Làm việc với Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP HCM về đề án Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030, ngày 15/11, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Anh Dũng, cho biết hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm ứng dụng ở các cơ sở y tế hiện nay chưa được đầu tư đúng mức đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số. Các hệ thống phần mềm hầu hết được xây dựng theo yêu cầu của từng bệnh viện, với những kỹ thuật đặc thù riêng, nhiều nơi chưa nâng cấp kịp thời nên lạc hậu, rất khó khăn khi ứng dụng chữ ký số.
"Các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin của các bệnh viện chưa thống nhất ngôn ngữ dùng chung, mỗi nhà mỗi cảnh nên không tương thích, ảnh hưởng đến mục tiêu quan trọng là xây dựng dữ liệu lớn của ngành y tế", ông Dũng nói.
Một trong những nguyên nhân là một số bệnh viện thiếu kinh phí đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin, nhất là hệ thống máy chủ của trung tâm dữ liệu. Hiện, chi phí đầu tư công nghệ thông tin chưa được tính vào chi phí thu viện phí, dẫn đến để đầu tư mới và tái đầu tư, hầu hết cơ sở y tế phải sử dụng nguồn quỹ phát triển sự nghiệp. Thời gian thực hiện các dự án đầu tư công nghệ thông tin kéo dài do thủ tục phức tạp, không dễ dàng.
Nhân lực chuyên trách còn khan hiếm, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao do thu nhập không đảm bảo, không có chế độ đãi ngộ hợp lý. Hầu hết dự án ứng dụng công nghệ thông tin tại bệnh viện là do các công ty phần mềm thực hiện, nhưng không phải tất cả chuyên gia công ty đều am hiểu những quy trình hoạt động chuyên môn đặc thù ngành y tế. Vấn đề an ninh mạng cũng gặp nhiều thách thức, nằm ngoài khả năng của các bệnh viện do chưa có chuyên viên công nghệ thông tin chuyên sâu về lĩnh vực y tế.
Ngoài ra, sự hưởng ứng của người dân hiện chưa cao. Việc tiếp cận công nghệ mới, công nghệ hiện đại giúp người dân thuận lợi hơn và rút ngắn thời gian chờ đợi như đăng ký khám bệnh qua các ứng dụng trên thiết bị thông minh, qua trang thông tin điện tử, ki-ốt thông minh, thanh toán không dùng tiền mặt... Tuy nhiên, tỷ lệ người dân quan tâm và sử dụng các tiện ích chuyển đổi số của ngành y tế vẫn còn rất thấp. Thực tế này làm kéo dài thời gian duy trì đồng bộ cả hệ thống số và hệ thống giấy tại các cơ sở y tế, tác động không nhỏ đến mục tiêu và lộ trình thực hiện chuyển đổi số của ngành y tế, chưa kể ảnh hưởng sức lao động của nhân viên y tế.
Đề án Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030, do UBND TP HCM ban hành ngày 26/7/2021, mục tiêu triển khai chuyển đổi số hướng đến xây dựng dữ liệu lớn của ngành y tế, giúp dự báo và xây dựng chiến lược, nâng cao chất lượng quản lý và chăm sóc sức khỏe người dân, góp phần xây dựng đô thị thông minh theo mục tiêu của thành phố. Trong đó, nổi bật là tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho mỗi người dân, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, quản lý dịch bệnh bằng nền tảng số, hệ thống điều hành cấp cứu thông minh...
Hệ thống y tế TP HCM hiện có 129 bệnh viện (cả công lẫn tư), 22 trung tâm y tế, 310 trạm y tế, 6.967 phòng khám tư nhân, 39 trạm cấp cứu vệ tinh, theo Đề án đều phải tham gia mạng lưới y tế thông minh. Thời gian qua, ngành y tế TP HCM đẩy mạnh nhiều hoạt động y tế thông minh như xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành y tế, đóng góp vào kho dữ liệu lớn của thành phố; triển khai hồ sơ bệnh án điện tử và các các ứng dụng công nghệ thông tin tăng thêm tiện ích cho người bệnh tại các bệnh viện; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, trong cải cách hành chính và quản lý ngành cũng như trong công tác quản lý sức khỏe người dân, phòng chống dịch bệnh.
Tuy vậy, tùy điều kiện riêng, các cơ sở y tế triển khai công nghệ không đồng đều nhau, có nơi chỉ ứng dụng rất đơn giản. TS.BS Lê Trường Giang, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho rằng đặc điểm riêng và cũng là thách thức của ngành y tế là tính đa dạng, đa chức năng. Mỗi cơ sở y tế có những đặc thù riêng, đòi hỏi công nghệ phù hợp riêng. Một vấn đề nữa là tính phát triển không đồng đều của ngành y tế, có những bệnh viện phát triển tốt, có nơi lận đận với những công việc hàng ngày, không đủ thời gian và năng lực để phát triển công nghệ thông tin.
"Nơi nào lãnh đạo thấy ứng dụng công nghệ thông tin là cần thiết, đầu tư vào thì chỗ đó mới phát triển", ông Giang nói. Sự không đồng đều dẫn đến khó khăn của ngành y tế trong phát triển công nghệ thông tin. Do đó, ông cho rằng thành phố cần có chính sách ưu tiên hơn để phát triển đội ngũ công nghệ thông tin cho ngành y tế so với các ngành khác.
Lãnh đạo Sở Y tế TP HCM bày tỏ mong muốn hoàn thiện và đồng bộ hệ thống cơ sở pháp lý cho hoạt động chuyển đổi số y tế trên phương diện quốc gia, đặc biệt quy định pháp lý cho việc lưu trữ hồ sơ, bệnh án trên môi trường điện tử, thừa nhận các loại giấy phép được cấp trên môi trường mạng.
Ngoài ra, Sở Y tế đề nghị thành phố hỗ trợ ngân sách đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin cho các cơ sở y tế nhằm đáp ứng được yêu cầu quản lý và mục tiêu chuyển đổi số của ngành y tế. Nhà nước nên có cơ chế, chính sách động viên, khuyến khích nhân sự công nghệ thông tin làm việc trong cơ sở y tế, đưa chi phí đầu tư công nghệ thông tin vào cấu thành giá bảo hiểm y tế. Ngành y tế cũng như giáo dục, đều cần có chính sách không thu phí giao dịch (thanh toán qua thẻ POS, chuyển khoản ngân hàng, Momo, Zalo...), do phí giao dịch phải trả cho đơn vị cung cấp dịch vụ khá cao, chưa khuyến khích chuyển đổi sang hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP HCM, ghi nhận các ý kiến, đề xuất này của ngành y tế và nói rằng số lượng cơ sở mà ngành y tế đang quản lý cực kỳ lớn. Do đó, Sở Y tế cần tổng hợp đánh giá thực chất nguồn lực để có lộ trình phát triển rõ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chú trọng hồ sơ sức khỏe điện tử phục vụ người dân. Đặc biệt, sau hơn một năm triển khai đề án Y tế thông minh, Sở Y tế cần sơ kết đánh giá tình hình để tham mưu UBND những giải pháp phù hợp.
"Ngành y tế nên từng bước thí điểm nghiên cứu liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện để phục vụ người bệnh, ứng dụng các tinh hoa của thế giới vào khám chữa bệnh", ông Bình đề nghị.
Dự kiến, trong năm 2022, thành phố tạo lập hồ sơ sức khỏe cho người thuộc nhóm nguy cơ (người có tuổi trên 50 hoặc có bệnh nền). Năm 2023, tạo lập hồ sơ sức khỏe cho nhóm phụ nữ mang thai và trẻ em. Năm 2024-2025 tạo lập hồ sơ sức khỏe cho nhóm dân số còn lại.
Nhiều bệnh viện TP HCM đã triển khai y tế thông minh nhưng gặp nhiều khó khăn do không có kinh phí, đội ngũ nhân lực để vận hành. Khoảng một tháng nay, Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP HCM làm việc với Bệnh viện Hùng Vương, Nhi đồng 1, Nhân dân 115, Trưng Vương về nội dung này.
Lê Phương