![]() |
Một đường phố ở thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: Tuổi Trẻ / Stephen Codrington. |
Tại Triều Tiên, dường như khách du lịch nào cũng phải có ít nhất hai hướng dẫn viên và trên lý thuyết, chúng tôi không được phép nói chuyện với người dân
Chúng tôi đi ngang ngoại ô Bình Nhưỡng, thấp thoáng bên đường là khẩu hiệu và chân dung Chủ tịch Kim Nhật Thành. Xe buýt mất chừng 40 phút để đi từ sân bay về nội thành thủ đô. Cảnh tượng trở nên xúc động. Những đại lộ rộng thênh thang nhưng thiếu vắng trung tâm thương mại, nhà hàng; thiếu màu sắc hay một sự phá cách nào khác. Ban đầu chúng tôi đi theo con lộ vắng, thi thoảng mới thấy một chiếc Mercedes cũ hay vài chiếc ôtô Nhật đời mới hơn.
Điều đầu tiên đập vào mắt tôi là số lượng người đi đường. Đi bộ có vẻ rất phổ biến ở Triều Tiên. Điểm khác biệt là người dân ở đây thường di chuyển theo đám đông: công nhân nhà máy đi về cùng nhau, trẻ em đi học. Đám đông Triều Tiên có vẻ đồng nhất nếu so với người châu Âu hay Trung Quốc. Trẻ con đi theo hàng lối sát nhau. Từng nhóm công nhân di chuyển như thể là một người duy nhất.
Ấn tượng tiếp theo là số lượng binh lính. Tôi từng ấn tượng với số người mặc quân phục trong chuyến đi đầu tiên đến Trung Quốc, nhưng vẫn không thể sánh với những gì tôi thấy ở đây. Anh Kim tự hào nói rằng quân đội Triều Tiên có khoảng hơn một triệu lính (trong khi cả nước có 22 triệu dân).
Người Triều Tiên khá gầy. Vài năm sau, khi trở lại Bình Nhưỡng, tôi thấy những ấn tượng này vẫn không thay đổi là mấy.
Một vài bến xe buýt tập trung khá nhiều công nhân. Rất ít xe cộ trên đường và cũng ít xe đạp. Một trong những thành viên của nhóm tôi tỏ vẻ ngạc nhiên về số lượng ôtô đi lại ít ỏi trên đường. Anh Kim trả lời đó là chủ trương chống ô nhiễm đô thị.
Một lúc sau, chúng tôi về đến khách sạn, tòa nhà 47 tầng thật ấn tượng. Phía trên cùng là một nhà hàng quay nhìn được toàn cảnh thành phố.
Thức giấc vào sáng sớm, kéo tấm riđô, tôi cảm thấy dễ chịu vì thời tiết thật tuyệt vời. Phòng của tôi nhìn ra phía sông, về hướng sân vận động 1/5 và tháp Juche (Tự chủ).
Chúng tôi đi một vòng qua các công trình lớn của thành phố. Những khẩu hiệu cổ động hiện diện ở một số nơi, phần lớn mô tả người lính đang chiến đấu, những người lao động phấn khởi, tất cả đặt dưới nụ cười nhân từ của Chủ tịch Kim Nhật Thành.
![]() |
Ga tàu điện ngầm ở Triều Tiên. Ảnh: Tuổi Trẻ / Stephen Codrington. |
Chúng tôi vào một bến tàu điện ngầm. Tôi không rõ độ sâu của bến tàu điện Triều Tiên nhưng chắc chắn là khác với châu Âu và Trung Quốc. Quãng đường đi thường kéo dài mấy phút. Đi xuống dưới ga tàu có vẻ tối hơn, có lẽ vì lý do tiết kiệm điện. Bến tàu rất hoành tráng theo truyền thống Xô viết. Toa tàu cũ kỹ và hơi tối tăm. Bên trong mỗi toa tàu đều có chân dung hai nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong Il.
Ở thang cuốn đi lên mặt đất, tôi tận dụng cơ hội tách khỏi hai anh hướng dẫn viên và thử tỏ ra tươi cười với những người tôi gặp, nhưng họ không nhìn tôi.
(Theo Tuổi Trẻ)