Ngày 27/1, bác sĩ Giang Minh Nhật (Trưởng Khoa ICU 1, Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 16) cho biết bệnh nhân nhập viện ba tuần trước với tình trạng suy hô hấp nặng do viêm phổi Covid-19, kèm bệnh lý nền đái tháo đường, tăng huyết áp và biến chứng nhiễm toan ceton máu (biến chứng cấp tính, nặng của đái tháo đường do đường huyết tăng cao quá mức, dễ dẫn đến tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời). Các bác sĩ cho bệnh nhân thở oxy lưu lượng cao, kiểm soát đường huyết liên tục, bù dịch và điện giải ổn định tình trạng nhiễm toan ceton, điều trị kháng siêu vi đặc hiệu, lọc máu hấp phụ vì "bão cytokine" - hiện tượng tăng viêm quá mức ở bệnh nhân Covid nặng.
Tình trạng suy hô hấp của bệnh nhân diễn tiến xấu nhanh, phải đặt nội khí quản và hỗ trợ thông khí xâm lấn. Trong 24 giờ đầu, bệnh nhân tiếp tục giảm oxy máu nặng, đe dọa tính mạng và không đáp ứng điều trị hồi sức nội khoa. Các bác sĩ chỉ định can thiệp ECMO (oxy hóa máu màng ngoài cơ thể) để ổn định tình trạng hô hấp tuần hoàn.
Theo bác sĩ Nhật, sau 9 ngày can thiệp ECMO và hồi sức tích cực, tình trạng lâm sàng, oxy hóa máu và huyết động bệnh nhân ổn định. Thông qua Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP HCM, người nhà bệnh nhân muốn đưa về nước để tiếp tục điều trị và thuận tiện chăm sóc.
Bệnh viện Gangnam Severance (ở Seoul, Hàn Quốc) đồng ý tiếp nhận bệnh nhân. Các bác sĩ Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 16 kết nối hội chẩn tình trạng bệnh nhân, cung cấp thông tin điều trị cũng như thảo luận kế hoạch vận chuyển bệnh nhân có can thiệp ECMO bằng chuyên cơ y tế một cách an toàn nhất.
Chuyên cơ y tế từ Hàn Quốc hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất, mang theo hệ thống ECMO. Xe cứu thương của Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM vận chuyển ECMO đến Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 16 để đổi máy cho bệnh nhân, sau đó đưa bệnh nhân cùng máy ECMO, máy thở đến sân bay Tân Sơn Nhất, chuyển giao an toàn cho đội ngũ y tế Hàn Quốc và lên chuyên cơ. Khoảng 6 giờ sau, bệnh nhân về đến Hàn Quốc, vào Bệnh viện Gangnam Severance với tình trạng sinh hiệu ổn định, các hệ thống máy đi kèm hoạt động tốt.
ECMO là hệ thống oxy màng ngoài cơ thể - kỹ thuật hồi sức dành cho bệnh nhân cực kỳ nguy kịch. Quá trình gắn ECMO cho bệnh nhân tốn nhiều công sức, đòi hỏi chuyên môn cao và phải duy trì liên tục trong suốt quá trình can thiệp. Do đó, khi buộc phải di chuyển bệnh nhân đi nơi khác, đội ngũ y bác sĩ sẽ phải tính đến phương án đưa cả hệ thống ECMO đi cùng.
Bác sĩ Nguyễn Thành Dũng (Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới kiêm Phó giám đốc dã chiến 3 tầng số 16) cho biết đây là lần đầu đội ngũ y tế phối hợp y bác sĩ nước ngoài chuyển bệnh nhân bằng chuyên cơ, đòi hỏi sự chuẩn bị chu đáo, lên kế hoạch kỹ lưỡng, có công đoạn thay thế máy.
Các bác sĩ TP HCM thời gian qua từng nhiều lần chuyển viện bệnh nhân Covid-19 cùng máy ECMO bằng xe cứu thương, chẳng hạn bệnh nhân phi công người Anh (đợt dịch giữa năm 2020), bệnh nhân công an ở quận Tân Phú (đợt dịch giữa năm ngoái) khi chuyển từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM sang Bệnh viện Chợ Rẫy, nữ bệnh nhân nặng nhất Sóc Trăng (tháng 11/2021) về TP HCM.