Trong hơn 10 ngày qua, Mỹ đã liên tiếp phát hiện và bắn rơi 4 vật thể bay gây lo ngại an ninh đối với khu vực Bắc Mỹ, trong đó một thiết bị mà Lầu Năm Góc cho là "khí cầu do thám" của Trung Quốc.
Lần gần nhất Mỹ phát hiện và bắn rơi "vật thể lạ" là vào ngày 12/2 tại vùng trời trên hồ Huron của bang Michigan. Trong liên tiếp hai ngày trước đó, giới chức Mỹ lại thông báo bắn rơi một vật thể di chuyển trong không phận Canada và bang Alaska, ở độ cao có thể đe dọa an toàn hàng không dân sự.
Trong 4 vật thể bay bị phát hiện, ba mục tiêu có kích thước nhỏ và khó xuất hiện trên hệ thống radar phòng không mà Mỹ thường sử dụng trước đây. Melissa Dalton, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, cho hay "năng lực radar được tăng cường" là lý do Mỹ liên tiếp phát hiện các vật thể này.
Glen VanHerk, chỉ huy Bộ tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ (NORAD), tuần trước cho biết "khí cầu do thám" Trung Quốc từng nhiều lần tiến vào không phận Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump, song NORAD đã không phát hiện được. Lực lượng này chỉ nắm được thông tin về những khí cầu đó sau khi nhận thông tin từ tình báo Mỹ.
Tướng VanHerk nói "các biện pháp bổ sung trong thu thập thông tin" đã giúp tình báo và quân đội Mỹ phát hiện khí cầu "tiếp cận Bắc Mỹ hoặc di chuyển ngang qua Bắc Mỹ". Lãnh đạo NORAD từ chối tiết lộ cụ thể những phương thức tình báo giúp Mỹ phát hiện khí cầu xâm nhập.
Theo Ellen Ioanes, bình luận viên của Vox, thông báo từ các quan chức quốc phòng khiến giới quan sát nhận định năng lực giám sát bằng radar của Mỹ có thể đã được cải thiện đáng kể nhờ chương trình mà Washington đang tiến hành để nghiên cứu Hiện tượng Dị thường Không xác định (UAP).
Lầu Năm Góc gần đây thúc đẩy điều tra những vụ phi công quân sự phát hiện nhiều Vật thể Bay Không xác định (UFO). Thuật ngữ UFO sau đó đã được đổi thành UAP để bao gồm cả các hiện tượng hàng không, vũ trụ và hàng hải.
Một quan chức giấu tên Mỹ tiết lộ với đài ABC rằng quá trình xem xét các báo cáo về những vụ chạm trán UAP trong vài năm qua đã giúp giới chức quốc phòng Mỹ cập nhật quy trình xác định vật thể lạ xuất hiện trong không phận, từ đó liên tục phát hiện các thiết bị bay trong không phận, năng lực mà họ chưa đạt được trước đây.
Chương trình nghiên cứu UAP được Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách với tên gọi Nhóm Đồng bộ hóa Nhận diện và Quản lý Vật thể Bay (AOIMSG).
AOIMSG là dự án phối hợp giữa Lầu Năm Góc cùng cộng đồng tình báo Mỹ với sứ mệnh "phát hiện, nhận diện và phân loại các vật thể đáng ngờ trong Không phận Đặc biệt, đồng thời đánh giá và giảm thiểu mối đe dọa đối với an toàn hàng không và an ninh quốc gia". Tiền thân của dự án là Chương trình Nhận diện Mối đe dọa Hàng không Hiện đại, được cựu thượng nghị sĩ Harry Reid khởi xướng từ năm 2007.
Đến năm 2012, Lầu Năm Góc tuyên bố kết thúc dự án AOIMSG. Tuy nhiên, New York Times năm 2017 phát hiện chương trình này vẫn được quân đội Mỹ duy trì và báo cáo lên quốc hội. Theo ABC, AOIMSG là một trong những chương trình đã giúp Mỹ phát hiện chương trình khí cầu do thám của Trung Quốc.
Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) hồi tháng 1 cũng công bố một báo cáo độc lập về UAP tại Mỹ, cho thấy số lần nhân viên không quân và hải quân Mỹ chạm trán vật thể bay lạ tăng đột biến trong giai đoạn từ tháng 3/2021 đến tháng 8/2022, với tổng cộng 247 vụ mới. Con số này trong giai đoạn 2004-2021 là 144 trường hợp.
Các cơ quan tình báo Mỹ xác định khoảng 163 trường hợp trong số đó là khí cầu hoặc "vật thể như khí cầu", 26 trường hợp là thiết bị bay không người lái. Một số trường hợp chạm trán UAP được lý giải là lỗi thiết bị hoặc trục trặc cảm biến, song còn khoảng 171 trường hợp mà Lầu Năm Góc "không thể lý giải" và được mô tả "có đặc tính bay và năng lực bất thường".
Báo cáo của DNI lưu ý các vụ chạm trán UAP thường được ghi nhận trong "vùng cấm bay hoặc không phận nhạy cảm, gây quan ngại về an toàn hàng không".
DNI cho rằng hiện tượng UAP phần lớn liên quan đến hoạt động thu thập thông tin tình báo của "đối thủ" và nếu vật thể bay lạ xuất hiện gần căn cứ quân sự nhạy cảm của Mỹ, đó nhiều khả năng là thiết bị do thám của một cường quốc khác.
Theo Peter Bergen, giáo sư tại Đại học Bang Arizona, việc quân đội Mỹ gần đây liên tiếp phát hiện và bắn hạ các khí cầu xuất hiện trên không phận là dấu hiệu đáng khích lệ, cho thấy năng lực giám sát vùng trời đã được cải thiện. "Tuy nhiên, dư luận Mỹ cũng có quyền được biết tại sao nhiều vật thể bay lạ đã xuất hiện trước đây trên bầu trời Mỹ mà Lầu Năm Góc và cộng đồng tình báo không thể phát hiện", ông nói.
Thanh Danh (Theo ABC, VOX, CNN)