Chia sẻ tại Hội nghị của Tổng cục Thuế diễn ra sáng ngày 27/11, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, ngành đang đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số, điện tử hóa công tác quản lý thuế. Trong đó có triển khai bản đồ số hộ kinh doanh giúp chuyển đổi căn bản công tác công khai thông tin hộ kinh doanh theo quy định của Luật Quản lý thuế từ phương thức thủ công trước đây sang phương thức điện tử.
Ngành cũng đã vận hành hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý hóa đơn điện tử dựa trên cơ sở phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) để tăng cường quản lý thuế, quản lý hóa đơn, góp phần kiểm soát, phát hiện nhanh các trường hợp gian lận.
"Thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia trong nhiều năm qua, Tổng cục Thuế luôn tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa trong lĩnh vực quản lý, giúp tăng cường hiệu quả, minh bạch trong quản lý thuế", ông Đặng Ngọc Minh cho biết.
Năm 2023, ngành tiếp tục đẩy mạnh chương trình hóa đơn điện tử từ máy tính tiền, từ đó, góp phần xử lý minh bạch nguồn thu từ phía cơ quan thuế, tạo cơ sở để người kinh doanh bán hàng xuất hóa đơn kịp thời cho người mua và tạo điều kiện cho người nộp thuế lấy hóa đơn sau mỗi lần giao dịch và tham dự chương trình "Hóa đơn may mắn" được ngành triển khai.
Đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết, ngành đã có bước tiến dài trong việc đưa công nghệ vào công tác quản lý, khi lựa chọn 19 ứng dụng do các Cục thuế tự nghiên cứu xây dựng phát triển. Theo đó, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý là bước tạo đà quan trọng để ngành thuế cụ thể hóa mục tiêu chuyển đổi số toàn diện của Bộ Tài chính và của Chính phủ.
Với 19 công cụ được ngành Thuế lựa chọn từ 80 công cụ, ứng dụng công nghệ thông tin được giới thiệu tại cả 3 miền Bắc - Trung - Nam sẽ được tiếp tục hoàn thiện, phát triển và nhân rộng ra toàn ngành. Bên cạnh đó, việc chủ động xây dựng các công cụ để áp dụng vào công tác quản lý thuế tại đơn vị đảm bảo phù hợp và hiệu quả, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi phương thức quản lý hiện đại, minh bạch, chuyên nghiệp của ngành Thuế đóng góp tích cực vào mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.
19 công cụ, ứng dụng công nghệ thông tin do Cục thuế các tỉnh, thành xây dựng và phát triển liên quan đến 5 nhóm về lĩnh vực công tác thuế gồm: Công tác quản lý thuế và quản lý hộ cá nhân kinh doanh; Kiểm soát dữ liệu hóa đơn điện tử; Đăng ký thuế, kê khai và kiểm soát hồ sơ kê khai thuế; Cung cấp các kênh hỗ trợ người nộp thuế; Hỗ trợ công tác thanh tra, kiểm tra và quản lý rủi ro.
Nổi bật có công cụ trong việc phân loại hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân chậm nộp phải xử phạt vi phạm hành chính (Cục thuế TP Hà Nội); Công cụ kiểm tra nhanh tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân (Cục thuế tỉnh Quảng Nam), Công cục hỗ trợ công tác quản lý thuế và quản lý hộ, cá nhân kinh doanh (Cục thuế tỉnh Thanh Hóa); Công cụ hỗ trợ quản lý hóa đơn (Cục thuế tỉnh Bình Định); Công cụ quản lý hộ kê khai (Cục thuế tỉnh Yên Bái); Công cụ thu thập dữ liệu từ sàn thương mại điện tử (Cục thuế tỉnh Thái Nguyên).
"Nhiệm vụ chuyển đổi số chỉ thành công khi mỗi người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại", Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế chia sẻ tại hội nghị.
Theo đó, ông Đặng Ngọc Minh đề nghị ngành tập trung nguồn lực phối hợp triển khai, đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, xem phát triển nguồn nhân lực là giải pháp then chốt để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả và bền vững. Song song đó, tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng số, kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu; kỹ năng quản trị vận hành hệ thống công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức hàng năm, để sẵn sàng chuyển đổi môi trường làm việc sang môi trường số và cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Tuệ Anh