Ngoài khảo sát dư luận, thị trường chứng khoán cũng là nơi có thể tìm kiếm các chỉ báo ai là chủ nhân mới của Nhà Trắng trong bầu cử tổng thống. Không hoàn toàn phản ánh toàn bộ nền kinh tế rộng lớn nhưng hiệu suất của S&P 500 - chỉ số đại diện thị trường chứng khoán Mỹ - trước ngày bầu cử thường là dấu hiệu đáng tin cậy về việc liệu ứng cử viên của đảng cầm quyền có giữ được Nhà Trắng hay không.
Cụ thể, nếu chỉ số này giảm, điều đó cho thấy các nhà đầu tư đang chuẩn bị cho sự bất ổn từ một chính quyền mới. Nhưng nếu S&P 500 tăng, thị trường kỳ vọng đảng của tổng thống đương nhiệm sẽ giành chiến thắng. Năm nay, chỉ số này đã tăng hơn 10% kể từ tháng 8, tức báo hiệu rằng bà Kamala Harris sẽ chiến thắng, theo Adam Turnquist - chiến lược gia tại Công ty dịch vụ tài chính LPL Financial.
"Khi có nhiều chắc chắn hơn về việc đảng cầm quyền giữ được Nhà Trắng, thị trường sẽ thoải mái vì đã biết hầu hết các chính sách của họ", ông giải thích.
Trong 96 năm qua, quy luật của S&P 500 đúng trong 20 trên 24 cuộc tranh cử tổng thống, gồm năm 2016 - thời điểm chiến thắng của Trump gây chấn động thế giới. Năm đó, chỉ số này giảm 2,3% trước ngày bầu cử, cho thấy sắp có sự thay đổi trong Nhà Trắng. Ông Adam Turnquist nói mọi người từng cười nhạo vì nghĩ đến việc ông Trump làm tổng thống. "Nhưng thị trường đã đúng", ông nhắc lại.
Tuy nhiên, S&P 500 cũng không phải là công cụ dự báo hoàn hảo. Diễn biến của nó năm 2020 từng cho thấy Trump có khả năng giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ hai, nhưng kết quả là ông Joe Biden tiếp quản Nhà Trắng.
Nhiều chuyên gia Phố Wall cũng không tin vào khả năng dự đoán của S&P 500. Monica Guerra, Trưởng bộ phận chính sách Mỹ tại Morgan Stanley Wealth Management cho biết thị trường chứng khoán không phải quả cầu tiên tri.
Theo bà, S&P 500 đi lên đều trong năm nay, chủ yếu nhờ tăng trưởng của các tập đoàn công nghệ lớn và thông tin từ cuộc chiến chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nên ít có khả năng liên quan đến diễn biến bầu cử. Trump cũng nhiều lần tuyên bố thị trường chứng khoán tăng là nhờ niềm tin của các nhà đầu tư, rằng ông sẽ trở lại nắm quyền.
Reena Aggarwal, Giáo sư tài chính tại Đại học Georgetown cũng hoài nghi. Bà nói các chỉ số chứng khoán ngày nay ít mang tính đại diện cho nền kinh tế Mỹ hơn so với những thập kỷ trước, vì tăng trưởng của chúng giờ chủ yếu đến từ các doanh nghiệp ở Thung lũng Silicon.
Trước đây, thị trường chứng khoán phản ánh nền kinh tế tốt hơn vì những gã khổng lồ về công nghiệp và năng lượng với lực lượng lao động đông đảo chiếm phần lớn hơn trong chỉ số. Giờ rất nhiều công ty tư nhân lớn không giao dịch trên sàn.
Justin Grimmer, Giáo sư chính sách công tại Đại học Stanford nói mối tương quan lịch sử giữa các chỉ số kinh tế và ai sẽ đắc cử tổng thống là vấn đề quan trọng, nhưng chỉ để tham khảo. Theo ông, với quan điểm chia rẽ về nền kinh tế trong cử tri khi bước vào ngày bầu cử, S&P 500 có thể không phải là yếu tố hữu ích nhất trong việc giải mã xem ai chiến thắng. "Bạn chỉ có thể dựa vào lịch sử ở một mức độ nhất định. Chúng ta nên chờ đợi và xem điều gì sẽ xảy ra. Nó giống như tung đồng xu", ông nói.
Trong lúc này, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp ở Phố Wall một lần nữa đánh cược rằng Trump sẽ sớm trở lại nắm quyền, theo Politico. "Nội bộ thị trường rất tin tưởng Trump giành chiến thắng", nhà đầu tư tỷ phú Stanley Druckenmiller cho biết trên Bloomberg. Ông dẫn chứng cổ phiếu ngân hàng, giá tiền điện tử và Trump Media & Technology Group có thể hưởng lợi khi cựu tổng thống chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Cổ phiếu Trump Media đã tăng hơn 200% kể từ khi chạm đáy vào tháng trước.
Các cổ phiếu khác có thể nhận được thúc đẩy từ nhiệm kỳ tổng thống của Trump cũng ngập sắc xanh. Trong báo cáo gần đây, Morgan Stanley lưu ý rổ sản phẩm đầu tư theo dõi các ngành hưởng lợi từ chiến thắng của đảng Cộng hòa - năng lượng, ngân hàng, tiền điện tử cùng nhiều công ty khác - vượt trội hơn rổ của đảng Dân chủ 10% trong năm qua.
Đến ngày 30/10, khảo sát của Reuters/Ipsos cho biết bà Kamala Harris chỉ dẫn trước ông Donald Trump 1 điểm phần trăm ủng hộ, 44% so với 43%. Khi được hỏi ai có cách tiếp cận tốt hơn về kinh tế, thất nghiệp và việc làm, Trump dẫn trước với tỷ lệ 47%, so với 37% của Harris. Ông có lợi thế về kinh tế trong suốt chiến dịch và 26% cử tri cho biết việc làm và kinh tế là vấn đề cấp bách nhất cần giải quyết.
Các cuộc khảo sát cho thấy hai ứng viên đang cạnh tranh rất sát nhau ở các bang chiến trường. Vì vậy, nỗ lực đảm bảo người ủng hộ đi bầu rất quan trọng. Theo Cục Điều tra Dân số Mỹ và Trung tâm Nghiên cứu Pew, chỉ hai phần ba người lớn ở Mỹ đi bầu cử trong năm 2020.
Hiện khoảng 89% cử tri đảng Dân chủ và 93% cử tri Cộng hòa cho biết chắc chắn tham gia bỏ phiếu. Trong số những người có khả năng đi bầu cử, Harris có lợi thế một điểm trước Trump, với 47% so với 46%.
Phiên An (theo Polictico, Reuters)