Trong cuộc phỏng vấn với tờ SCMP gần đây, tiến sĩ Ken Fung, nhà tâm lý học lâm sàng tại Hong Kong, cho biết nhiều bệnh nhân gần đây của ông là người trẻ, mắc chứng rối loạn thách thức chống đối (ODD). Một bà mẹ mô tả con trai độ tuổi thiếu niên của mình luôn nghịch ngợm, không chịu hợp tác hay nghe theo hướng dẫn, có biểu hiện thách thức giáo viên. Cô trở nên thất vọng với hành vi đó, cuối cùng khiến mối quan hệ giữa hai mẹ con trở nên căng thẳng.
Theo tiến sĩ Andrew Adler, giám đốc lâm sàng của Trung tâm Gia đình Adler, việc trẻ em và thanh thiếu niên có tâm lý thách thức, chống đối những người xung quanh là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu các hành vi ở mức quá thù hận và hằn học, có thể các em đã mắc chứng rối loạn thách thức chống đối (ODD).
Trước đó, nhiều người cho rằng trẻ mắc chứng ODD thách thức người lớn vì chúng thích cảm giác đó. Tuy nhiên, đây là một quan niệm sai lầm, theo tiến sĩ Fung.
"Đây là một cơ chế đối phó khi các em cảm thấy khó khăn trong việc quản lý sự tập trung và năng lượng của chính mình. Việc bộc lộ sự tức giận cũng khó khăn và đau khổ với chính các em", ông nói.
Theo tiến sĩ Fung, ODD nằm giữa chứng rối loạn hành vi (CD), thường gặp ở những người không kiểm soát hoặc điều chỉnh được cảm xúc, dễ bị bùng nổ, hung hãn hoặc bạo lực. Tiến sĩ Fung nhận định môi trường sống và học tập, làm việc của người thuộc thế hệ Gen Z (sinh năm 1997 đến năm 2012) có nhiều yếu tố làm gia tăng chứng rối loạn này.
"Yếu tố đầu tiên là công nghệ. Chúng ta phải tự quản lý cảm xúc của mình khi sử dụng internet. Điều này khiến mọi người không thể hoặc không muốn thể hiện cảm xúc của mình một cách lành mạnh", ông nói.
Khi dành quá nhiều thời gian online, người dùng mạng xã hội dễ dàng kìm nén sự tức giận của mình hoặc chuyển nó thành các bình luận tiêu cực, được đăng tải trên mạng xã hội. Điều này làm phát sinh chứng ODD.
Sự căng thẳng trong gia đình cũng là yếu tố lớn khiến trẻ có phản ứng chống đối. Fung cho biết các bậc cha mẹ độc tài, cứng rắn và nghiêm khắc, hoặc quá khoan dung, không đặt ra ranh giới kỷ luật đều có thể khiến con cái phát triển hội chứng ODD. Phương tiện truyền thông thường nhấn mạnh về ảnh hưởng của chứng ODD ở con cái lên cha mẹ, tuy nhiên tiến sĩ Fung cho rằng cảm xúc của trẻ em, thanh thiếu niên trong trường hợp này cũng quan trọng không kém.
Trong trường hợp của bệnh nhân do tiến sĩ Fung điều trị, cậu bé liên tục bị cha mẹ so sánh với các anh chị em. Điều này cuối cùng khiến cậu trở nên tự ti và tổn thương lòng tự trọng.
"Ngày càng nhiều bậc cha mẹ có cuộc hôn nhân không hạnh phúc và trút bỏ cảm xúc của họ lên con cái, điều này tạo ra nhiều hệ lụy", ông Fung nói.
Môi trường gia đình không ổn định có thể cản trở sự phát triển và sức khỏe tâm thần của trẻ. Tại Hong Kong, tỷ lệ ly hôn tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023, dựa trên số liệu của Tòa án Gia đình.
Tiến sĩ Adler cũng nhận định các chuyên gia cần chú ý nghiên cứu xu hướng này ở các bé gái, bởi tỷ lệ trẻ em nữ mắc bệnh cao gấp đôi so với nam giới. Bên cạnh đó, các bé gái có xu hướng che giấu triệu chứng.
Ông Adler nhớ lại trường hợp một bệnh nhân 16 tuổi, từng là học sinh xuất sắc, song ngày càng có biểu hiện chống đối và thách thức với những người xung quanh do áp lực từ nhà trường và gia đình. Cô từng là ca sĩ, vũ công tài năng, nhưng đột nhiên từ chối biểu diễn. Đồng thời, cô bé phải vật lộn với chứng trầm cảm và lo lắng, không muốn giao tiếp với bố mẹ. Phản ứng đầu tiên của phụ huynh đối với trường hợp này là ngó lơ, họ cho rằng cảm xúc của con cái sẽ tự điều chỉnh khi chúng lớn lên.
Việc điều trị ODD mất tối thiểu hai tháng, tùy thuộc vào từng cá nhân và mức độ can thiệp của phụ huynh, nhà trường trong quá trình này. Sau khi đánh giá tâm lý một cách toàn diện, các chuyên gia thực hiện các buổi trị liệu để điều chỉnh cảm xúc. Các chuyên gia sức khỏe tâm thần cũng sẽ tìm cách ngăn ngừa hội chứng quay trở lại bằng cách tạo ra môi trường thân thiện hơn cho người trẻ thể hiện cảm xúc, thiết lập ranh giới rõ ràng trong giao tiếp.
Thục Linh (Theo SCMP, CNBC)