syria. Dù vậy Washington sẽ không thay đổi chính sách cứng rắn với Moskva trừ khi Nga thể hiện thiện chí giảm bớt chính sách mà Mỹ không hài lòng với Nga ở Ukraine, Syria và những nơi khác.
"Chúng ta có ít thông tin về các chủ đề được thảo luận và tôi không trông đợi có sự thay đổi lớn trong chính sách cứng rắn của Mỹ đối với Nga", Herbst nói.
Theo thông tin được công bố, Tổng thống Mỹ và Nga bày tỏ mong muốn hợp tác về các thách thức toàn cầu, sau khi thảo luận về các vấn đề như Syria, Ukraine, Trung Quốc, tới thuế thương mại và kho hạt nhân. Tại cuộc họp báo chung sau hội đàm, Trump nói không thấy bất cứ lý do nào để tin kết luận của các cơ quan tình báo Mỹ rằng Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Ông cũng không buộc Nga chịu trách nhiệm và gọi cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử là "thảm hoạ" với Mỹ. Tổng thống Nga Putin tái khẳng định chưa và sẽ không bao giờ can thiệp vấn đề nội bộ của Mỹ.
Ông Matthew Rojansky, Giám đốc Viện Kennan, Trung tâm Wilson, Mỹ, bày tỏ sự thất vọng về cuộc họp giữa hai nguyên thủ.
"Không có thỏa thuận lớn nào được tuyên bố trước hay sau hội nghị. Chỉ có một danh sách các vấn đề được thảo luận là Syria, hạt nhân, năng lượng và Ukraine. Cuộc họp báo khẳng định rằng thượng đỉnh hầu như không có kết quả thực chất nào", Rojansky nói.
Theo Rojansky, cuộc họp giữa Trump và Putin không giúp giảm chỉ trích với Tổng thống Mỹ ở Washington, từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Khi nêu cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ, Trump đã không đưa ra câu hỏi về việc Nga thực sự đã làm gì. Do đó, chỉ trích với Tổng thống Mỹ có thể bị đẩy lên cao trào trong cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11 năm nay, khi có báo cáo cuối cùng của công tố viên Mueller, hoặc sẽ kéo dài đến 2020.
Đáng chú ý, Tổng thống Nga Putin lần đầu tiên thừa nhận ông muốn Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, so với đối thủ là bà Hillary Clinton. Việc này có thể củng cố đánh giá của cộng đồng tình báo Mỹ về sự can thiệp của Nga vào bầu cử năm 2016.
Rojansky cho rằng điểm nổi bật nhất của cuộc họp giữa Trump và Putin là cho thấy chính phủ hai nước có thể thảo luận, nếu có vấn đề gì cần thực hiện thì Washington và Moskva có thể bắt tay. "Nhưng tôi nghi ngờ sẽ có tiến triển về các vấn đề hai bên xúc tiến", Rojansky nói.
Theo nhà phân tích của Wilson, trong cuộc gặp của Trump và Putin, hầu hết các vấn đề lớn được đề cập "đều bị đóng băng", không có bên nào thúc đẩy tiến triển.
"Tôi thực sự nản lòng khi thấy ít có nội dung thực chất được công bố trong cuộc họp báo. Nếu nhóm báo chí đưa tin của Nhà Trắng muốn Tổng thống Mỹ nhắc lại quan điểm về việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ, họ nên nêu câu hỏi. Tôi cho rằng họ đã bỏ lỡ một số vấn đề trong họp báo", Rojansky nói.
Khánh Lynh