![]() |
Bảng quảng cáo xe Fiat - sản phẩm liên doanh giữa một công ty quốc doanh Triều Tiên và hãng Fiat (Italy). Ảnh: Tuổi Trẻ / Stephen Codrington. |
Đến trước tượng đài, tôi lấy máy ảnh ra và ngắm để chụp nhưng anh Kim ngăn tôi lại: "Khoan vội, trước tiên anh phải hơi nghiêng mình trước bức tượng và phải thể hiện sự thành kính với lãnh tụ vĩ đại rồi anh mới chụp ảnh". Rồi cũng như mọi người, tôi tới đặt hoa dưới chân tượng đài và nghiêng mình kính cẩn. Tiếp sau chúng tôi, từng nhóm người Triều Tiên, Trung Quốc và phương Tây cũng tới thể hiện sự kính cẩn của họ.
Xa hơn một chút là tượng đài Cholima. Cholima là một con ngựa thần thoại trong dân gian Triều Tiên, có thể chạy với tốc độ kinh khủng. Vào những năm 1950, Chủ tịch Kim Nhật Thành quyết định gia tăng sản lượng nông nghiệp. Những thành tích tuyệt vời của nhân dân lao động được cho là có thể ví với huyền thoại Cholima. Tượng đài được dựng lên để kỷ niệm dấu mốc đó.
Nhóm tôi lại lên xe buýt để tới địa điểm khác. Anh Kim cho phép chúng tôi chụp ảnh bất cứ cái gì mình muốn ở Bình Nhưỡng. Không có ai cản trở nên chúng tôi chụp tất cả những gì có thể. Một lúc sau chúng tôi đi bộ tới tháp Juche (Tự chủ), cao hơn 150 m với ngọn lửa đỏ trên đỉnh. Dưới chân tháp là tượng đài một công nhân, một trí thức và một nông dân; người cầm búa, người cầm bút và người cầm liềm. Ở chỗ vào của tháp có hàng loạt tấm biển đặt kề nhau do người dân khắp nơi trên thế giới tặng nhân dịp khánh thành tháp những năm 1970. Trong số đó có khá nhiều tấm bằng tiếng Pháp.
Hướng dẫn viên của chúng tôi khi tham quan Bảo tàng chiến tranh Triều Tiên là một phụ nữ khoảng 30 tuổi mặc quân phục. Chúng tôi được nghe bài hướng dẫn hào hùng về chiến thắng của quân đội Triều Tiên trong chiến tranh từ năm 1950 đến năm 1953. Với tôi, phần thú vị nhất của bảo tàng là gian phòng lớn trưng bày chiến lợi phẩm. Xe tăng, máy bay, mũ, súng đạn và đồ đạc Mỹ đủ loại được trưng bày trong các kho lớn.Cuối cùng là phòng sa bàn, nơi dựng lại những trận chiến lớn. Khách tham quan đi vào một khu hình cầu với bốn bề là những bức tranh tường lớn mô tả trận đánh, còn các phối cảnh được bố trí quanh khách tham quan. Thật là ấn tượng!
Cung Văn hóa thiếu nhi mỗi ngày đón hàng nghìn trẻ em đến tham gia các hoạt động thể thao, nghệ thuật. Mỗi phòng nơi nhóm tôi đến đều có khoảng chục em thiếu nhi. Khi chúng tôi vào phòng biểu diễn của cung, nó gần như chật kín người Triều Tiên, khách du lịch Trung Quốc và một vài người phương Tây. Một phút sau, buổi biểu diễn bắt đầu và kéo dài trong một giờ rưỡi. Các em thiếu nhi vui vẻ trình diễn những tiết mục yêu nước và cách mạng.
![]() |
Khải Hoàn Môn ở Triều Tiên. Ảnh: Tuổi Trẻ / Stephen Codrington. |
Khải Hoàn Môn của Bình Nhưỡng có vẻ giống Khải Hoàn Môn ở Pháp về hình dáng bên ngoài, chỉ có kiến trúc là hiện đại và cao hơn ở Paris chừng 2-3 m. Những tác phẩm điêu khắc cách mạng được tạc bên các sườn, và lời của bản nhạc ca ngợi Chủ tịch Kim Nhật Thành được khắc trên đỉnh. Tôi đọc cho mọi người nghe một đoạn: "Dù bão tuyết từ bình nguyên Mãn Châu, đêm dài trong rừng rậm, ai là người du kích vô song trong lịch sử! Ôi tướng quân của chúng ta, tên Người quý mến, ôi tướng quân Kim Nhật Thành, sáng chói tên Người". Hai con số 1925-1945 được khắc gần trên đỉnh, liên quan đến những thời khắc đánh dấu sự dấn thân của Chủ tịch Kim Nhật Thành trong kháng chiến chống Nhật và giải phóng đất nước.
Màn đêm nhanh chóng buông xuống thủ đô với hơn 2 triệu dân. Tôi đi hát karaoke cùng ông bạn người Hà Lan và anh Li. Tôi hát một bài theo yêu cầu của cô phục vụ, những người Triều Tiên ngồi ở bàn nhiệt liệt vỗ tay. Tôi nhận thấy có hai người phương Tây trong số họ. Do họ mời nên tôi lại ngồi cùng.
Đây là hai người Italy chừng 50 tuổi mà ban đầu tôi nghĩ là khách du lịch. Tôi nhận ra hai người này đeo huy hiệu nhưng không phải loại mà khách du lịch có thể mua được. Họ đeo huy hiệu dành cho người Triều Tiên, có hình chân dung của hai nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong Il. Hóa ra họ là kỹ thuật viên làm việc ở Bình Nhưỡng.
Tôi nghe nói có chừng 200 người phương Tây sống ở Bình Nhưỡng, và tôi gặp hai trong số đó. Hai ông có vẻ rất thoải mái khi làm việc ở Triều Tiên. Ông có ria mép kể ông làm việc trong một nhà máy sản xuất thiết bị xe hơi của Italy. "Bình Nhưỡng là một thành phố dễ chịu", ông ta thì thầm với tôi. Người bạn Italy còn lại kể rằng điều kiện làm việc và sống ở đây rất tốt. Hồi mới đến nhà máy ông ta thấy rằng không thể làm việc được vì cái gì cũng thiếu. Ông đã phải cho nhập một container từ Singapore toàn dụng cụ lao động đơn giản nhất và sau đó tình hình khác đi.
(Theo Tuổi Trẻ)