Từ thủ đô Hà Nội di chuyển khoảng 300 km trên tuyến QL2 sẽ đến với thành phố Hà Giang. Tháng 9 - 10 hàng năm, Hà Giang vào mùa lúa chín, khiến các tín đồ du lịch muốn lên đường săn những bức ảnh đẹp. Tuy nhiên, Hà Giang quá rộng, không thể trải nghiệm hết chỉ trong 1- 2 ngày.
Dưới đây là kinh nghiệm về chuyến đi 5 ngày của Nguyễn Hoàng, một bạn trẻ sinh năm 1997 ở Hải Phòng:
Ngày 1: Hà Giang - Đồng Văn
Để kịp dự chợ phiên Đồng Văn vào sáng chủ nhật, bạn hãy khởi hành từ Hà Nội từ tối thứ 6. Vé xe khách Hà Nội - Hà Giang là 200.000 đồng/ người. Xe khách chạy tuyến này có hàng ngày, nhưng cuối tuần thường đông nên bạn hãy đặt vé trước. Xe đi từ Hà Nội lúc 20h30 hoặc 21h30. Chỉ khoảng 5 tiếng bạn sẽ đặt chân đến thành phố Hà Giang.
Sáng sớm tới nơi, bạn có thể nghỉ vài tiếng ở các hostel ngay gần bến xe và thuê xe máy để di chuyển. Đa phần các địa điểm này đều có dịch vụ thuê xe máy với giá 150.000 đồng/ ngày.
8h sáng bạn có thể lên đường tới Đồng Văn và chụp ảnh ven đường, khi không khí buổi sớm còn dễ chịu. Đường từ TP Hà Giang tới Đồng Văn nên chia làm các chặng dừng để vừa đi vừa tận hưởng hơn là chạy một mạch.
Chặng 1: Hà Giang - Cổng trời Quản Bạ (40 km)
Quản Bạ có điểm check-in nổi tiếng là Cổng trời Quản Bạ. Tới đây bạn có thể dùng cà phê sáng, chụp ảnh, ngắm cảnh đồng ruộng phía dưới. Từ đây có thể nhìn thấy hồ Nặm Đăm, thuộc thôn Nặm Đăm là thôn homestay của người Dao nổi tiếng tại Quản Bạ. Ngoài cổng trời, bạn cũng có thể ghé thăm Núi Đôi Cô Tiên cách đó không xa.
Chặng 2: Cổng trời Quản Bạ - Thị trấn Yên Minh (30 km)
Lưu ý, khi đi tới cầu Cán Tỷ có 2 lối rẽ, lối lên dốc sẽ tiết kiệm cho bạn 20 km, nhưng cũng khó khăn hơn và đòi hỏi phải là tay lái cứng. Hãy tính toán thời gian để đến đến Yên Minh và ăn trưa tại đó.
Chặng 3: Thị trấn Yên Minh - phố cổ Đồng Văn (45 km)
Đây là tuyến đường nhiều cảnh đẹp và các điểm du lịch được nhiều người biết tới. Đó là Dốc Thẩm Mã hay Đèo 9 Khoanh, điểm check-in biểu tượng của Hà Giang. Tại đây, bạn dễ gặp những người bạn ngoại quốc, những nhà nhiếp ảnh phong cảnh, và đặc biệt là các em bé Mông gùi đầy hoa cỏ. Phố Cáo - ngôi làng cổ không bị thương mại hóa nên còn giữ nhiều nét truyền thống của người Mông xưa. Hay nhà Pao, bối cảnh của nhiều bộ phim Việt. Hiện nhà Pao vừa là nhà dân vừa là điểm du lịch.
Các điểm trên cách nhau 10 km, hãy tham quan và chú ý thời gian để tới Đồng Văn kịp trời tối. Vào mùa du lịch, các homestay như Nhà Cổ, Bụi Homestay, Má Lé... tại Đồng Văn rất đắt khách, bạn nên đặt phòng trước. Giá chỉ từ 80.000 -100.000 đồng/ người/ giường tùy loại phòng.
Ngày 2: Đồng Văn - Lũng Cú
Hãy dành cả buổi sáng để đi chợ phiên, nét đặc trưng vùng mà miền xuôi không nơi nào có. Chợ sầm uất với nhiều mặt hàng, từ những thứ thông dụng của người Kinh như đồ điện tử, rau quả, quần áo... đến các đặc sản dân tộc như vải lanh, thổ cẩm, bánh tam giác mạch, thắng cố... Nếu bạn mua quà về, nhớ chọn những thứ dễ mang như gia vị hay vải lanh.
Ngoài chợ phiên, ở Đồng Văn bạn cũng nên ghé Dinh Vua Mèo với khuôn viên rộng gần 3 ha nằm trong thung lũng xã Sà Phìn.
Sau khi tham quan ăn trưa, vui chơi ở chợ, hãy tiếp tục hành trình đi từ Đồng Văn sang Lũng Cú. Chỉ dài 25 km nhưng đường có nhiều đoạn khá xấu như cua dốc và nhiều đá dăm, ổ voi. Nếu tới Lũng Cú khi trời còn sáng, bạn có thể leo lên và chụp ảnh trên cột cờ, phóng tầm mắt nhìn ngắm núi rừng nơi địa đầu Tổ Quốc.
Làng Lô Lô Chải ngay dưới chân cột cờ có nhiều homestay cho bạn nghỉ qua đêm như: Cực Bắc, Homie, The Lover Lô Lô... Giá phòng ở đây cao hơn Đồng Văn, khoảng 150.000 - 200.000 đồng/ người nhưng chất lượng tốt. Lũng Cú có Cực Bắc - quán cà phê duy nhất cho người mê cà phê dừng chân. Dịp 25/7 âm lịch, đến Lô Lô Chải, bạn còn có cơ hội trải nghiệm nét truyền thống hiếm có là lễ hội cúng tổ tiên của người Lô Lô.
Ngày 3: Lũng Cú - thôn văn hóa Nặm Đăm
Thôn Nặm Đăm thuộc huyện Quản Bạ, cách Lũng Cú khoảng 110 km. Vì chỉ có một con đường từ Lũng Cú qua Đồng Văn, nên bạn phải ngược lại lối cũ. Lưu ý buổi sáng của mùa hạ - thu, khu vực Lũng Cú - Đồng Văn mưa nhiều, sương dày. Bạn nên đi muộn một chút để sương tan bớt tránh nguy hiểm.
Lũng Cú - Nặm Đăm chia thành 2 chặng với 1 lần dừng nghỉ. Đến Yên Minh nghỉ ăn trưa (vì đi muộn nên đến Yên Minh là giờ trưa hoặc đầu chiều) và trên đường cứ 50 km lại nên nghỉ một lát, tránh cho xe bị nóng máy.
Ở Nặm Đăm, ngoài trò chuyện, tìm hiểu về các tập tục của người Dao, hãy ghé qua Thác Nai và hồ Nặm Đăm. Đường đi tới thác hơi xa và khó đi, rừng núi âm u nên để tránh bị lạc thì bạn nên đi cùng người địa phương. Đêm về bạn có thể ăn uống cùng gia đình những người Dao Chàm tại thôn, ban ngày được tham gia các hoạt động như cúng lễ, thu hoạch nếu tới đúng dịp.
Ngày 4: Thôn Nặm Đăm - Hoàng Su Phì
Tổng quãng đường chặng này khoảng 150 km. Đầu tiên hãy về lại Hà Giang nghỉ ngơi. Cuối giờ trưa bạn khởi hành đi Hoàng Su Phì tới thị trấn Vinh Quang (trung tâm huyện). Đường xa, khó đi và phải rất lâu mới có hàng quán để nghỉ chân, bạn nhớ mang theo đủ nước uống và đổ đầy xăng.
Vào mùa lúa chín, thiên nhiên ở Hoàng Su Phì đẹp, có nhiều điểm để ngắm cảnh, chụp ảnh lúa vàng như: Bản Phùng, Bản Luốc, Thông Nguyên... Trong đó, Bản Phùng ở xa nhất nhưng cũng đẹp bậc nhất, khoảng 15 km từ thị trấn Vinh Quang đi vào sâu trong bản làng.
Ở đây có 2 homestay được biết đến nhiều nhất là La Chí Phong và La Chí Tài. Nếu muốn nghe kể chuyện về dân tộc La Chí, bạn nên ở La Chí Phong. Còn muốn ngắm cảnh lúa vàng, ruộng bậc thang và bình minh trên làng bản, La Chí Tài là lựa chọn tốt hơn. Giá homestay tại Bản Phùng khoảng 200.000 đồng/ người/ đêm.
Ngày 5: Thành phố Hà Giang
Dậy sớm ở homestay La Chí Tài, đi bộ một chút cũng có thể ngắm cảnh lúa chín vàng phía xa. Những lớp ruộng bậc thang nối nhau và bản làng bé xíu được bao quanh bởi mây mù. Bạn sẽ bắt gặp nhiều nhiếp ảnh gia dựng chân máy, đứng đợi khoảnh khắc đẹp. Đừng quên mang theo máy ảnh, điện thoại để lưu lại những hình ảnh đẹp hoặc đơn giản vừa ngồi cà phê vừa tận hưởng phong cảnh mùa vàng.
Sau đó trở về Hà Giang trong buổi sáng, bạn có thêm thời gian ăn vặt. Hoặc đến thôn Khuổi My cách trung tâm thành phố 20 km, thôn người Tày nới ít khách du lịch đặt chân đến. Ở đây có một mái nhà rêu phong thường được du khách chọn làm điểm chụp ảnh. Tận dụng ngày cuối trước khi trả xe máy, bạn vừa lang thang vừa có thể nghỉ chân ở nhà dân trò chuyện, ăn vặt ở thành phố. Tối đến bạn bắt chuyến xe muộn nhất lúc 21h30 từ Hà Giang về lại Hà Nội.
Một số món bạn nên thử khi tới Hà Giang chủ yếu là đặc sản của người Mông như thắng cố, bánh cuốn nước xương, phở chua, măng ớt, gia vị (chẳm chéo, mắc khén hạt dổi,...) các món rau đắng, cơm lam, bánh tam giác mạch, xôi ngũ sắc,... Một bữa ăn đặt tại homestay có giá 80.000 đồng/ người.
Tính chung từ đi lại, ăn ở và mua quà lưu niệm, bạn sẽ tốn khoảng 3 triệu đồng/ người cho một chuyến du lịch 5 ngày ở Hà Giang.
Cuối tuần đổi gió ở Hoàng Su Phì
Nguyễn Hoàng