Khoảnh khắc nghi phạm xả súng Mỹ bị cảnh sát bắt giữ.
Quân đội Mỹ vừa truy tặng Huân chương Anh dũng cho ba thiếu sinh quân thiệt mạng trong vụ xả súng kinh hoàng ở trường trung học Marjory Stoneman Douglas, bang Florida. Tuy nhiên, nghi phạm xả súng Nikolas Cruz, 19 tuổi, cũng là một thành viên chương trình thiếu sinh quân này và từng được huấn luyện kỹ năng bắn súng tại trường học, theo Democracy Now.
Theo các nhân chứng, Cruz mặc trên người đồng phục của chương trình Đội Huấn luyện Thiếu sinh quân Dự bị (JROTC) Lục quân Mỹ khi xách khẩu súng trường AR-15 vào trường Marjory Stoneman Douglas hôm 14/2 và bắn liên tiếp vào học sinh, giáo viên khiến 17 người thiệt mạng, 14 người bị thương.
Trước khi bị đuổi học, Cruz là một thành viên đội JROTC của trường, thậm chí còn được tham gia đội huấn luyện xạ thủ 4 người của đơn vị thiếu sinh quân này. Theo AP, trong chương trình huấn luyện, Cruz và các thành viên đội xạ thủ được sử dụng súng trường đặc biệt để tập bắn tại trường bắn của trường. "Cậu ta là một xạ thủ bắn rất tốt", một bạn học cũ của Cruz cho hay.
Theo Pat Elder, giám đốc Liên minh Bảo vệ Quyền Học sinh Quốc gia, tổ chức chống lại tình trạng quân sự hóa trong trường học Mỹ, JROTC là một chương trình tuyển mộ quân sự được áp dụng tại hơn 3.000 trường trung học trên khắp nước Mỹ.
Các quân chủng Lục quân, Hải quân, Không quân, Thủy quân Lục chiến và Tuần duyên Mỹ đều có các chương trình tuyển mộ thiếu sinh quân của riêng mình tại trường trung học. Đây được coi là một chương trình ngoại khóa cho học sinh và các thiếu sinh quân tham gia chương trình này không bắt buộc phải nhập ngũ sau khi tốt nghiệp trung học.
"Nhiệm vụ của JROTC là giúp đỡ lũ trẻ sẵn sàng trở thành công dân tốt", thiếu tá về hưu Trina Tilque, huấn luyện viên trong chương trình JROTC, cho biết. Các học sinh và phụ huynh được yêu cầu xem xét kỹ khía cạnh này của JROTC trước khi đăng ký tham gia chương trình.
Tuy nhiên, chương trình tuyển mộ thiếu sinh quân này cũng chịu ảnh hưởng quân sự rất mạnh mẽ. Chương trình được quân đội Mỹ cấp một phần kinh phí, trong khi các loại trang bị huấn luyện được Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA) tài trợ. Huấn luyện viên là các quân nhân nghỉ hưu và học viên phải tham gia các lớp học về lịch sử và truyền thống quân sự.
Các học viên tham dự chương trình được trao cấp hàm binh sĩ và sĩ quan giống như trong quân đội, đồng thời phải mặc đồng phục thiếu sinh quân với cấp hàm, cấp hiệu rõ ràng ít nhất hai lần mỗi tháng.
Ngoài các hoạt động huấn luyện thể lực và đội hình đội ngũ, thiếu sinh quân tại hơn 1.600 trường học có chương trình JROTC được yêu cầu tham gia huấn luyện bắn súng. Nhiều trường trung học tại các bang của Mỹ xây dựng trường bắn trong khuôn viên trường để phục vụ chương trình này.
Các thành viên đội xạ thủ thiếu sinh quân như Cruz được sử dụng súng trường cỡ 4,5 mm để tập bắn. Đây là loại súng trường đặc biệt sử dụng khí nén, bắn ra những viên đạn chì với tốc độ 658 km/h, chỉ thua kém một chút so với tốc độ 878-987 km/h của súng trường quân dụng. Đây là lý do quân đội Mỹ xếp súng trường này vào dạng vũ khí sát thương và luật của bang Florida cấm mang chúng ra khỏi trường bắn tại trường học.
Thiếu sinh quân trong chương trình JROTC huấn luyện bắn súng. Video: YouTube.
Elder cho biết trong chương trình huấn luyện, các thiếu sinh quân như Cruz tập bắn vào những mục tiêu chỉ nhỏ như đồng xu, giúp chúng trở nên thuần thục với vũ khí và kỹ năng tác xạ. Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy ngạc nhiên khi một học sinh nổi tiếng với các hành vi quấy rối và ngược đãi bạn học như Cruz lại được nhận vào chương trình thiếu sinh quân và được luyện tập với những vũ khí có mức sát thương cao như vậy.
Chỉ đến khi bị nhà trường đuổi học, Cruz mới bị loại khỏi chương trình JROTC, nhưng nghi phạm này vẫn khoác trên mình đồng phục thiếu sinh quân khi tiến vào trường thực hiện vụ thảm sát. Theo Elder, thông điệp mà Cruz muốn cho mọi người thấy là cậu ta có liên quan đến chương trình huấn luyện thiếu sinh quân của quân đội, cũng như để hòa lẫn với các học sinh mặc đồng phục khác khi đối phó với cảnh sát.
"Đây là một thủ đoạn rất xảo quyệt. Đã đến lúc cần phải ngừng chương trình nơi quân đội Mỹ trao vũ khí sát thương vào tay những đứa trẻ mới 13-14 tuổi", Elder nhấn mạnh.
Kỹ năng sống
Tuy nhiên, có nhiều người không cùng chung quan điểm với Elder, khi cho rằng chương trình JROTC giúp trang bị cho học sinh trung học ý thức công dân, khả năng lãnh đạo và tinh thần cộng đồng, theo USNews.
"JROTC được xây dựng dựa trên khả năng lãnh đạo", Shelbi Davis, học sinh năm cuối tại trường trung học Smith-Cotton ở Missouri, nói. "Nó giúp bạn hợp tác với những người khác, thể hiện bản thân một cách rõ ràng và không sợ cách người khác nghĩ về mình". Davis là một "đại tá thiếu sinh quân" trong chương trình JROTC ở trường, chỉ huy một đơn vị thiếu sinh quân được xếp vào cỡ trung đoàn.
Các huấn luyện viên cho rằng chương trình JROTC chú trọng trang bị kỹ năng sống cần thiết cho học sinh. Tham gia chương trình, các thiếu sinh quân có thể xây dựng những kỹ năng mềm như khả năng lãnh đạo, kỷ luật và tự trọng, những phẩm chất rất cần thiết để vươn lên trong bất cứ nghề nghiệp nào.
"Tôi nỗ lực hết mình để dạy chúng từ cách thắt cà vạt, là quần áo cho tới diễu hành và tất cả những gì cần thiết để trở thành công dân tốt", thượng sĩ về hưu Louis Diaz, huấn luyện viên JROTC tại trường trung học Woodbridge ở New Jersey, cho hay.
Connor O'Day, học sinh 17 tuổi tại trường Ben Davis ở Indianapolis, cho biết lý do cậu tham gia JROTC là để học cách lãnh đạo. O’Day đang là người chỉ huy khoảng 200 thiếu sinh quân trong trường. "Trong trường hợp của tôi, chương trình giúp tôi tự tin hơn để nộp đơn vào đại học", cậu nói.
Các huấn luyện viên cũng tin rằng JROTC có thể giúp học sinh chuẩn bị tốt hơn cho định hướng cuộc đời sau khi tốt nghiệp phổ thông. Theo Diaz, chương trình giúp học sinh hiểu về các phương án tài chính để học đại học, thậm chí là giúp chúng tự mình hoàn thành hồ sơ xin vào đại học.
"Các huấn luyện viên giống như bố mẹ của chúng tôi vậy", thiếu sinh quân Davis nói. "Họ thực sự giúp chúng tôi vượt qua quá trình chuẩn bị cho trường đại học, điều mà nhiều học sinh trung học khác không có".
Trí Dũng