Bất chấp hai đợt bùng phát dịch vào tháng 1 và tháng 4, thị trường chứng khoán Việt Nam nửa đầu năm không ngừng thăng hoa nhờ dòng tiền dồi dào từ nhà đầu tư mới tham gia. VN-Index chốt phiên cuối tháng 6 tại 1.408,55 điểm, tăng gần 28% so với đầu năm để xếp thứ hai trong danh sách những chỉ số tăng mạnh nhất thế giới.
Trong báo cáo chiến lược nửa cuối năm, đa số công ty chứng khoán dự đoán thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục được trợ lực bởi nền kinh tế đang trên đà hồi phục cùng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết. Trong kịch bản không lạc quan nhất thì chỉ số cũng đóng cửa cuối năm cao hơn mức cuối tháng 6.
"Chúng tôi kỳ vọng VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.400-1.500 điểm", nhóm phân tích Công ty Chứng khoán VNDIRECT nói và liệt kê năm yếu tố thúc đẩy đà tăng này.
Theo đó, hiệu ứng FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) khi các chỉ số chứng khoán liên tục vượt đỉnh và lãi suất bình quân kỳ hạn một năm tại các ngân hàng thương mại chỉ còn 5,7%, thấp hơn mặt bằng năm ngoái sẽ kích thích dòng vốn dịch chuyển vào chứng khoán.
EPS (tỷ suất lợi nhuận trên cổ phiếu) có thể tăng 30% trong năm nay, vượt xa so với dự báo đầu năm bởi nhiều doanh nghiệp đã dự phóng kết quả kinh doanh rất khả quan trong nửa đầu năm, cũng là một yếu tố quan trọng. Bên cạnh đó, nút thắt về hạn mức dư nợ cho vay ký quỹ được giải quyết nhờ các công ty chứng khoán đẩy nhanh quá trình tăng vốn chủ sở hữu và hệ thống giao dịch mới chính thức vận hành từ 5/7 tạo tâm lý tích cực cho nhà đầu tư.
Trong khi đó, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) lại có góc nhìn thận trọng hơn. Nhóm này cho rằng VN-Index đang giao dịch ở mức P/E 19,3 lần, chỉ thấp hơn 14% so với vùng đỉnh định giá được thiết lập vào tháng 4/2018. Mức này hiện tại khi so sánh tương đối và thống kê lịch sử đã không còn rẻ, nhưng vẫn chưa phải quá đắt.
"Điều này cảnh báo thị trường có thể sớm có các đợt điều chỉnh khi định giá tăng lên 20 hoặc 21 lần", chuyên gia của Mirae Asset (Việt Nam) nói và kỳ vọng đợt điều chỉnh sẽ diễn ra trong tháng này trước khi thị trường có một khoảng thời gian để hấp thụ kết quả kinh doanh quý II. Chỉ số nhiều khả năng sẽ lùi về ngưỡng 1.200 điểm trước rồi hồi phục dần và tiến lên 1.500 điểm.
Đồng quan điểm, chuyên gia của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam khẳng định dư địa tăng trưởng của thị trường vẫn dồi dào. Tuy nhiên, trước khi đi lên, thị trường có thể chịu sức ép bằng một đợt điều chỉnh xuất hiện trong nửa sau của quý III – khi hiệu ứng tích cực từ mùa báo cáo tài chính qua đi và áp lực chốt lời vùng giá cao lan toả. Nhóm này sử dụng phép so sánh tương quan với thị trường chứng khoán trong khu vực cũng như bản thân VN-Index trong quá khứ để đưa ra dự phóng chỉ số vào cuối năm là 1.480 điểm.
Một điểm chung mà hầu hết công ty chứng khoán đều đồng ý là các điều chỉnh không hẳn xấu, bởi đó là cơ hội tốt cho nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng, tích luỹ cổ phiếu với tầm nhìn trung và dài hạn. Đây được xem là chiến lược phù hợp trong bối cảnh hoạt động mua bán liên tục (trading) kém hiệu quả do biến động của thị trường tăng dần biên độ trong nửa cuối năm.
"Giai đoạn dễ dàng đã qua và tới lúc nhà đầu tư phải chọn mặt gửi vàng. Chúng tôi tin rằng nhà đầu tư nên hướng sự quan tâm đến những cái tên chất lượng với đặc điểm tăng trưởng lợi nhuận bền vững và có thể mở rộng kinh doanh, có vị thế tốt để nắm bắt được cơ hội từ sự phục hồi tổng cầu của thế giới và đòn bẩy tài chính thấp, chống chịu tốt với lãi suất", chuyên gia VNDirect khuyến nghị.
Phương Đông