Aero, một hãng bay bán tư nhân do nhà sáng lập Uber Garrett Camp lập nên, đã tổ chức chuyến bay đầu tiên từ Los Angeles đến Aspen, Colorado (Mỹ) vào đầu tháng 2. Họ cũng lên kế hoạch bay tới những điểm đến quốc tế vào các tháng sau, bất chấp đại dịch vẫn diễn ra phức tạp.
Phục vụ đặc biệt cho các chuyến đi giải trí, Aero xây dựng thương hiệu với mong muốn mở ra "phương pháp du lịch mới cho những người giàu có và nổi tiếng nhất thế giới". Aero còn có nhà ga riêng trong sân bay để hành khách của họ không phải xếp hàng chung với những hãng khác.
Ở thời điểm mà rất nhiều hãng bay nổi tiếng đang phải sa thải bớt nhân viên và phụ thuộc vào gói cứu trợ của chính phủ, Aero quảng cáo rằng sẽ có "một thời kỳ phục hưng của du lịch xa xỉ".
Giám đốc điều hành hãng bay, Uma Subramanian, cho biết: "Chúng tôi nghĩ mình xây dựng sản phẩm rất phù hợp cho thời kỳ Covid-19. Dĩ nhiên chúng tôi có nghĩ tới việc phải từ từ nhưng rồi vẫn quyết định ra mắt vì thời điểm này là tốt nhất để làm gì đó mới mẻ".
Các chuyến bay này được thiết kế để trở thành các "chuyến bay không Covid-19". Chỗ ngồi được bố trí cách nhau gần 2 m, vì thế mỗi chuyến chở tối đa chỉ 16 người. Mỗi khách lên máy bay đều phải qua kiểm tra Covid-19 và đeo khẩu trang suốt chuyến.
Tuy nhiên, sản phẩm hàng không mới này cũng vấp nhiều phải các nhận xét trái chiều. Tiến sĩ Kelley Lee, giám đốc thực hiện các nghiên cứu sức khỏe toàn cầu tại Đại học Simon Fraser (Canada) cho hay, những biện pháp đó cũng chưa chắc ngăn chặn virus lây lan. Tiến sĩ Lee vẫn cho rằng đây là một hành động vô cảm, không quan tâm tới tình hình đại dịch trên thế giới.
Lee nhận định, không có cách nào du lịch an toàn trong thời điểm này, đặc biệt khi các biến thể mới của virus đang lây lan nhanh hơn. Mỹ hiện không có nhiều biện pháp mạnh về hạn chế di chuyển và lượng người nhiễm bệnh mỗi ngày đang phản ánh điều đó.
"Mọi người đều chán ngán, đều ham muốn du lịch Hawaii, nằm dài trên bờ biển. Tôi hiểu điều đó vì ai cũng có một năm trôi qua mà không được đi đâu cả. Nhưng vẫn chưa phải thời điểm để di chuyển. Nếu có thể ở yên một chỗ càng lâu càng tốt, chúng ta sẽ càng nhanh chóng trải qua đại dịch này", tiến sĩ Lee chia sẻ.
Xét nghiệm Covid-19 không phải là biện pháp tốt nhất vì một người có thể ủ bệnh lâu và có thể không phát hiện ra khi lượng virus rất thấp. Dù cho các chuyến bay có "chống virus", vẫn có nhiều nguy cơ khi đi lại ở các sân bay và các điểm du lịch.
Khi nhiều người tiếp tục dịch chuyển và du lịch bất chấp những lời khuyên từ các chuyên gia sức khỏe, một số quốc gia tăng cường biện pháp liên quan tài chính để hạn chế khách. Ví như chính phủ Canada thông báo du khách đến nước họ bằng đường hàng không buộc phải ở khách sạn 3 ngày khi cách ly với chi phí lên tới 2.000 USD/người. Australia và New Zealand quy định chi phí 14 ngày cách ly tại các điểm chính phủ phê duyệt.
Khánh Trần (Theo VICE)