-
14h30
VN-Index chốt phiên tại 863,52 điểm
Lực cầu trở lại trong những phút cuối phiên chiều giúp VN-Index thu hẹp đà giảm đáng kể. Chỉ số chinh phục lại từng mốc quan trọng như 855 và 860, sau đó chốt phiên tại 863,52 điểm, giảm 0,44% so với tham chiếu.
Bên cầm cổ phiếu vẫn chiếm ưu thế, nhưng chỉ tập trung ở nhóm vốn hoá vừa và nhỏ. Điều này thể hiện qua việc độ rộng của rổ VN30 đã cân bằng với 14 mã tăng và 14 mã giảm, trong khi chỉ số tăng gần 1 điểm lên sát ngưỡng 808. Biên độ tăng của các mã trong rổ vốn hoá lớn phân hoá rộng, trải dài 0,7-6,8%.
Cổ phiếu Sacombank tiếp tục giữ trạng thái giao dịch ấn tượng khi tăng hết biên độ lên 11.800 đồng và trắng bên bán. Thanh khoản mã này đạt trên 31,6 triệu cổ phiếu.
Sau khi ông Trịnh Văn Quyết thông báo không còn là cổ đông lớn tại FLC Faros, cổ phiếu của doanh nghiệp này đã chạm sàn và xuống sát 3.000 đồng. Nhà đầu tư nắm giữ mã này thể hiện tâm lý lo ngại khi xả hàng quyết liệt, đẩy thanh khoản lên 56 triệu cổ phiếu và trắng bên mua.
HSG, HBC, HQC hôm nay nối đà giao dịch tích cực và tăng hết biên độ. ITA sau phiên giảm mạnh vì áp lực điều chỉnh toàn thị trường cũng bật lên giá trần gần 6.000 đồng.
Dòng tiền đổ vào thị trường không ồ ạt như phiên hôm qua nhưng vẫn ở mức rất cao. Hơn 620 triệu cổ phiếu được sang tay trong phiên với tổng giá trị gần 7.800 tỷ đồng.
-
14h30
Khối ngoại giao dịch thận trọng
Trong khi thanh khoản thị trường lên đến thì tổng giá trị mua bán của khối ngoại chỉ đạt 84 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài duy trì phiên bán ròng thứ hai chưa đến 4 tỷ đồng, tập trung vào các mã vốn hoá lớn gồm VNM, VCB và hai chứng chỉ quỹ FUEVFVND, E1VFVN30.
-
14h00
Nới rộng đà giảm
Sau ít phút giằng co ở vùng 855, VN-Index tiếp tục nhịp giảm bởi lực bán chốt lời mạnh hơn. Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM đang mất gần 15 điểm và xuống sát mốc 853 điểm.
Sắc đỏ phủ khắp thị trường với gần 300 cổ phiếu giảm điểm, trong đó 23 mã giảm hết biên độ. Áp lực bán tập trung nhiều ở các cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ đã tăng mạnh. Các nhóm đóng vai trò lực kéo của thị trường trong các phiên tăng như ngân hàng, dầu khí... cũng đang biến động tiêu cực. 10 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất đang lấy của VN-Index 6,14 điểm, dẫn đầu trong số này VCB, VHM và VNM.
Dù vậy, thanh khoản không ngừng tăng nhanh khi có hơn 545 triệu cổ phiếu, trị giá khoảng 6.500 tỷ đồng đã được sang tay.
-
13h30
Cổ phiếu HSG bật mạnh
Sau ba phiên liên tiếp đứng và giảm giá, HSG hôm nay bật mạnh so với tham chiếu. Cổ phiếu này đang tăng 4,4% lên 10.800 đồng và khớp lệnh hơn 17 triệu đơn vị.
Đà tăng trở lại nhận được sự hỗ trợ lớn từ việc ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoa Sen vừa đăng ký mua 20 triệu cổ phiếu nhằm mục đích tăng tỷ lệ nắm giữ. Nếu giao dịch thành công bằng phương thức thoả thuận hoặc khớp lệnh, ông Vũ sẽ sở hữu 74,3 triệu cổ phiếu, tương ứng 16,72% vốn điều lệ.
Đầu tuần này, công ty riêng do ông Vũ sở hữu và giữ chức Chủ tịch cũng thông báo thoái thành công 15 triệu cổ phiếu, sau đó tiếp tục bán thêm 20 triệu cổ phiếu.
HSG có mạch tăng mạnh từ đầu tháng 4, hoà chung với xu hướng đi lên của toàn thị trường. Cổ phiếu này bứt khỏi vùng giá 4.300 đồng, sau đó trở lại mệnh giá nhờ kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực bất chấp dịch bệnh.
-
11h30
VN-Index chốt phiên sáng giảm 1,4%
Thị trường giằng co mạnh trong phiên sáng với những nhịp giảm và hồi phục đan xen trong biên độ cao. Dòng tiền tham gia mạnh ở vùng giá thấp giúp nhiều cổ phiếu dần phục hồi, đà giảm được thu hẹp.
Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 1,4% xuống 855 điểm. VN30-Index giảm gần 1% về dưới ngưỡng 800 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cùng lùi dưới tham chiếu.
Sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế trước giờ nghỉ trưa, với đà giảm lan rộng ra toàn bộ các phân khúc bluechip, mid-cap và penny. Sàn HoSE ghi nhận gần 300 mã giảm, 35 mã đứng tham chiếu và 74 mã tăng. Riêng nhóm VN30, 18/30 mã bluechip giảm giá.
Thanh khoản hai sàn niêm yết đạt hơn 5.500 tỷ đồng, ở mức cao so với trung bình những phiên gần đây.
-
10h15
Cổ phiếu DBC sàn phiên thứ ba
Đến giữa phiên sáng, DBC là một trong những mã tiêu cực nhất sàn HoSE. Mã nào đứng lại mức giá sàn, giảm 7%, với dư bán sàn gần 9 triệu cổ phiếu. Thị giá DBC hiện giao dịch ở mức 44.000 đồng, giảm hơn 20% so với đỉnh gần nhất.
Động thái bán ra mạnh của nhà đầu tư sau khi DBC trở thành một trong những mã tăng mạnh nhất sàn chứng khoán. Từ mức thị giá quanh ngưỡng 15.000 đồng cuối tháng 3, đến đầu tháng 6 mã này đã tăng lên gần 57.000 đồng, gấp gần 4 lần.
Quỹ đầu tư, cổ đông ngoại chốt lời Dabaco
Cổ phiếu của doanh nghiệp đầu ngành chăn nuôi lên gấp gần bốn lần chỉ trong hơn hai tháng khiến nhiều nhà đầu tư đẩy nhanh việc chốt lời.
-
9h45
Thu hẹp đà giảm
Đến giữa phiên sáng, VN-Index thu hẹp đà giảm về ngưỡng một con số, hồi phục lên gần 860 điểm. VN30-Index cũng trở lại ngưỡng 800 điểm, giảm 0,85%.
Dù sắc đỏ vẫn chi phối thị trường nhưng biên độ giảm nhiều mã đã thu hẹp. Trong VN30, STB tăng 2,3%, CTD tăng 1,6%, PLX, GAS, MWG vượt nhẹ trên tham chiếu. Ở chiều ngược lại, ROS giảm hơn 6%, giao dịch sát ngưỡng 3.000 đồng, SBT giảm hơn 5%, VNM giảm 2,9%, VCB, POW, BVH giảm 2,4%.
-
9h20
VN-Index giảm tiếp gần 25 điểm
Cùng chiều với chứng khoán thế giới, thị trường mở cửa phiên sáng trong trạng thái tiêu cực. VN-Index giảm gần 25 điểm, tương đương 2,88% sau phiên ATO. VN30-Index cũng mất 2,43%. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cùng lùi sâu dưới tham chiếu.
Sắc đỏ chiếm ưu thế hoàn toàn khi HoSE đầu phiên sáng chỉ có 15 mã tăng, 30 mã đứng tham chiếu, còn 276 mã giảm. Riêng nhóm VN30, 29/30 mã bluechip lùi dưới tham chiếu. Trạng thái giảm với biên độ cao lan rộng từ nhóm vốn hóa lớn cho tới penny, đặc biệt những cổ phiếu tăng mạnh giai đoạn trước là mục tiêu bán tháo.
-
8h50
Chứng khoán châu Á giảm đầu phiên
Nối tiếp đà giảm mạnh của Phố Wall đêm qua, các chỉ số chính của thị trường châu Á cùng chìm trong sắc đỏ vào đầu phiên.
Tại Nhật Bản, Nikkei 225 và Topix Index giảm hơn 2%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 1,93%. Kospi của Hàn Quốc giảm 2,6%. Tại Trung Quốc, các chỉ số chính hai sàn Thượng Hải và Thâm Quyến giảm quanh ngưỡng 1%.
-
Giá dầu thô giảm mạnh nhất 6 tuần
Dầu WTI giảm 8,2% hôm qua do lo ngại nhu cầu đi xuống khi số ca mắc Covid-19 mới tăng trở lại và tồn kho dầu Mỹ lên cao.