Sáng 11/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết về quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa của Dự án xây dựng công trình cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Ngoài đồng ý chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 1.000 ha rừng, Thường vụ Quốc hội còn cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng gần 1.900 ha đất lâm nghiệp và hơn 1.500 ha đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên.
Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh có dự án nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện làm căn cứ thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định.
UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa rà soát, điều chỉnh bổ sung diện tích đảm bảo chỉ tiêu quy hoạch ba loại rừng, cập nhật dự án vào quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Khi thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất để triển khai dự án, các địa phương phải thống kê, kiểm đếm chính xác loại đất, diện tích đất, tài sản trên đất, loại rừng, diện tích rừng; giám sát tận thu đúng phạm vi chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
"Không để lợi dụng khai thác lâm sản ngoài phạm vi cho phép hoặc lấn chiếm đất nông nghiệp, lâm nghiệp, khai thác, vận chuyển khoáng sản không đúng quy định. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm phát sinh nếu có", nghị quyết nêu rõ.
Đánh giá dự án có tác động đến mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị Chính phủ giao địa phương quản lý chặt diện tích rừng trong giai đoạn chờ chuyển đổi, tránh tình trạng chưa có quyết định đã có người lợi dụng trục lợi; chỉ đạo nghiêm trồng rừng thay thế, nhất là những nơi có diện tích rừng chuyển đổi lớn.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết bảy địa phương phải chuyển đổi đất rừng để làm cao tốc thì các vị trí đều trên đồi núi, "có nơi phải đắp, có nơi phải đào để làm đường". "Chúng tôi đang chờ từng ngày, từng giờ để triển khai, nếu để lâu hơn lại phát sinh các vấn đề, như giá cả tăng", ông Thể nói.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành cũng cho biết, hiện 12 tỉnh cao tốc đi qua "đang nằm im vì chưa có dự án đầu tư". "Sau khi có nghị quyết của Thường vụ Quốc hội, chỉ một ngày là Bộ Giao thông Vận tải có thể phê duyệt dự án, triển khai công tác chỉ định thầu", ông Thành nói.
Cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 có tổng chiều dài 729 km, đi qua 12 tỉnh, thành phố với sơ bộ tổng mức đầu tư gần 147.000 tỷ đồng, theo hình thức đầu tư công. Dự án được được chia 12 dự án thành phần vận hành độc lập, thi công năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào vận hành từ năm 2026.