VN-Index kết thúc năm 2020 ở mức trên 1.100 điểm, tăng gần 15%. Dòng tiền đổ mạnh vào thị trường, lớp nhà đầu tư F0 cùng kỳ vọng về khả năng phục hồi của nền kinh tế sau năm đầu Covid-19 khiến giới phân tích tiếp tục đặt kỳ vọng tích cực cho năm nay. Tuy nhiên, các dự đoán không kỳ vọng con số quá đột biến, hầu hết mức tăng được dự báo xoay quanh biên độ của năm ngoái.
Thị trường từ nay đến cuối năm vẫn là một ẩn số, VN-Index có thể kết thúc ở mức thấp hơn, nhưng chỉ số cho tới đầu tháng 6 đã vượt qua mức cao nhất của hầu hết các dự báo. VN-Index đến cuối phiên hôm qua (4/6) vượt ngưỡng 1.370 điểm, tăng gần 25%. VN30-Index thậm chí còn đi xa hơn khi tăng trên 40%, vượt mốc 1.500 điểm, mức cao nhất trong lịch sử.
Không chỉ điểm số, thanh khoản cũng vượt mọi dự báo. Năm trước, 15.000 tỷ đồng giá trị giao dịch được xem là một con số ấn tượng. Đầu năm nay, kỷ lục HoSE tăng lên gần 20.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ những phiên cuối tháng 5, con số này có thể bị vượt qua chỉ trong phiên sáng.
Phiên 4/6, thanh khoản riêng HoSE vượt ngưỡng 30.000 tỷ đồng. Nếu hệ thống giao dịch giải quyết được những vấn đề như tình trạng nghẽn, chậm phản hồi, con số 35.000 thậm chí 40.000 tỷ đồng cũng có thể xảy ra.
Trở lại với những dự báo đầu năm, lý do các bên thận trọng về năm nay chủ yếu do lo ngại rủi ro địa chính trị và diễn biến phức tạp của Covid-19.
Báo cáo VDSC nhận xét, mức định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam tính tới cuối năm 2020 khá hấp dẫn. Nhưng lo ngại các yếu tố địa chính trị, diễn biến đại dịch và việc Mỹ dán nhãn Việt Nam thao túng tiền tệ có thể làm ảnh hưởng tâm lý chung. Vì thế, VDSC dự báo biến động năm nay trong vùng 1.029-1.271 điểm, tương ứng tăng khoảng 15%.
HSC, VCBS và VCSC cũng dự báo tương tự khi cho rằng mức cao nhất của VN-Index chỉ trong khoảng 1.250-1.280 điểm.
Những người lạc quan nhất là các công ty chứng khoán có vốn ngoại, như Yuanta hay Mirae Asset. Hai công ty này cùng đặt ra ba kịch bản cho năm nay, trong đó kịch bản cơ sở với mục tiêu VN-Index khoảng 1.360-1.420 điểm, kịch bản xấu ở mức 1.100-1.250 điểm và khoảng 1.600-1.700 điểm cho kịch bản tích cực nhất.
Trước diễn biến quá nhanh của thị trường, đến đầu tháng 4, một số thành viên đã phải điều chỉnh dự báo.
VCBS trong báo cáo triển vọng thị trường quý II đã nâng dự báo mức đỉnh VN-Index năm nay có thể tăng 20-30% so với cuối năm 2020, tương ứng khoảng 1.325 đến 1.435 điểm.
Dự báo của nhóm phân tích dựa trên triển vọng tăng trưởng kinh tế có nhiều tín hiệu hồi phục tích cực và kỳ vọng lãi suất tiếp tục giữ ở mức thấp. VN-Index vì thế, có thể vận động quanh một "nền" giá cao hơn, nhưng biên độ dao động (chênh lệch giữa mức cao nhất và mức thấp nhất trong năm) cũng lớn hơn, khoảng 200-300 điểm.
Còn một lý do khác khiến thị trường vượt nhanh hơn dự báo là sự "hung hãn" của nhà đầu tư.
Một năm trước, thị trường nhìn làn sóng những nhà đầu tư F0 chỉ như một hiện tượng. Nhưng đến nay, điều này đang trở thành một xu hướng. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới đạt trên 100.000 xuất hiện trong nhiều tháng. Theo các chuyên gia, diễn biến này không chỉ đơn thuần là do đại dịch.
Tỷ suất lợi nhuận vượt trội hơn các kênh đầu tư khác, cùng tâm lý FOMO (Fear Of Missing Out, tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội) khiến dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán tăng đột biến. Thanh khoản thị trường liên tục lập đỉnh mới, dù tình trạng nghẽn vẫn xảy ra.
TS Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc đầu tư Dragon Capital cho biết, một trong những động lực chính là GDP bình quân đầu người Việt Nam có thể đã đạt khoảng 5.000 USD, cao hơn ước tính của Tổng cục Thống kê. Con số này quan trọng, bởi Đài Loan khi thu nhập bình quân đầu người vượt trên 5.000 USD đã chứng kiến số lượng nhà đầu tư cá nhân tăng rất mạnh.
"Lúc này người dân không phải lo cơm áo gạo tiền, họ bắt đầu quan tâm các sản phẩm tài chính. Vì thế, số tài khoản chứng khoán tại Việt Nam tăng gần đây không chỉ đơn thuần là người dân rảnh rỗi vì Covid-19", ông Tuấn nhận xét.
Minh Sơn