David Cui - Giám đốc mảng chiến lược cổ phiếu Trung Quốc tại ngân hàng này tỏ ra khá bi quan về nền kinh tế lớn nhì thế giới. Ông cho biết mình kém lạc quan hơn so với nhiều đồng nghiệp về hậu quả của tình trạng vay mua chứng khoán.
"Theo lịch sử, bất kỳ quốc gia nào có khối nợ tăng nhanh thế này đều không tránh được các vấn đề về hệ thống tài chính, như tiền tệ mất giá, tái cấp vốn cho ngân hàng và lạm phát cao. Chúng tôi cho rằng Chính phủ Trung Quốc đã duy trì ổn định tài chính trong vài năm qua nhờ hàng loạt biện pháp kín để thắt chặt kiểm soát. Nhưng chính chúng đã khiến hệ thống tài chính dễ tổn thương", ông cho biết trên Bloomberg.
Cui cho rằng Trung Quốc sẵn sàng chịu thiệt hại dài hạn để lấy lợi ích ngắn hạn. Và chỉ số Shanghai Composite có thể mất 27%, xuống 2.600 điểm năm nay.
Ông nhận xét các biện pháp can thiệp hiện tại có thể hỗ trợ giá cổ phiếu. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã bơm thêm thanh khoản vào thị trường. Các cổ đông lớn bị hạn chế bán ra và các quỹ quốc gia cũng đã chi tiền mua vào.
Tuy nhiên, việc Chính phủ không thể tạo ra các yếu tố nền tảng vững chắc cho nhà đầu tư, như đạt mục tiêu tăng trưởng GDP, duy trì ổn định tiền tệ, hạn chế vỡ nợ doanh nghiệp và cải cách thị trường bất động sản, vẫn có thể gây ra bất ổn trên thị trường tài chính.
"Chúng tôi cho rằng chịu tác động mạnh nhất sẽ là đồng NDT, sau đó đến thị trường cổ phiếu hạng A, các vụ vỡ nợ và có thể là cả giá nhà", Cui cho biết.
Tháng 11 năm ngoái, David Woo của Bank of America Merrill Lynch cũng từng dự báo 2016 sẽ chứng kiến "cuộc đại ly dị" giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Việc này sẽ phản ánh trong diễn biến tỷ giá.
Vì vậy, hoàn thành các mục tiêu kinh tế năm nay sẽ là nhiệm vụ rất khó khăn với Trung Quốc. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế nước này vẫn mất cân bằng từ sau khủng hoảng tài chính và giới chức thường ưu tiên giải quyết các vấn đề ngắn hạn. Giới phân tích cho rằng các mục tiêu không thể hòa hợp của Trung Quốc "có thể gặp khủng hoảng trong năm nay".
Hà Thu