Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo dục vật lý được phân bố ở cả ba cấp học với các mức độ khác nhau, thông qua môn học: Tự nhiên và Xã hội (lớp 1-3); Khoa học (lớp 4 -5); Khoa học tự nhiên (THCS); Vật lý (THPT).
Ở bậc THPT, Vật lý là môn học tự chọn, thuộc nhóm môn Khoa học tự nhiên. Trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp này, môn Vật lý giúp học sinh có được tri thức phổ thông cốt lõi của Vật lý và ứng dụng trong cuộc sống.
![Học sinh thực hành tìm hiểu nguyên lý của hai loại máy cơ đơn giản: đòn bẩy và ròng rọc.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2018/01/13/thi-nghiem-vat-ly-5931-1515843985.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=M5Vl-uHH_n3D6_isqgyyFg)
Học sinh thực hành tìm hiểu nguyên lý của hai loại máy cơ đơn giản: đòn bẩy và ròng rọc.
Với mục tiêu đó, thiết kế chương trình môn Vật lý chú trọng vào bản chất, ý nghĩa vật lý của các đối tượng, đề cao tính thực tiễn và tránh khuynh hướng thiên về toán học. Chương trình tạo điều kiện để học sinh phát triển tư duy khoa học dưới góc độ vật lý, khơi gợi sự ham thích, tăng cường khả năng vận dụng tri thức vào thực tiễn. Các chủ đề môn học được thiết kế, sắp xếp từ trực quan đến trừu tượng, từ đơn giản đến phức tạp, từ hệ được xem như một hạt đến nhiều hạt; bước đầu tiếp cận với một số nội dung hiện đại mang tính thiết thực, cốt lõi.
Về nội dung, chương trình môn Vật lý lựa chọn phát triển những vấn đề cốt lõi thiết thực nhất, đồng thời chú trọng đến những vấn đề mang tính ứng dụng cao là cơ sở của nhiều ngành kỹ thuật, khoa học và công nghệ. Nội dung thí nghiệm, thực hành được đặc biệt chú trọng, để giúp học sinh hình thành năng lực tìm tòi khám phá các thuộc tính của sự vật, hiện tượng vật lý.
"Chương trình môn Vật lý coi trọng việc rèn luyện cho học sinh kỹ năng vận dụng tri thức vật lý vào việc tìm hiểu và giải quyết ở mức độ nhất định một số vấn đề của thực tiễn", tóm tắt dự thảo chương trình môn học nêu.
Nội dung giáo dục cốt lõi trong chương trình Vật lý sẽ chiếm 70 tiết/năm học. Những học sinh có định hướng nghề nghiệp cần vận dụng nhiều tri thức vật lý được học thêm 35 tiết chuyên đề/năm học. Trong các chuyên đề này; một số có tác dụng mở rộng, nâng cao kiến thức và năng lực đáp ứng yêu cầu phân hóa ở cấp trung học phổ thông. Một số chuyên đề nhằm tăng cường hoạt động thực hành, vận dụng thực tế, giúp học sinh phát triển tình yêu, sự say mê, ham thích tìm hiểu khoa học, định hướng nghề nghiệp.
Dự thảo chương trình Vật lý sắp được công bố cùng với các môn học khác để lấy kiến rộng rãi dư luận trước khi ban hành. Theo nghị quyết của Quốc hội, chậm nhất từ năm học 2020-2021 chương trình, sách giáo khoa mới được áp dụng đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với cấp THCS và từ năm học 2022-2023 đối với cấp THPT.
>>Tóm tắt dự thảo chương trình môn Vật lý
Quỳnh Trang