TS.BS Phạm Ngọc Huy Tuấn, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trưng Vương, chia sẻ thông tin trên khi làm việc với Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP HCM về đề án Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030, ngày 9/11.
Bệnh viện Trưng Vương quy mô 700 giường, là bệnh viện đa khoa hạng một thuộc Sở Y tế TP HCM. Hồi tháng 6 năm ngoái khi số ca Covid tại thành phố tăng nhanh, Trưng Vương là một trong những bệnh viện đầu tiên chuyển công năng sang chuyên tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 có các bệnh lý đi kèm cần can thiệp chuyên sâu, thuộc tầng điều trị cao nhất.
Theo bác sĩ Tuấn, Covid không chỉ tàn phá người bệnh mà còn tàn phá cơ sở vật chất của bệnh viện điều trị. Trong thời gian dịch bùng phát, bệnh viện phải thường xuyên phun xịt khử khuẩn các khoa nên máy vi tính, máy lạnh, máy thở, máy điện tim... hư hao rất nhanh. Chẳng hạn, sau dịch, máy vi tính ở khoa cấp cứu "tan nát", máy hư làm chậm dữ liệu, mất dữ liệu, không tiền mua lại, phải chắp vá đủ kiểu, đợi cơ chế không biết chừng nào mới mua được.
"Khoa báo cáo thiếu máy móc, nghe đau đầu nhưng biết làm sao bây giờ", bác sĩ Tuấn nói và thêm rằng thời kỳ dịch có những điều không ngờ trước, không có tiền lệ, nay cần chế độ phục hồi cơ sở vật chất cũng phải không có tiền lệ. "Giờ bệnh viện trở về điều trị bình thường mà cơ sở vật chất rỗng ruột thì làm sao đảm bảo, cuối cùng bệnh nhân sẽ lãnh đủ, chuốc lấy hết thiệt thòi".
TS.BS Lê Trường Giang, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, cũng đánh giá bệnh viện đang vật lộn với những công việc hàng ngày để tồn tại, chứ chưa nói đến phát triển và cạnh tranh. Bệnh viện chưa ổn định, thay đổi liên tục, từ bệnh viện thành bệnh viện cấp cứu, rồi tách cấp cứu thành đa khoa, dẫn đến nhiều xáo trộn, khó khăn cho y bác sĩ. Ông đề nghị thành phố hỗ trợ bệnh viện nhanh chóng vượt qua rào cản, đỡ phải lo chuyện ví như "ăn đong từng bữa", từ chuyện đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm máy móc thiết bị mới, nâng năng lực hoạt động của bệnh viện. "Đội ngũ công nghệ thông tin phải lo vật lộn sửa máy móc hỏng hóc, thời gian đâu mà phát triển cái mới", ông nói.
Trong khi đó, đề án xây dựng mới bệnh viện nhiều năm nay vẫn chưa xong. Bác sĩ Tuấn cho biết làm việc tại bệnh viện từ năm 1992, nghe nói đến đề án xây dựng mới bệnh viện mà mãi đến giờ ông sắp về hưu vẫn chưa được đặt chân vào tòa nhà mới. Trong lúc chờ vận hành tòa nhà mới, bệnh viện không tiền đầu tư sửa chữa lớn vì xây xong đập phá phải tốn kém, trong khi mỗi ngày bệnh nhân đều đến viện và cần sử dụng máy móc thiết bị.
"Cần chấp nhận tốn kém, xác định đến lúc bỏ thì phải đập nhưng phải phục vụ người bệnh, chứ không thể ráng chờ đợi khiến cho người bệnh chịu thiệt thòi. Người bệnh cần thì bệnh viện phải làm, còn không thì ngưng điều trị luôn", bác sĩ Tuấn nói. Ông cho rằng chính môi trường làm việc, thiếu cơ sở vật chất, thu nhập không đảm bảo góp phần khiến nhiều nhân viên y tế nghỉ việc, người bệnh càng thiệt thòi.
Bác sĩ Huỳnh Ngọc Hớn, Phó giám đốc phụ trách Bệnh viện Trưng Vương, cho biết 10 tháng đầu năm, nơi này ghi nhận 138 nhân viên nghỉ việc (trên tổng số khoảng 900 nhân viên toàn viện), trong đó có 53 điều dưỡng, gánh nặng công việc dồn hết cho những người còn lại. Bệnh viện đang không có nguồn tích lũy để chi thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế.
"Nhân sự các khoa phòng không ổn định, thay đổi liên tục do nghỉ việc, ảnh hưởng đến thời gian triển khai các phân hệ mới của công nghệ thông tin", bác sĩ Hớn nói. Bệnh viện đang trong quá trình xây dựng mới, các khoa phòng không thể sửa chữa lớn, đường đi lối lại bị chia cắt, do vậy hạ tầng mạng cũng bị ảnh hưởng theo. Hiện, việc xây dựng khối nhà A bị chậm tiến độ khoảng 5 tháng sẽ kéo theo hàng loạt sự chậm trễ khác trong đó có hạ tầng mạng. Bệnh viện đang phối hợp với các cơ quan chức năng để thúc đẩy tiến độ xây dựng.
Chia sẻ thêm về khó khăn khi triển khai công nghệ thông tin, lãnh đạo viện cho biết năm 2004, Trưng Vương là một trong những đơn vị đi đầu trong thành phố bắt đầu xây dựng hệ thống quản lý bệnh viện điện tử (HIS) và vận hành khai thác liên tục cho đến nay. Năm 2014, UBND cấp kinh phí cho bệnh viện đầu tư nâng cấp hạ tầng. Tuy nhiên, đến nay hầu hết máy chủ và thiết bị lưu trữ trang bị cho bệnh viện đã hết khấu hao, máy chủ và thiết bị lưu trữ trang bị mới - cũ không đồng bộ, làm cho hệ thống bị phân mảnh, không phát huy được hết tài nguyên của từng thiết bị.
Bệnh viện gặp khó khăn khi trang trải cho các hoạt động nên chi phí cho công nghệ thông tin cũng gặp khó nên phải tận dụng tối đa, cố gắng đáp ứng nhu cầu triển khai các ứng dụng hướng đến bệnh viện thông minh. Trong đó, bệnh viện triển khai nhiều phần mềm như quản lý bệnh nhân ngoại trú, khám bệnh; số hóa toàn bộ đơn thuốc thay vì bác sĩ kê đơn thuốc bằng viết tay; chương trình nhắc nhở tiến tới cảnh báo trong kê đơn. Hiện 100% thanh toán viện phí sử dụng hóa đơn điện tử. Nơi này cũng triển khai máy phát số tự động; màn hình thông báo điện tử hiển thị thông tin nhận bệnh, thứ tự khám bệnh, thứ tự nhận thuốc bảo hiểm y tế; đặt lịch khám trực tuyến qua tổng đài điện thoại, app...
Để quản lý bệnh nhân nội trú, bệnh viện số hóa các chỉ định điều trị, giấy tờ chuyên môn, hồ sơ bệnh án... và dịch vụ kỹ thuật tại khoa lâm sàng. Các ứng dụng này giúp giám sát và kiểm soát chi phí điều trị, bác sĩ và điều dưỡng tiết kiệm rất nhiều thời gian thay vì phải thực hiện bằng thủ công như trước đây.
Bệnh viện đang trong quá trình chuẩn bị bệnh án điện tử, dự kiến sẽ áp dụng vào cuối năm 2023 cùng với đề án bệnh viện thông minh.
Một khó khăn lớn mà bệnh viện cũng như nhiều nơi gặp phải là việc thu hút, giữ chân nhân lực công nghệ thông tin do mặt bằng chung mức lương tại bệnh viện quá thấp. Bệnh viện có 10 nhân sự, thiếu nhân lực có trình độ sau đại học, nhân sự chuyên trách lập trình, chuyên trách cơ sở dữ liệu.
Lãnh đạo viện mong muốn được quan tâm chi phí bảo trì bảo dưỡng hàng năm hoặc cơ cấu chi phí công nghệ thông tin vào giá viện phí. "Đây là vấn đề lớn, nhiều nơi được đầu tư công nghệ thông tin xong, sau đó hàng năm trả 10-20% chi phí bảo trì trên số vốn rất lớn, khiến bệnh viện không có kinh phí trang trải", bác sĩ Hớn nói.
Ngoài ra, cần chính sách ưu đãi cho nhân viên công nghệ thông tin ngành y tế vì không thể cạnh tranh tranh nổi thu nhập so với bên ngoài. Các bệnh viện nên hợp tác đầu tư về công nghệ thông tin, chia sẻ nguồn tài nguyên, dữ liệu để tránh lãng phí, tránh mỗi nơi làm theo một kiểu, có thể khiến các dữ liệu không liên kết được với nhau.
Sau hơn 3 giờ làm việc với Bệnh viện Trưng Vương, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP HCM, chia sẻ với những khó khăn của đơn vị sau thời gian dài chống dịch, tham gia cứu chữa nhiều bệnh nhân Covid-19. Đoàn công tác ghi nhận các kiến nghị của bệnh viện, cho biết sẽ đề nghị các sở ban ngành liên quan hỗ trợ giải quyết các khó khăn, tập trung hoàn thành xây dựng khối nhà mới, đầu tư cơ sở vật chất, chi trả thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế...
Đề án Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030, do UBND TP HCM ban hành, mục tiêu triển khai chuyển đổi số hướng đến xây dựng dữ liệu lớn của ngành y tế, giúp dự báo và xây dựng chiến lược, nâng cao chất lượng quản lý và chăm sóc sức khỏe người dân. Trong đó, nổi bật là tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho mỗi người dân, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, quản lý dịch bệnh bằng nền tảng số, hệ thống điều hành cấp cứu thông minh...
Thời gian qua, nhiều bệnh viện TP HCM đã triển khai y tế thông minh nhưng gặp nhiều khó khăn do không có kinh phí, đội ngũ nhân lực để vận hành. Hai tuần trước, Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP HCM làm việc với Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhân dân 115 về nội dung này.
Hồi tháng 5, lãnh đạo Sở Y tế TP HCM đặt hàng nhà khoa học, viện trường, doanh nghiệp các giải pháp ứng dụng công nghệ trong việc chăm sóc sức khỏe người dân như khám từ xa (telehealth); ứng dụng AI đọc kết quả X-quang phổi...
Lê Phương