Iran ngày 6/11 bắt đầu bơm khí uranium vào các máy ly tâm ở nhà máy Fordow, đánh dấu một bước tiến mới trong chương trình hạt nhân vốn bị Mỹ phản đối quyết liệt. Tuy nhiên, chính Mỹ lại là nước đã đem công nghệ hạt nhân tới cho Iran, giúp nước này thực hiện chương trình hạt nhân có tuổi đời còn nhiều hơn cả cựu tổng thống Obama.
"Chương trình hạt nhân của Iran đã có từ 1957 và được Mỹ tài trợ với một lò phản ứng nghiên cứu 5 megawatt hiện vẫn đang hoạt động bình thường ở Tehran", Ali Vaez, chuyên gia phân tích cấp cao về Iran tại Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, cho biết.
Mỹ xây dựng lò phản ứng hạt nhân đó vào năm 1967 tại đại học Tehran, đồng thời cung cấp nhiên liệu cho lò phản ứng là uranium được làm giàu cấp độ vũ khí.
Đây là một phần trong chương trình "Nguyên tử vì Hòa bình" của cựu tổng thống Dwight D. Eisenhower, sáng kiến đưa các công nghệ hạt nhân dân sự đến nhiều quốc gia nhằm thuyết phục họ không theo đuổi chương trình hạt nhân quân sự.
Những quốc gia được hưởng lợi từ chương trình này gồm có Israel, Ấn Độ, Pakistan và Iran, khi đó dưới sự trị vì của Vua Mohammad Reza Pahlavi, người nhận được sự hậu thuẫn của Mỹ.
Theo chương trình này, các nước tham gia nhận được một lò phản ứng hạt nhân nhỏ và nguồn nhiên liệu cho lò phản ứng. Iran khi đó có đủ tiềm lực tài chính để khai thác các kiến thức về công nghệ hạt nhân đầy mới mẻ vừa được Mỹ trang bị và phát triển đội ngũ nhà khoa học.
Chính quyền vua Pahlavi đã chi trả học phí cho hàng chục sinh viên Iran đến Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ để học về kỹ thuật hạt nhân trong giai đoạn giữa thập niên 1970, MIT cho biết.
Phần lớn những người này sau đó về nước và trở thành nòng cốt cho chương trình hạt nhân Iran. Đó cũng là lúc Mỹ cảm thấy rằng họ dường như đã mắc sai lầm. Họ lo sợ Iran tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân.
Các nhà ngoại giao Mỹ từ cuối thập niên 1970 bắt đầu đàm phán nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, vua Pahlavi kiên quyết tuyên bố Iran có quyền sở hữu năng lượng hạt nhân như mọi quốc gia khác. Sau đó, Iran đã ký các hợp đồng xây dựng nhà máy hạt nhân với Tây Đức và Pháp.
Sau khi vua Pahlavi bị lật đổ năm 1979 và một chính quyền Hồi giáo mới do Lãnh tụ tối cao Ruhollah Khomeini lãnh đạo được lập ra, chương trình hạt nhân của Iran không được chế độ mới coi trọng. Khomeini từng nói rằng các nhà máy hạt nhân ở Bushehr nên được sử dụng làm kho chứa lúa mì và tuyên bố từ bỏ các chương trình năng lượng hạt nhân tốn kém ở Iran, nơi có trữ lượng dầu mỏ lớn.
Tuy nhiên, mọi chuyện thay đổi trong thập niên 1980, khi Iran tham gia cuộc chiến khốc liệt với nước láng giềng Iraq do Saddam Hussein lãnh đạo. Trong cuộc chiến, không quân Iraq liên tục dội bom vào cơ sở hạt nhân đang ngừng hoạt động ở Bushehr.
Cuộc chiến kéo dài từ năm 1980 đến 1988 đã khiến Iran rơi vào tình trạng thiếu điện nghiêm trọng. Cuối cùng, các lãnh đạo Iran đã quyết định tái khởi động chương trình hạt nhân, dù nguyên nhân chính xác không được nêu ra.
Điều này đã khiến nhiều nước quan ngại về khả năng Iran sẽ phát triển vũ khí hạt nhân, song Tehran liên tục phủ nhận cáo buộc này. Trong những năm đầu thập niên 2000, Iran đã đề nghị thảo luận về tương lai của chương trình hạt nhân nước này, thậm chí đã đạt được một thỏa thuận với các cường quốc châu Âu. Tuy nhiên, Mỹ từ chối ký thỏa thuận đó.
Sau khi nỗ lực đạt được một thỏa thuận thất bại, Iran bắt đầu xây dựng hàng nghìn máy ly tâm, được dùng để làm giàu uranium.
Cựu tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad, người đắc cử năm 2005, kiên quyết theo đuổi chương trình hạt nhân, ngay cả khi người dân bắt đầu phản đối và kinh tế lao dốc mạnh, làm bùng phát nhiều cuộc biểu tình.
Khi những nỗ lực đàm phán với Ahmadinejad năm 2010 của chính quyền cựu tổng thống Obama thất bại, Mỹ và các cường quốc khác đã tăng cường thêm các lệnh trừng phạt Iran.
Đến khi Tổng thống Hassan Rouhani lên nắm quyền năm 2013, các nhà ngoại giao Iran mới bắt đầu các cuộc đàm phán kín với Mỹ. Nhà ngoại giao Mỹ William Burns, hiện là chủ tịch Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, đã dẫn đầu phái đoàn Mỹ trong các cuộc đàm phán bí mật, cho rằng "đó là thời điểm thích hợp nhất để thỏa hiệp".
Hồi tháng 7/2015, Iran đã ký một thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1 gồm Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Nga và Trung Quốc, có tên Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA). Theo thỏa thuận, Iran đồng ý hạn chế làm giàu uranium dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế.
Khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài nhanh chóng ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác với Iran, đáng chú ý nhất là các hợp đồng bán máy bay của Airbus và Boeing trị giá hàng tỷ USD.
Tuy nhiên, đến tháng 5/2018, Trump đơn phương rút khỏi JCPOA vì cho rằng thỏa thuận này không đề cập đến chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và sự can thiệp của nước này vào các xung đột trong khu vực.
Quyết định của Trump đã cản trở các thỏa thuận thương mại được mong chờ trước đó và giáng một đòn mạnh mẽ vào nền kinh tế vốn suy yếu của Iran. Kể từ đó, chính quyền Trump liên tục tuyên bố rằng bất kỳ quốc gia nào nhập khẩu dầu thô của Iran sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA, Iran liên tục phá vỡ các cam kết hạt nhân trong thỏa thuận. Hồi tháng 7, Tehran đã "vượt rào" hạn mức 300 kg uranium dự trữ và tăng mức làm giàu lên tới 4,5%. Iran cho biết rằng nước này đã tăng sản lượng uranium làm giàu thấp từ 450 gram/ngày lên 5 kg/ngày.
Gần đây, Tehran tuyên bố rằng nước này đang sở hữu hơn 500 kg uranium làm giàu thấp, trước khi tái khởi động các máy ly tâm ở Fordow.
Iran khẳng định đây là động thái nhằm "thúc ép các cường quốc châu Âu và các đối tác thương mại tìm một giải pháp toàn diện cho Iran chứ không phải để phá hoại thỏa thuận". Rouhani gần đây cảnh báo rằng Iran có thể sẽ tiếp tục phá vỡ các cam kết hạt nhân vào tháng 1/2020 nếu như châu Âu không giúp nước này xuất khẩu dầu mỏ.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng việc Iran liên tục phá vỡ thỏa thuận hạt nhân có thể "phản tác dụng". Chuyên gia Feraydoune Majlesi tại Tehran cho biết ông lo ngại rằng những động thái quyết liệt của Iran có thể đẩy các lãnh đạo châu Âu về phía Mỹ.
"Trong chính sách đối ngoại, chúng ta cần phải cho đi thì mới được nhận lại. Iran đang sử dụng các biện pháp đe dọa và liên tục đưa ra 'tối hậu thư'. Việc liên tục phá vỡ các cam kết của thỏa thuận hạt nhân sẽ không đem lại lợi ích quốc gia cho Iran", Majlesi nói.
Quốc Hưng (Theo AP, NPR)