![]() |
Chưa có ai kiếm tiền giỏi như vị tổng thống thứ 42 của Mỹ, cho dù sau khi mãn hạn nhiệm kỳ của mình, các cựu tổng thống Mỹ đều cố gắng kiếm tiền để đảm bảo thêm cuộc sống riêng. Việc trả tiền cho cựu tổng thống khi ông ta phát biểu có từ thời Ronald Reagan, nhưng chính B.Clinton mới là người biến nó thành ngành kinh doanh lớn. Mùa thu năm 1989, cựu tổng thống thứ 40 của Mỹ - R.Reagan, thực hiện chuyến đi đến Nhật Bản theo lời mời của Fujisankei Communications Group. Tại đây, ông có hai bài phát biểu và tham dự vài hoạt động của tập đoàn Fujisankei và được trả 2 triệu USD - số tiền lớn hơn cả thu nhập khi ông làm tổng thống 8 năm (2 nhiệm kỳ) tại Nhà Trắng. Trước ông, chưa có vị tổng thống nào có thể biến "hành trang chính trị" thành tiền. Vụ việc gây xôn xao nhưng ngay sau đó Reagan lui về dinh thự của mình ở California và cho đến cuối đời không có hoạt động mang tính thương mại nào nữa. Thậm chí, ông cũng không viết hồi ký theo như thông lệ - việc làm mà bất cứ nhà xuất bản nào cũng trả tiền rất hào phóng. Cựu Tổng thống Jimmy Carter, người trực tiếp thua Reagan trong kỳ bầu cử tổng thống cũng học tập cách phát biểu có tiền, nhưng thu nhập chính của ông là viết sách. Có 21 cuốn sách thuộc về ngòi bút của J.Carter, mà cuốn cuối cùng Palestine: hòa bình chứ không phải chính sách phân biệt chủng tộc vừa được xuất bản mùa thu năm ngoái. Ngoài hồi ký, sách chính trị, tôn giáo, đạo đức học, J.Carter là cựu tổng thống Mỹ duy nhất viết sách nghệ thuật - tiểu thuyết lịch sử Tổ ong vò vẽ. Thu nhập từ sách được dùng để tài trợ cho trung tâm từ thiện mang tên ông và Habitat for Humanity. Vào năm 1988, George Bush "bố" cũng theo gương R.Reagan. Ông đại diện cho kênh truyền hình Nhật Bản Global Crossing phát biểu tại Tokyo. Nhưng thay vì nhận 80.000 USD, với tài kinh doanh thiên phú ông đề nghị chuyển số tiền này ra thành cổ phiếu của chính Global Crossing. Sau vài năm George Bush "bố" bán số cổ phiếu này với giá hơn 4,5 triệu USD, đạt số tiền kỷ lục được nhận từ "những lời nói vàng" của các chính trị gia Mỹ. Đáng lưu ý là dưới thời George Bush "con", Global Crossing đã bị phá sản. George Bush "bố" không có tài viết sách. Vị tổng thống thứ 41 này không viết hồi ký chính trị, ông cùng với người trợ lý của mình Brent Scowcroft viết chung cuốn sách về chính trị đối ngoại Thế giới trở nên khác. Theo vài nguồn tin, ông cũng có thu nhập không tồi trong việc "vận động hành lang" về lợi ích dầu mỏ của hoàng gia Ảrập Xê-út và quyền lợi kinh doanh của Trung Quốc tại Mỹ. Làm vì cuộc sống Trước khi trở thành tổng thống, R.Reagan và J.Carter đều là những người giàu có, còn George Bush "bố" đã là triệu phú, vì thế với họ việc kiếm tiền sau khi nghỉ hưu là chuyện danh dự chứ không hẳn là do cuộc sống thúc bách. Trở thành người dân bình thường, họ không buộc phải công bố với công chúng chi tiết về công việc có liên quan đến tài chính của mình. Với Bill Clinton thì lại khác. Ông thừa nhận rằng, tài sản của ông "không có và chỉ là 10% số tiền tiết kiệm từ thu nhập" trước khi ông rời khỏi Nhà Trắng. Hơn nữa, khi về hưu ông còn nặng gánh nợ gần 12 triệu USD do những rắc rối về pháp luật có liên quan đến vụ Whitewater (bị quy là gian lận thuế đất khi ông còn làm thống đốc bang) và vụ Monica Lewinski. Vì thế với B.Clinton, chuyện kiếm tiền là vấn đề mang tính sống còn. Không có gì đáng ngạc nhiên khi ông thực hiện 352 bài phát biểu trong vòng 1 năm. Cũng cần ghi nhận rằng, tiếp xúc với công chúng không bao giờ là gánh nặng đối với vị tổng thống thứ 42 này. "Tôi thích phát biểu và thực hiện điều này cả ở trong nước lẫn nước ngoài", ông nói với các thành viên của Trung tâm Ki-tô giáo kế hoạch hóa gia đình ở thành phố Kitchener, Canada. "Tôi nghĩ rằng điều này rất quan trọng để ai đó cũng như tôi, có cơ hội độc nhất quan sát thời khắc giao chuyển của thế kỷ 21, để có thể giúp đỡ những người khác suy nghĩ trước những thách thức và các khả năng chúng ta phải đối mặt hiện nay". Một trong những ngày thành công nhất ở Canada, B.Clinton nhận được 474.000 USD cho hai bài phát biểu - số tiền hơn gấp hai lần lương một năm khi ông còn làm tổng thống. Quả là lý thú khi chúng ta thấy rằng, cựu Tổng thống B.Clinton giờ trở thành triệu phú. Tài sản của ông và vợ - Hillary vào khoảng 50 triệu USD. Đây cũng là số tiền mà thượng nghị sĩ đảng Dân chủ thuộc bang New York - Hillary Clinton bắt buộc phải khai hằng năm theo luật định. B.Clinton rời Nhà Trắng vào tháng 1.2001, nhưng đơn đặt hàng ông phát biểu, diễn thuyết không hề giảm. "Chúng tôi nhận được hàng ngàn lá đơn đăng ký yêu cầu cựu tổng thống phát biểu mỗi năm - Văn phòng của ông ở New York thông báo - nhưng chỉ có thể đáp ứng vài trăm từ số này". Không đơn thuần vì ông là cựu tổng thống, mà hiện ở Mỹ người có tài hùng biện hơn ông là "của hiếm". Ông biết sức thu phục đám đông bởi cách nói chuyện hấp dẫn của mình. Và ông có thể nói suốt 90 phút không cần nhìn giấy. Kiếm tiền từ khắp thế giới Hai phần ba trong tổng số 40 triệu USD mà Bill Clinton nhận là từ nước ngoài. Châu Âu là nơi đổ tiền vào tài khoản của ông nhiều nhất: Ở Australia và New Zealand, với 12 bài phát biểu và bài giảng, ông thu về gần 2 triệu USD, nhưng nơi hào phóng nhất lại là Nhật Bản: 1.680.000 USD cho 9 bài phát biểu. Tuy nhiên kỷ lục mà Trung tâm nghiên cứu khoa học Mito City Political Research Group đưa ra là: chỉ một bài phát biểu mà B.Clinton nhận 400.000 USD. Những khách hàng hào phóng khác còn có Công ty đầu tư Dabbagh (Ả rập Xêút) trả cho ông 600.000 USD/2 bài phát biểu; Công ty Global Business Enterprises ở Abu Dhabi ( rập Xêút) trả 300.000 USD và tập đoàn bất động sản Jingji Real Estate Development Group của Trung Quốc 200.000 USD/bài phát biểu. Vì sao lại có giá cả như thế? Đơn giản là nhu cầu quá lớn và bộ máy giúp việc cựu Tổng thống B.Clinton cũng tạo nên cầu ảo. Một vài nhà tổ chức phàn nàn về thủ tục phức tạp mà họ phải làm nếu muốn mời được nhà hùng biện. Ngoài ra, không ít các hãng có liên quan đến việc tài trợ cho bà Hillary Clinton (đang chạy đua giành quyền ứng viên tổng thống) trả cho B.Clinton khá hậu hĩnh. Chẳng hạn, ngân hàng đầu tư khổng lồ Goldman Sachs ở New York trả cho 4 bài phát biểu của B.Clinton 650.000 USD. Ngoài ra, vào năm 2000, Goldman Sachs còn chuyển vào quỹ của bà Hillary 270.000 USD, đứng thứ hai trong số các nhà tài trợ. Còn vị trí thứ nhất thuộc về Tập đoàn ngân hàng Citigroup, tổ chức đã chuyển cho quỹ của bà cựu đệ nhất phu nhân 320.000 USD. Trong thời gian tới, chắc chắn Clinton sẽ bận bịu hơn nữa với các nhà tài trợ tiềm năng của vợ. Bởi, các nhà phân tích đã dự báo rằng, mỗi ứng cử viên kỳ bầu cử tới đây sẽ cần đến 500 triệu USD để tranh cử. Nếu không đủ số tiền này, thì lúc đó ngân quỹ riêng của cựu tổng thống sẽ được huy động. (Theo Thanh Niên) |