Các nền kinh tế đang trỗi dậy, dẫn đầu là Mỹ, và nhu cầu hàng tiêu dùng bùng nổ đang tạo ra áp lực lớn lên các chuỗi cung ứng vốn đã căng thẳng, với một loạt gián đoạn nghiêm trọng. Thêm vào đó, sự cố tắc nghẽn ở kênh Suez càng dẫn đến nguy cơ thiếu hụt hàng hóa trầm trọng hơn và đẩy giá lên cao.
Tình trạng thiếu hụt đang gây bức xúc nhất trong ngành công nghiệp ôtô, nơi các nhà sản xuất trước đó đã buộc phải cắt giảm sản lượng do nguồn cung chất bán dẫn hạn chế. Tuy nhiên, những khó khăn trong việc đảm bảo nguyên liệu thô và các yếu tố đầu vào khác gần đây càng làm các gián đoạn cung ứng tồi tệ.
Mới nhất trong số đó là vụ tắc nghẽn kênh đào Suez do một tàu container khổng lồ mắc kẹt tại đây hôm 23/3. Nó xảy ra sau vụ hỏa hoạn tại một nhà máy của công ty sản xuất chip ôtô hàng đầu thế giới ở Hitachinaka, phía đông bắc Tokyo, vào cuối tuần trước.
Giá lạnh vào tháng trước ở Texas đã gây ra tình trạng mất điện hàng loạt khiến các nhà máy tạo nên khu phức hợp hóa dầu lớn nhất thế giới đóng cửa. Nhiều nhà máy đến nay vẫn chưa hoạt động lại.
Trong khi đó, Fed dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi nhanh hơn so với dự đoán của các quan chức vài tháng trước. Họ cho rằng chiến dịch tiêm chủng Covid-19 và hàng nghìn tỷ USD kích thích tài chính sẽ thúc đẩy kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh nhất trong hơn 30 năm qua.
Tất cả những điều này tạo ra áp lực chồng chất lên chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn được các công ty đa quốc gia dựa vào để sản xuất mọi thứ, từ xe đạp đến đồ nội thất.
Một loạt các khảo sát trên khắp thế giới được công bố hôm 24/3 cho biết, các nhà sản xuất đã báo cáo việc kéo dài thời gian nhận nguyên liệu thô và các nguyên liệu đầu vào khác. Tình trạng tồn đọng sản xuất gia tăng và giá đầu vào tăng mạnh.
Tại Mỹ, có những dấu hiệu cho thấy tình trạng thiếu hụt đang ảnh hưởng đến các nhà máy, khi sản lượng của họ tăng với tốc độ chậm nhất trong 5 tháng. Một phần lý do là thiếu nguyên liệu thô, trong khi các đơn đặt hàng mới tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần 7 năm.
Công ty dữ liệu IHS Markit cho biết các CEO tại Mỹ đã thông báo sự gián đoạn nguồn cung nghiêm trọng nhất kể từ khi bắt đầu khảo sát vào năm 2007. Các công ty cũng báo cáo tăng trưởng sản lượng chậm hơn do thiếu nguyên liệu để đáp ứng các đơn đặt hàng mới.
"Tôi không nói rằng gián đoạn nguồn cung nhất thiết là rủi ro cho sự phục hồi, chỉ là chúng sẽ hạn chế tạm thời mức độ phát triển của nền kinh tế", Andrew Hunter, Nhà kinh tế cấp cao của Mỹ tại Capital Economics, bình luận.
Các nhà kinh tế và ngân hàng trung ương nói rằng tình trạng thiếu hụt có thể chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Việc mở cửa trở lại các dịch vụ có đón khách và các dịch vụ khác khi các chương trình tiêm chủng đang tiến triển có thể sẽ chuyển hướng chi tiêu của người tiêu dùng khỏi các hàng hóa có nhu cầu đặc biệt cao, chẳng hạn máy tính xách tay và các thiết bị điện tử gia đình khác. "Sẽ có tăng trưởng chậm hơn một chút và có thể là một số áp lực tăng giá nhẹ", Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết hôm 24/3. "Nhưng đó chỉ là tạm thời".
Sự phục hồi sản lượng của các nhà máy trên toàn cầu bắt đầu vào tháng 5/2020 và sản lượng đã quay trở lại mức trước khi bị phong tỏa vào tháng 12. Sự phục hồi này nhanh hơn nhiều so với hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trước đây. Tốc độ phục hồi cũng dường như đã khiến nhiều nhà sản xuất và nhà cung cấp của họ không trở tay kịp.
Nhà kinh tế Veronica Clark của Citi cho biết áp lực về giá đã tăng lên ở Mỹ trong bốn hoặc năm tháng qua, khi các gói cứu trợ được tung ra. Giá tiêu dùng tăng và dự báo tiếp tục tăng, khả năng góp phần gây ra lạm phát rộng hơn, có thể khiến Fed tăng lãi suất. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cho rằng Fed sẽ ít chú ý đến áp lực giá tạo ra bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng gần đây.
"Họ sẽ không tìm lý do để thắt chặt chính sách tiền tệ. Ngay bây giờ, họ đang tìm lý do để không thắt chặt", Joshua Shapiro, Nhà kinh tế trưởngtại công ty tư vấn Maria Fiorini Ramirez, đánh giá lạm phát chỉ là tạm thời.
Các đại lý ôtô tại Mỹ thưa thớt xe do tình trạng thiếu phụ tùng ảnh hưởng đến quá trình sản xuất. Kết quả là người mua phải trả nhiều tiền hơn, chờ đợi lâu hơn và có ít mẫu hơn để lựa chọn. Trong khi đó, chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ cho hàng hóa đã tăng gần 10% trong tháng 1/2021 so với một năm trước đó.
"Các nhà sản xuất ngày càng không thể theo kịp nhu cầu, chủ yếu là do sự gián đoạn và chậm trễ của chuỗi cung ứng. Kéo theo đó là giá cả tăng, với tỷ lệ chi phí đầu vào và lạm phát cao hơn nhiều so với những gì từng xảy ra trong lịch sử khảo sát", Chris Williamson, Nhà kinh tế trưởng của IHS Markit, cho biết.
Tại Đức, một trong những cường quốc sản xuất trên thế giới, khảo sát PMI ghi nhận mức tăng sản lượng mạnh nhất kể từ 1996. Đây là một tin tốt cho nền kinh tế châu Âu, vốn vẫn còn bị kìm hãm bởi sự gia tăng số ca nhiễm và tiêm chủng chậm chạp.
Trong 6 tháng qua, nền kinh tế châu Âu đã phát triển theo hai hướng. Trong khi sản xuất mở rộng với tốc độ ngày càng nhanh, hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ lại giảm. Đến tháng 3/2021, ngành sản xuất của châu Âu chứng tỏ sức mạnh vượt trội, bù đắp cho sự sụt giảm của dịch vụ, tạo tiền đề cho tăng trưởng chung.
Tuy nhiên, việc duy trì sự tăng trưởng đang bấp bênh, vì cả Pháp và Đức đều đã áp dụng các hạn chế mới đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp trong những tuần gần đây, bên cạnh việc tiêm chủng còn chậm.
Ở hầu hết nền kinh tế khác, phục hồi cũng đang diễn ra, với sản xuất phục hồi mạnh hơn dịch vụ. Điều này phản ánh thực tế là hầu hết hàng hóa có thể được tiêu thụ với tương đối ít nguy cơ lây nhiễm, trong khi một loạt các dịch vụ dẫn đầu bởi khách sạn và giải trí vẫn có rủi ro.
Theo Oren Klachkin, Nhà kinh tế tại Oxford Economics, đánh giá khi tốc độ tiêm chủng gia tăng trên khắp thế giới, tắc nghẽn chuỗi cung ứng sẽ dần biến mất và áp lực giá sẽ giảm dần. "Những gián đoạn này có thể sẽ kéo dài trong thời gian trước mắt và sẽ không biến mất hoàn toàn cho đến khi chúng ta vượt qua cuộc khủng hoảng Covid ở cấp độ toàn cầu", ông nói.
Tại Australia, các nhà sản xuất ghi nhận mức tăng giá nhập khẩu mạnh nhất trong lịch sử của khảo sát và cho rằng đó là nguyên nhân gây ra tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng.
Trên toàn khu vực eurozone, các nhà máy ghi nhận mức tăng giá đầu vào nhanh nhất trong một thập kỷ và thời gian chờ đợi nguyên liệu đầu vào cũng lâu nhất trong 23 năm khảo sát. Đặc biệt, các nhà sản xuất Đức nhấn mạnh việc kéo dài thời gian chờ đợi nguồn cung từ châu Á.
Tại Mỹ và châu Âu, các nhà sản xuất đã tuyển thêm công nhân để đáp ứng đơn hàng tăng. Điều này sẽ giúp hỗ trợ sự phục hồi của lĩnh vực dịch vụ, khi các doanh nghiệp được phép mở cửa trở lại hoàn toàn. Nhưng sự gia tăng chi phí nguyên vật liệu dẫn đến giá cao hơn cho người tiêu dùng trong những tháng tới, một vấn đề mà các ngân hàng trung ương chỉ xem là ngắn hạn.
Phiên An (thep WSJ)