Sau ba năm nộp đơn phá sản doanh nghiệp vì phải di dời khỏi Khu công nghiệp Bình Chiểu (TP Thủ Đức), ông Đoàn Sỹ Lợi, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Trường Lợi, hoạt động trong ngành giày da, nói rằng "vẫn còn sốc".
Năm 1998, Trường Lợi thuê 34.000 m2 đất ở Khu công nghiệp Bình Chiểu, mất hai năm xây nhà xưởng mới hoạt động chính thức. Theo hợp đồng, thời gian thuê 20 năm kèm điều khoản đến hạn sẽ thỏa thuận lại nếu nhà máy có nhu cầu. Tuy nhiên năm 2016, đơn vị quản lý khu công nghiệp thông báo không tái ký và đề nghị Trường Lợi di dời, trả đất để xây nhà xưởng cao tầng, tối ưu hóa công năng.
"Suốt mấy năm chúng tôi gõ cửa khắp nơi để được ở lại nhưng không được chấp thuận", ông Lợi kể. Cuối cùng, doanh nghiệp phá sản, toàn bộ máy móc bán phế liệu, 1.300 công nhân với một nửa ngoài 35 tuổi mất việc.
Theo ông Lợi, hơn 20 năm trước ban giám đốc quyết định chuyển nhà xưởng từ khu dân cư vào khu công nghiệp vì tin vào sự bền vững khi thời gian hoạt động của khu đến 50 năm. Với nhà máy sản xuất, 20 năm không đủ khấu hao nhà xưởng. Hai thập kỷ trước, người làm dệt may, da giày không nghĩ đến ngày bị hắt hủi. Ngay cả thời điểm này, với sự phát triển của công nghệ không ai dám chắc ngành nào sẽ lạc hậu. Do đó, khi các tiêu chí không rõ ràng và thiếu sự cam kết lâu dài nhà đầu tư sẽ e ngại, thậm chí mất niềm tin.
Ông Marvin Tsao, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tân Thuận, đơn vị quản lý Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), nói để doanh nghiệp an tâm, ngay từ bây giờ thành phố cần cơ chế rõ ràng, bộ tiêu cụ thể và hội đồng đánh giá ngành nghề phù hợp yêu cầu chuyển đổi các khu công nghiệp.
Tân Thuận được thành lập hơn 30 năm trước và là khu công nghiệp đầu tiên của thành phố. Lúc mới bắt đầu, 100% ngành nghề trong khu được xếp vào nhóm thâm dụng lao động. Từ năm 2010, các nhà máy trong nhóm này giảm dần và thay vào đó là những ngành thuộc nhóm công nghệ cao. Cách đây 13 năm, Khu chế xuất Tân Thuận có 167 doanh nghiệp hoạt động, sử dụng 65.000 lao động. Đến nay, nhà đầu tư tăng lên 240 nhưng lao động chỉ còn 60.000. Các nhà máy thâm dụng lao động chiếm 50% trong tổng số và có xu hướng tiếp tục giảm.
Ông Marvin Tsao cho rằng việc chuyển đổi khu công nghiệp là tất yếu. Bởi hiện nhiều nhà máy không thể tìm được lao động, khó tiếp tục nâng lương thu hút nhân công nên phải chuyển đi. Cách đây 10 năm, quá trình dịch chuyển diễn ra thuận lợi và nhiều hơn. Các công ty tìm được nhà đầu tư mới cho thuê lại đất và lấy vốn về tỉnh xây nhà máy mới. Tuy nhiên giờ đây việc này đang chững lại, nhiều nhà đầu tư bị "mắc kẹt".
Với thời gian hoạt động 50 năm, hiện Khu chế xuất Tân Thuận chỉ còn thời hạn thuê 19 năm. Các công ty trong nhóm ngành truyền thống, đông lao động giờ đây không tuyển được người, sản xuất kém hiệu quả, xuất khẩu giảm sút. Họ muốn chuyển đi nhưng không tìm được nhà đầu tư để nhượng lại đất. Có trường hợp tìm được nhưng đối tác e ngại vì thời gian hoạt động của khu không còn dài. Nếu vào đầu tư, mất 2-3 năm xây nhà xưởng, thời gian hoạt động còn lại không đủ thu hồi vốn, khấu hao tài sản.
"Việc chuyển đổi đang bị chững lại nên lúc này cần chính quyền thành phố có cơ chế để nhà đầu tư an tâm", ông Marvin Tsao nói. TP HCM cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp truyền thống, thâm dụng lao động chuyển đi nơi khác. Với nhà đầu tư mới nếu đáp ứng đủ tiêu chí, phù hợp mô hình chuyển đổi, thời gian còn lại nên cấp phép đầu tư thêm 20 năm. Việc này phù hợp quy định hiện hành về gia hạn thời gian hoạt động khu công nghiệp.
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Nghiên cứu Đời sống xã hội (Social Life), nói nếu quan sát kỹ việc cắt giảm lao động ở một số doanh nghiệp vừa qua sẽ nhận ra các nhà máy đang chủ động dịch chuyển những công đoạn thâm dụng lao động ra khỏi thành phố. Ví dụ, công ty Tỷ Hùng quy mô hơn 1.800 lao động, khi sụt đơn hàng, họ cắt gần 1.200 công nhân trực tiếp sản xuất, giữ lại hơn 600 nhân sự có trình độ, đội khai thác mẫu ở thành phố. Công nhân được đưa về hai tỉnh Bến Tre và Đồng Tháp.
Tuy nhiên, sự dịch chuyển như Tỷ Hùng được xem khó bền vững và không tốt cho thị trường lao động nói chung. Việc đẩy các nhà máy thâm dụng lao động về tỉnh chỉ là sự dịch chuyển về không gian. Điều quan trọng là nền kinh tế của Việt Nam phải nỗ lực để đi lên nấc thang cao hơn của chuỗi cung ứng, mang về những công đoạn giá trị cao để lao động tham gia vào.
Ông Marvin Tsao cho rằng chuyển đổi là quá trình dài để chuẩn bị, thu hút nhà đầu tư. "Chúng ta không thể chờ cận kề năm 2041 rồi mới có những quyết định, như vậy là rất khó", lãnh đạo Công ty TNHH Tân Thuận, nói. Việc sớm công bố các tiêu chí, ngành nghề được phép đầu tư còn giúp cho thị trường lao động chuẩn bị nhân lực phù hợp. Trong đó các trường đại học cần có thời gian để đầu tư cho ngành học, thu hút sinh viên, doanh nghiệp đặt hàng đào tạo.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết các khu công nghiệp, chế xuất tại thành phố đã tồn tại 30 năm, tức 60% chặng đường của thời hạn thuê đất 50 năm. TP HCM xác định ngay từ giờ phải xây dựng "đường băng" cho lộ trình mới trong đề án định hướng phát triển các khu công nghiệp - chế xuất thành phố giai đoạn 2025-2030, trước khi các khu hiện tại chấm dứt hoạt động.
"Chúng ta phải xác định khu công nghiệp nào giữ lại, khu nào phải chuyển đổi công nghệ theo hướng hiện đại hoá máy móc thiết bị, cách quản trị và con người để đủ điều kiện ở lại", ông Hoan nói.
Đề án của thành phố sẽ có hệ thống chỉ tiêu phân loại, trong đó đặc biệt chú trọng chuyển đổi ngành thâm dụng lao động và ưu tiên giữ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Song song đó, thành phố xây dựng chính sách thu hút nhà đầu tư mới với tiêu chí rõ ràng về công nghệ, quản trị, vốn để "lấp chỗ trống" của các khu hết thời hạn thuê đất.
"Nhiều doanh nghiệp nóng lòng nhưng cần có thời gian. Sắp tới thành phố sẽ bàn tiêu chí cho từng ngành để hài hoà lợi ích các bên khi tiến hành chuyển đổi các khu công nghiệp", ông Hoan nói và cho biết TP HCM đặt mục tiêu năm 2023 sẽ hoàn thành các kế hoạch chi tiết của đề án này.
Lê Tuyết - Thu Hằng