Đến 11h sáng (giờ Athens), chỉ số ASE trên sàn chứng khoán nước này đã giảm kỷ lục 23% xuống 622,6 điểm. "Tình hình trên thị trường chứng khoán Hy Lạp sẽ phải tồi tệ hơn nữa trước khi hồi phục. Vẫn còn rất nhiều rủi ro lớn cần giải quyết", Luca Paolini - Chiến lược gia trưởng hãng quản lý tài sản Pictet nhận xét.
Sàn chứng khoán Hy Lạp ngừng hoạt động từ cuối tháng 6, khi các cuộc đàm phán với châu Âu đổ bể, do Thủ tướng Alexis Tsipras quyết định tổ chức trưng cầu dân ý về các điều khoản cứu trợ của gói chủ nợ. Quốc gia này sau đó đã phải đóng cửa ngân hàng và áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn để ngăn hệ thống nhà băng sụp đổ.
Kể cả đến ngày 20/7, sau khi đạt thỏa thuận với nhóm chủ nợ, và các ngân hàng cũng mở cửa trở lại với dịch vụ hạn chế, thị trường chứng khoán vẫn đóng cửa. Đây là đợt ngừng hoạt động dài nhất của thị trường nước này từ thập niên 70.
Sàn chứng khoán nước này bị đóng cửa chỉ ít lâu sau khi Hy Lạp bắt đầu vui mừng vì thị trường có tín hiệu lạc quan. Từ năm 2007, ASE đã mất 85% giá trị. Nhưng trong tháng 6, chỉ số này lại hồi phục tới 17% từ đáy 3 năm. Việc này đã khiến ASE năm nay chỉ còn giảm 3,5% cho đến ngày 26/6 - thời điểm trước khi sàn đóng cửa.
Vì khả năng rút tiền từ các nhà băng vẫn bị hạn chế, nhà đầu tư Hy Lạp chỉ có thể mua cổ phiếu, trái phiếu và các công cụ phái sinh bằng các nguồn như tiền từ nước ngoài chuyển về, tiền bán cổ phiếu hay từ các tài khoản đầu tư có sẵn trong các hãng môi giới. Các nhà đầu tư nước ngoài không phải chịu các hạn chế như vậy.
Hệ thống ngân hàng Hy Lạp đều đang phải dựa vào vốn viện trợ khẩn cấp từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Gói cứu trợ trị giá 96 tỷ USD mà nhóm chủ nợ dành cho Hy Lạp tháng trước đã bao gồm 26,7 tỷ USD để tái cấp vốn cho các nhà băng.
Hà Thu (theo Bloomberg)