Gần 80.000 container đang chồng chất tại Cảng Savannah (Georgia) - cảng lớn thứ ba của Mỹ sau Los Angeles-Long Beach và New York-New Jersey. Con số này cao hơn 50% so với lúc bình thường. "Chúng tôi chưa bao giờ có sân bãi đầy như thế này", Griff Lynch, CEO Cơ quan quản lý cảng Georgia, nhận xét. Ông khẳng định mức độ căng thẳng "chưa bao giờ cao hơn".
Do cảng Savannah hoạt động hết công suất, ông Lynch buộc các tàu phải chờ trên biển hơn 9 ngày. Vào một buổi chiều gần đây, hơn 20 con tàu đã bị mắc kẹt trong hàng đợi, neo đậu cách bờ biển tới 27 km ở Đại Tây Dương.
Tình trạng hỗn loạn trong ngành vận tải biển không có dấu hiệu thuyên giảm. Đứt gãy chuỗi cung ứng khiến sản lượng công nghiệp của Đức sa sút, lạm phát thì leo thang và các nhà sản xuất Mỹ hiện phải đợi trung bình 92 ngày để lắp ráp các bộ phận và nguyên liệu họ cần để sản xuất hàng hóa, theo Viện Quản lý Cung ứng.
"Chuỗi cung ứng đang bị quá tải. Nó không bền vững vào thời điểm này", Lynch nói. Vào buổi chiều gần đây, dưới cái nắng gay gắt, cảng đang trên đà phá kỷ lục về hoạt động chỉ trong một ngày, với hơn 15.000 xe tải đến và đi. Tuy nhiên, áp lực vẫn tăng lên. Tàu mới lại cập cảng và phải tìm chỗ cho hàng hóa.
Đầu năm nay, khi giá vận chuyển tăng vọt và container trở nên khan hiếm, rắc rối được nhiều người coi là kết quả tạm thời của việc đóng cửa vì đại dịch. Họ nghĩ rằng, khi mở cửa trở lại, vận chuyển toàn cầu sẽ bình thường. Nhưng nửa năm sau, tình trạng tắc nghẽn còn tồi tệ hơn, với gần 13% năng lực vận chuyển hàng hóa của thế giới bị trì hoãn, theo dữ liệu do Sea-Intelligence (Đan Mạch), tổng hợp.
Vận chuyển hàng hóa qua Thái Bình Dương đang mất khoảng 80 ngày, hoặc lâu gấp đôi so với trước khi xảy ra đại dịch. Các nhà bán lẻ lớn nhất của Mỹ như Walmart, Home Depot, Costco, Wholesale và Target quyết định thuê tàu riêng như một phần của các kế hoạch giảm thiểu sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Một số trang trải những chi phí gia tăng này bằng cách tăng giá lên hàng hóa.
Vào tháng 5, lãnh đạo Home Depot tìm kiếm những cách thức mới để đưa hàng về kịp. Sarah Galica, Phó chủ tịch phụ trách vận tải của Home Depot kể lại ý tưởng thuê tàu nghĩ như đùa nhưng cuối cùng thành sự thật. Dù các sản phẩm được vận chuyển bằng tàu thuê chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng khối lượng nhập khẩu của Home Depot, nhưng sự thay đổi này cho phép công ty kiểm soát nhiều hơn thời điểm sản phẩm đến cửa hàng và ưu tiên cho những sản phẩm có nhu cầu nhất.
Richard Galanti, Giám đốc tài chính Costco, cho biết nhà bán lẻ này đã thuê 3 tàu, mỗi tàu có khả năng chở khoảng 1.000 container, để đưa hàng hóa giữa châu Á và Bắc Mỹ. Mỗi tàu sẽ thực hiện tối đa 10 chuyến giao hàng cho Costco trong năm tới, chiếm dưới 20% khối lượng nhập khẩu từ kho hàng ở châu Á.
Walmart, nhà bán lẻ lớn nhất nước Mỹ đã thuê tàu của riêng mình trước đây. Một phát ngôn viên nói cách này giúp Walmart kiểm soát được thời gian đến bến và giá cước vận chuyển. Do tắc nghẽn cảng ở Los Angeles, Houston và Savannah những tuần gần đây, Walmart đã cử nhân viên trực tiếp đến cảng để giải tỏa hàng hóa.
Chuỗi bán lẻ Dollar Tree cho biết công ty có 16.000 cửa hàng lần đầu tiên đảm bảo nguồn hàng bằng các tàu thuê riêng, trong đó có một tàu lớn đã ký hợp đồng 3 năm. Công ty còn đặt mục tiêu bổ sung thêm nhiều sản phẩm hơn trong nước và quốc tế không phụ thuộc vào các tuyến đường xuyên Thái Bình Dương.
"Việc dùng chiếc tàu nhỏ cho các chuyến đi xuyên đại dương là điều mà chúng tôi chưa từng thấy trước đây", Evangelos Marinakis, Chủ tịch Capital Maritime Group (Hy Lạp) nói .Ngoài các nhà bán lẻ, các công ty lớn như Coca-Cola cũng đang thuê tàu để tránh gián đoạn nguồn cung.
Các nhà điều hành cho biết chi phí vận chuyển bằng các tàu có sức chứa khoảng 1.000 container trung bình đắt hơn gần gấp đôi so với hàng hóa trên một tàu 20.000 container. Tuy nhiên, các tàu thuê riêng sẽ giúp nhà bản lẻ cập các cảng thông thoáng như Portland, Oakland, hoặc Bờ Đông. Nó cũng giúp các sản phẩm chủ chốt như đồ điện tử và đồ trang trí sẽ đến kịp mùa lễ hội.
Hiện giá thuê một tàu nhỏ vào khoảng 140.000 USD một ngày, gấp nhiều lần so với mức trước đại dịch. "Ít nhất họ cũng biết rằng hàng tồn kho sẽ đến kịp dịp cao điểm Giáng sinh", Vicky Zervou, Giám đốc bán hàng của công ty giao nhận hàng hóa Aritrans SA có trụ sở tại Athens, cho biết.
Thuê tàu là một chiến thuật nằm ngoài khả năng tài chính của các nhà bán lẻ nhỏ. Nhà sáng lập Jeremy Podliska cho biết Podzly, công ty bán lẻ nhỏ ở Papillion (Nebraska) cho biết thuê tàu hoặc máy bay riêng không phải lựa chọn của họ. Hai năm trước, công ty bán một gói 12 chiếc mũ dự tiệc sombrero với giá khoảng 32 USD. Giờ thì chúng có giá 52 USD và có thể tăng tiếp.
Trong khi đó, chậm trễ tại các cảng lớn của Mỹ tiếp tục leo thang. Theo Sở giao dịch hàng hải Nam California, hơn 60 tàu container đã chờ sẵn để vào các cảng Los Angeles và Long Beach gần đây, tăng khoảng 25 chiếc so với một tháng trước đó. Tình hình cũng đang lan rộng đến các cảng Bờ Đông.
Các nhà giao nhận cho biết sự gián đoạn của Covid-19 vẫn còn ám ảnh các cảng lớn và các tàu lớn sử dụng chúng. Họ cho biết thông thường một chuyến tàu chở container rỗng từ châu Âu sẽ bị giữ trong một tuần bên ngoài Thượng Hải, trong khi thủy thủ đoàn phải xét nghiệm.
Tại Phố Wall, các nhà đầu tư sẽ bước vào mùa công bố báo cáo thu nhập quý III trong tuần này. Khi các quốc gia thoát khỏi những hạn chế do đại dịch, tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang dẫn đến tình trạng thiếu hụt hàng hóa. Chi phí nguyên vật liệu tăng vọt cũng đang gây áp lực lên lợi nhuận của các nhà sản xuất.
Phố Wall dự báo lợi nhuận của các công ty giảm xuống thấp hơn. Tỷ suất lợi nhuận ròng cho S&P 500 dự báo ở mức 12,1% trong quý III, giảm so với mức kỷ lục của 13,1% trong quý II, theo FactSet.
Mặc dù vậy, các chiến lược gia của Morgan Stanley cho biết có thể các tác động của chuỗi cung ứng chưa được phản ánh đầy đủ. Và nếu có, thì khả năng sẽ tạo ra một số bất ngờ khó chịu trong những tuần tới.
"Nếu các công ty phải trả nhiều tiền hơn và không thể chuyển nó cho người mua hàng hoặc người tiêu dùng thì sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận. Đó là điều cần quan tâm", Holly MacDonald, Giám đốc đầu tư tại Bessemer Trust, nói.
Phiên An (theo WSJ, NYT)