![]() |
Bao bì Vinamít bị làm nhái. |
Trong khi Deltafood đang chuẩn bị các thủ tục để kiện cơ sở chế biến nông sản thực phẩm Gia Thành (Bình Dương) ra tòa thì Gia Thành cũng đã gửi đơn đến Cục Sở hữu trí tuệ đề nghị giám định lại kiểu dáng bao bì sản phẩm “Mít sấy” của mình. Ông Lý Thành, giám đốc Gia Thành, cho biết vừa qua đội quản lý thị trường số 8 thuộc Chi cục tỉnh Bình Dương đã thu giữ và niêm phong một số bao bì của Gia Thành dựa trên kết luận của Cục Sở hữu trí tuệ rằng bộ bao gói sản phẩm Mít sấy “không khác biệt cơ bản” với bao gói Vinamít của Deltafood.
Công văn kết luận Gia Thành xâm phạm kiểu dáng công nghiệp bao bì sản phẩm Vinamít của Deltafood do cục phó Cục Sở hữu trí tuệ Hoàng Văn Tân ký. Tuy nhiên, theo ông Tân, do số lượng đơn đề nghị giám định các vi phạm sở hữu trí tuệ quá nhiều nên cục không thể điều tra chi tiết từng trường hợp. Kết luận của cục đưa ra chỉ dựa trên các chứng cứ (hình ảnh chứ không phải hiện vật) do bên khiếu nại gửi đến.
Theo Cục Quản lý thị trường (Bộ Thương mại), các vụ sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ gia tăng rất nhanh trong những năm qua. Năm 1998 chỉ có 2.000 vụ thì năm 2001 tăng lên hơn 4.000 vụ, năm 2003 là 6.850 vụ, và mười tháng đầu năm 2004 trên 5.000 vụ. Lĩnh vực vi phạm chủ yếu là nhái theo những mặt hàng tiêu dùng có thương hiệu nổi tiếng. |
Kết luận này cũng loại trừ trường hợp người bị khiếu kiện có quyền sử dụng trước, tức trước ngày doanh nghiệp kia nộp đơn xin bảo hộ thì họ đã sử dụng rồi. Chính vì vậy, trong các văn bản kết luận của cục luôn có câu “nếu nội dung nêu trong công văn khiếu nại của quí doanh nghiệp là đúng sự thật...”, tức trách nhiệm của cục chỉ gói gọn trong chuyên môn thẩm định nội dung được doanh nghiệp gửi đến. “Khi các cơ quan thực thi (quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế, thanh tra Sở Khoa học - công nghệ...) muốn ra các biện pháp xử phạt, họ phải tìm hiểu kỹ hơn về tư cách pháp lý của doanh nghiệp bị khiếu kiện, còn ý kiến của chúng tôi chỉ để... tham khảo” - ông Tân nói.
Tuy nhiên, theo Chi cục Quản lý thị trường TP HCM, kết quả giám định của Cục Sở hữu trí tuệ là loại giấy tờ “bắt buộc” trong hồ sơ đề nghị xử lý của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Văn Ri, đội trưởng đội quản lý thị trường 3A, cho biết việc ra quyết định bắt giữ hàng hay thực hiện các biện pháp xử lý khác đều phải qua một quá trình thẩm định kỹ càng, có thể kéo dài 30-60 ngày, trong đó có thủ tục mời hai bên doanh nghiệp lên đối chứng. “Rõ ràng chỉ kết luận của Cục sở hữu trí tuệ không đủ để chúng tôi tiến hành biện pháp ngăn chặn, nhưng trong hầu hết trường hợp kết luận của cục có ý nghĩa quyết định” - ông Ri nói.
Theo ông Ri, hiện nay rất nhiều quyết định xử phạt hành chính trên thực tế không được thực thi. Có doanh nghiệp nhận quyết định nhưng không nộp phạt, sau đó tiếp tục vi phạm và quản lý thị trường lại ra quyết định xử phạt mới. “Quy định hiện hành chưa đề cập đến các biện pháp cưỡng chế hành chính, vì vậy hiệu quả của công tác chống hàng nhái, hàng giả vẫn còn thấp” - ông Ri phân tích. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp lại phàn nàn về việc không nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong cuộc chiến chống hàng nhái.
Ông Trần Văn Trí, trưởng phòng hành chính Công ty công nghiệp thực phẩm Á Châu, cho biết hồ sơ khiếu nại đã được gửi đi từ tháng ba nhưng đến nay vẫn chưa nhận được trả lời. “Chúng tôi đã hơn sáu lần nộp đơn xin giám định các vụ xâm phạm nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng công nghiệp cho các sản phẩm mì ăn liền, mỗi lần tốn 3-4 triệu đồng. Kết luận đã có nhưng cơ quan thực thi không triển khai, chúng tôi cũng đành chịu” - ông Trí phân trần.
Theo các luật sư sở hữu trí tuệ, với mức phạt dao động 5-20 triệu đồng (tái phạm mới phạt 100 triệu đồng) rõ ràng không đủ sức răn đe người làm hàng giả. Ông Hoàng Văn Tân khẳng định: “Tôi nghĩ rằng cách tốt nhất là DN nên đưa nhau ra tòa thay vì chỉ dựa vào hệ thống xử lý hành chính như hiện nay. Về lâu dài, cơ chế sử dụng phải là biện pháp mạnh của tòa án, nơi có lực lượng thi hành án hiệu quả”.
Ông Nguyễn Đức Thịnh, cục trưởng Cục quản lý thị trường, cũng cho rằng cần phải tăng cường vai trò của tòa án về thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tiến tới việc chủ yếu giải quyết những vi phạm về sở hữu trí tuệ bằng con đường tư pháp. Thế nhưng hầu hết doanh nghiệp đều ngại kiện ra tòa do quá trình xét xử kéo dài, tốn kém, phức tạp. Giám đốc Deltafood Nguyễn Lâm Viên nói: “Tôi cũng hình dung những khó khăn khi theo đuổi vụ kiện này, nhưng quyết làm một lần cho ra lẽ, vì nếu tôi thắng có thể sẽ khiến các doanh nghiệp khác chùn tay hơn khi nhái theo Vinamít”.
Trong một diễn đàn doanh nghiệp tại Hà Nội gần đây, các nhà đầu tư cũng đã phàn nàn việc vi phạm sở hữu trí tuệ tại VN có đến mấy đầu mối xử lý khiến người bị xâm phạm cũng thấy... xây xẩm, nhiều khi không biết phải kêu ai! Chính vì thế đã có ý kiến đề nghị VN nên thành lập tòa án chuyên trách xét xử vi phạm về sở hữu trí tuệ. Bởi vì để việc bảo hộ sở hữu trí tuệ tốt hơn không đơn giản chỉ là ban bố các quy định chặt chẽ trong Luật dân sự và hình sự, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào việc nâng cao trình độ đội ngũ luật sư, thẩm phán chuyên sâu về lĩnh vực này.
(Theo Tuổi Trẻ)