2/6 là một ngày đặc biệt đối với những người đam mê máy bay và nhân viên của hãng Delta Air Lines. Đây là ngày mà chiếc MD-88 do Boeing sản xuất có biệt danh Mad Dog (Chó điên) của hãng thực hiện chuyến bay chở khách cuối cùng trước khi nghỉ hưu. Nó cũng là chiếc máy bay cuối cùng của dòng McDonnell Douglas MD-80 còn bay ở Delta cũng như ở Mỹ. Những chiếc MD-80 được gọi một cách trìu mến là "Chó điên" vì chúng cất cánh như hỏa tiễn và đòi hỏi các phi công phải dồn toàn bộ sự chú ý trong quá trình bay và hạ cánh.
Ngôi sao của ngày hôm đó là chiếc MD-88 thứ 100 của hãng, N900DE và mang số hiệu DL88. Chiếc máy bay này đã có gần 58.000 lần cất và hạ cánh, với 75.000 giờ bay trên bầu trời, kể từ khi được đưa vào sử dụng hồi tháng 3/1992. Chuyến bay khởi hành từ sân bay quốc tế Washington Dulles, bang Virginia đã hết vé sau khi mở bán trong vòng vài phút. Tuy nhiên, do chính sách giãn cách vì Covid-19, máy bay chỉ bay 50% công suất ở khoang hạng nhất và 60% công suất trong khoang phổ thông. Chuyến bay cuối cùng của "Chó điên" trên bầu trời nước Mỹ có sự chứng kiến của 84 hành khách, tương ứng với 84 chỗ ngồi trên tổng 149 ghế.
6h30, cổng lên máy bay của hành trình này đã chật kín nhân viên và được trang trí với rất nhiều bóng bay, băng rôn. Mọi người đứng trong im lặng. Khi hai phi công và phi hành đoàn của chuyến bay xuất hiện, những tràng pháo tay vang lên.
Sau đó, hành khách bắt đầu lên cabin. Họ đi theo nhóm nhỏ lẻ để thực hiện nghiêm túc việc giãn cách xã hội. Khi máy bay di chuyển trên đường băng để chuẩn bị cất cánh, Delta thực hiện màn phun nước bằng xe vòi rồng vào thân máy bay. Những giọt nước nhỏ xuống qua cửa sổ trông như những giọt nước mắt. Việc phun nước này được gọi là Water Salute - hoạt động trang trọng dùng để chào mừng hoặc tạm biệt các chuyến bay mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Theo đó, hai xe cứu hỏa sẽ chạy đến hai bên của chiếc máy bay vừa hạ cánh hoặc cất cánh, phun nước tạo thành hình vòng cung.
Trên máy bay, trước khi cất cánh, mỗi thành viên trong phi hành đoàn đều thông báo bằng loa với hành khách, và nhắc đến việc những chiếc MD-88 đã có ý nghĩa như thế nào đối với họ.
Cơ trưởng trong chuyến bay, Carl Nordin nói: "Chúng tôi coi những chiếc máy bay này như con vậy. Nó đã tạo ra công ăn việc làm cho rất nhiều người. Tôi từng được đào tạo trên chính chiếc máy bay này. Tôi sẽ rất buồn khi hạ cánh nó trong lần cuối cùng". "Tôi sẽ rất nhớ nó. Đây là chiếc máy bay dành cho những phi công thực thụ", cơ phó Jim Hamilton tiếp lời.
Ross Davis, tiếp viên trưởng trên chuyến bay, cố ngăn nước mắt: "Đây là chiếc máy bay tôi đã phục vụ trong ngày đầu tiên đi làm. Nó rất gần gũi với tôi. Lần đầu tiên tôi bay ra nước ngoài cũng trên chiếc máy bay này, vì vậy nó vô cùng quan trọng với tôi".
Còn với hành khách, họ sẽ nhớ các lối đi rộng rãi trên máy bay và cả những tiếng ồn mà dòng máy bay này mang lại. "Nếu bạn sống trong vòng 60 km của sân bay, bạn sẽ biết một chiếc MD-80 tạo ra âm thanh như thế nào", hành khách đến từ Atlanta cho biết.
Vào lúc 8h40, máy bay cất cánh. Trong 30 giây, chiếc máy bay 28 tuổi lao lên không trung như tên lửa từ đường băng số 30 của sân bay Washington Dulles. Không có tiếng vỗ tay nào mà thay vào đó là sự im lặng tuyệt đối. Mọi người đều đắm mình vào sự hồi tưởng, tiếc nuối trong giờ phút chia tay và bản giao hưởng mà động cơ máy bay tạo ra. Mọi người trên máy bay đều đeo khẩu trang, vì vậy thật khó để biết được phản ứng của mỗi người.
Tuy nhiên, trong thời gian bay 1h45 phút, các khách hàng đã bắt đầu "hành động". Họ kéo màn che cửa sổ, và bắt đầu viết những lời cảm ơn lên vách và để lại chữ ký như một hình thức kỷ niệm. Các hành khách cũng đứng ở lối đi để chụp ảnh. Mọi người còn lấy các tờ hướng dẫn an toàn bay để mang về làm kỷ niệm, khiến tiếp viên chật vật khuyên nhủ khách hàng nên để lại.
9h35 phút, "Chó điên" chuẩn bị hạ cánh, kết thúc sứ mệnh phục vụ trên bầu trời. Đèn yêu cầu thắt dây an toàn được bật lên. Mọi người ngồi vào vị trí và cùng nhau trải qua những giây phút đặc biệt. 9h41 phút, cabin hoàn toàn yên tĩnh, chiếc máy bay 28 tuổi nhẹ nhàng đáp xuống đường băng 8L của sân bay Atlanta Hartsfield-Jackson, bang Georgia. Đám đông nhân viên vẫy cờ Mỹ và của hãng để chào đón.
Sau màn phun nước, cửa máy bay được mở. Tiếp viên Ross Davis nói lời cuối cùng cảm ơn Mad Dog đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Vài giờ sau đó, N900DE rời Atlanta, đến nghĩa địa máy bay - nơi có những người "chị em" của nó đợi sẵn.
Những chiếc máy bay MD-80 đầu tiên phục vụ cho Delta Air Lines là từ năm 1987. Đội bay này đã chở 50 triệu hành khách cùng 12 triệu giờ bay. Theo kế hoạch ban đầu, những chiếc MD-88 sẽ được nghỉ hưu vào cuối năm. Nhưng đại dịch xảy ra, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không giảm mạnh, các hãng như Delta buộc phải rút ngắn quá thời gian "giải nghệ" của các đội tàu bay cũ. Từ đầu cuộc khủng hoảng vì Covid-19, Delta buộc phải đắp chiếu 650 máy bay. Các máy bay MD-88 có tuổi đời trung bình 28,7, cộng với số lượng đặt hàng các máy bay thế hệ mới, thời gian biến mất của "Chó điên" trên bầu trời nước Mỹ đã đến.
Hành trình trở thành phi công của một thổ dân
Khi một máy bay thực hiện chuyến cuối cùng rồi "nghỉ hưu", các hãng hàng không thường tổ chức một sự kiện để đánh dấu cột mốc chia tay này. Trong bối cảnh Covid-19 bùng phát tại Mỹ, chuyến bay cuối của một chiếc máy bay thuộc dòng McDonnell Douglas MD-80, hãng Delta Air Lines diễn ra bình lặng hơn. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc cuộc chia tay này diễn ra kém phần long trọng, xúc động và vui vẻ. Dòng MD-80 có các phiên bản là MD-81, MD-82, MD-83, MD-87 và MD-88.
Trong lịch sử, dòng máy bay trên đóng góp quan trọng với hãng hàng không có trụ sở tại Atlanta này. Thời kỳ đỉnh cao, Delta Air Lines có 120 máy bay MD-80, chiếm gần 10% tổng số chiếc máy bay thuộc dòng này được chế tạo và cho cất cánh 900 chuyến bay mỗi ngày.
Anh Minh (Theo CNN)