Sáng 23/6, nhiều đại học bắt đầu xuất quân đến các tỉnh để phối hợp tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2018. Để đảm bảo kết quả thi được chính xác, công bằng, vừa phục vụ xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển vào đại học, cao đẳng, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường đại học cử giảng viên tham gia coi thi, giám sát, thanh tra ở hội đồng thi các tỉnh thành.
4h30, nai nịt gọn gàng cùng chiếc valy to chứa tư trang, chị Bùi Thị Hồng Thúy (khoa Lý luận Chính trị, Học viện Ngân hàng) bước lên ôtô 45 chỗ di chuyển từ Hà Nội lên Hà Giang. Xác định quãng đường đi dài hơn 300 km, quanh co, rất dễ say xe nên cả tháng trước chị đã uống thuốc hoạt huyết dưỡng não.
Trong lúc chờ xe, chị và đồng nghiệp vui vẻ kể lại chuyến đi coi thi năm ngoái ở điểm thi THPT Mường Ảng (Mường Ảng, Điện Biên). Ban đầu, chị Thúy không có tên trong danh sách đi vì đang hoàn tất việc bảo vệ luận án tiến sĩ. Do khoa thiếu người, chị lại được điều động. Không kịp chuẩn bị, nữ giảng viên 35 tuổi bị say ôtô đến không biết gì.
"Nhiều cô giáo khác cũng say ôtô đến mức không lết nổi. Có nữ giảng viên khoa Kế toán còn khóc tu tu vì không chịu nổi những trận nôn mật xanh, mật vàng liên tiếp. Lần về, bạn ấy lên đúng xe lượt đi, anh tài xế vừa trông thấy đã hỏi đùa rằng Hôm nay em có khóc nữa không", chị Thúy chia sẻ.
Mệt mỏi khi di chuyển, nhưng một tuần trông thi tại tỉnh biên giới mang đến cho các giảng viên Học viện Ngân hàng (Hà Nội) nhiều trải nghiệm thú vị.
Luyện đọc tên thí sinh người dân tộc thiểu số
Chủ nhiệm bộ môn Kiểm toán (khoa Kế toán - Học viện Ngân hàng) Nguyễn Thị Lê Thanh vẫn nhớ như in lời nhắc nhở đầu tiên của điểm trưởng điểm thi ở huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên), nơi chị làm nhiệm vụ coi thi năm 2017.
"Thầy dặn mọi người phải đọc kỹ để không gọi nhầm tên thí sinh", chị Thanh kể và giải thích 100% thí sinh ở điểm thi là người dân tộc thiểu số, họ tên khó đọc. Có cán bộ coi thi đã cẩn thận luyện đọc trước, nhưng đến lúc gọi thí sinh vào phòng thi thì lại không đúng. "Chúng tôi có cả bộ sưu tập họ tên thí sinh từ họ Lò, Lý, Leo, Lỡ, Lềm…", một giảng viên khác chia sẻ.
Trông thi ở vùng toàn học sinh người thiểu số, các cán bộ, giảng viên được dặn dò kỹ lưỡng và nhớ "nằm lòng" nguyên tắc ứng xử: đúng quy chế nhưng hết sức nhẹ nhàng. Bởi thí sinh người dân tộc ít giao tiếp với người miền xuôi, dễ ảnh hưởng tâm lý, sẵn sàng bỏ thi nếu bị nhắc nhở to tiếng. Có thí sinh tự do gần 50 tuổi, là trưởng xóm ở huyện Mường Ảng, khi đi thi THPT quốc gia, tiếp xúc với cán bộ coi thi vẫn khép nép.
"Học sinh người dân tộc thiểu số dè dặt, chất phác nhưng làm bài thi rất nghiêm túc, không em nào mang điện thoại hay trao đổi bài trong phòng thi. Nhiều thí sinh không biết làm bài, đánh dấu các câu trả lời trong 5 phút là xong nhưng vẫn ngồi yên trên ghế thi, đến hết giờ mới ra về", Phó trưởng khoa Lý luận Chính trị (Học viện Ngân hàng) Trần Thị Thu Hường nhớ lại.
Ở dãy trọ gần trang trại lợn để tiện đường đến trường
Trông thi tại huyện nghèo Mường Ảng của tỉnh biên giới Điện Biên, các giảng viên khoa Lý luận Chính trị (Học viện Ngân hàng) được bố trí cho ở tại khu nhà trọ cấp 4, đối diện điểm thi. Từ đây, các thầy cô chỉ cần đi bộ sang đường là đến trường, do đó có thêm thời gian để thư thái nghỉ ngơi, ăn uống trước mỗi buổi thi. Tuy vậy, mỗi ngày họ buộc phải làm quen với bầu không khí ngập mùi hôi, do gần khu trọ là trang trại nuôi lợn quy mô lớn.
Sống tập thể, những lúc rảnh rỗi, các giảng viên thường tụ tập hát hò, tán gẫu. Đội "giảng viên già" được giao nhiệm vụ gọi đồng nghiệp dậy đúng giờ để đảm bảo thời gian trông thi. Những buổi giao lưu với người dân địa phương giúp thầy cô ở Hà Nội biết thêm nhiều phong tục hôn nhân, mua bán, ứng xử... của đồng bảo dân tộc thiểu số và chia sẻ khó khăn với nơi đây.
"Bước ra khỏi phòng thi, giữa khung cảnh hoàng hôn nơi núi đồi mênh mông, một đàn sếu lớn bay rà rà sát mái nhà... là hình ảnh đẹp tuyệt vời mà ở Hà Nội chúng tôi không bao giờ thấy được", một giảng viên khoa Kế toán nhớ lại.
Cán bộ dự bị không được vào trường thi
Không đi tỉnh xa nhưng các cán bộ coi thi ở Hà Nội cũng có nhiều trải nghiệm dở khóc dở cười. Năm 2017, hai giảng viên của một đại học lớn từng phải ngồi trực ngoài cổng trường giữa chiều nắng vì "là cán bộ coi thi dự bị nên không được vào bên trong".
Một giảng viên khác, khi được phân về huyện ngoại thành Hà Nội coi thi đã lo ngay ngáy vì nơi đó nhiều năm về trước nổi tiếng với việc phụ huynh gây khó dễ giảng viên đại học về trông thi. Lý do là người dân sợ con em mình bị trông thi chặt sẽ khó đạt điểm cao. Tuy nhiên, anh bị bất ngờ bởi thực tế hoàn toàn khác, các giảng viên được tiếp đón nồng hậu.
"Họ bố trí ăn nghỉ rất chu đáo, nhưng không phải vì thế chúng tôi coi thi thiếu nghiêm túc. Trong số thí sinh, rất có thể có những em sẽ trở thành sinh viên của đại học nơi tôi công tác. Vì thế, chúng tôi cần góp sức để tuyển được những em thật sự xứng đáng, bằng cách trông thi đúng trách nhiệm", giảng viên chia sẻ.
Năm 2018, cả nước có 925.790 thí sinh đăng ký thi THPT quốc gia, tăng gần 60.000 so với năm trước. Trong đó, 642.370 thí sinh đăng ký để vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào các đại học, cao đẳng. Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh THPT phải dự thi 4 bài, trong đó 3 bài độc lập, bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Thí sinh học chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THPT dự thi 3 bài, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và một bài tự chọn trong 2 bài thi tổ hợp. Thí sinh được đăng ký dự thi cả hai bài thi tổ hợp, điểm bài nào cao hơn sẽ được chọn để tính xét công nhận tốt nghiệp THPT. Kỳ thi THPT quốc gia 2018 sẽ diễn ra từ ngày 25 đến hết 27/6. Mỗi địa phương có một cụm thi, do Sở Giáo dục chủ trì với sự phối hợp của các đại học. |