Chốt phiên 11/6, dầu thô Brent giảm 7,6% về 38,55 USD một thùng. Dầu thô Mỹ WTI mất 8,2% về 36,34 USD. Cả hai đều có phiên tệ nhất kể từ cuối tháng 4. Hiện tại, mức giảm đã thu hẹp về 3,2% và 4,3%.
Tổng số ca mắc Covid-19 tại Mỹ hôm qua đã vượt 2 triệu. Trong đó, số ca nhiễm mới tăng nhẹ sau 5 tuần đi xuống. Dù hầu hết các bang đã nới lỏng lệnh phong tỏa, tiêu thụ xăng dầu vẫn thấp hơn 20% so với bình thường, do người tiêu dùng vẫn thận trọng.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hôm thứ tư bày tỏ lo ngại việc này còn tiếp tục, khiến nhu cầu nhiên liệu bị hạn chế. "Hàng loạt địa điểm có ca nhiễm mới tăng vọt có thể ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào việc du lịch, ăn hàng và giải trí", ông cho biết.
Đà giảm cũng lan sang hàng loạt tài sản khác. Chứng khoán Mỹ hôm qua lao dốc, với S&P 500 giảm 4%. Giá vàng mất 12 USD, về 1.727 USD một ounce.
Trước đó, giá dầu thô đã tăng vài tuần liên tục, do các nước nới lỏng phong tỏa. Tại nhiều nước ở châu Á và châu Âu, nơi lệnh phong tỏa ngặt nghèo hơn, nhu cầu nhiên liệu đã phục hồi đáng kể.
Một nguyên nhân khác khiến giá đi xuống là tồn kho dầu Mỹ bất ngờ tăng thêm 5,7 triệu thùng tuần trước, lên kỷ lục 538,1 triệu thùng, chủ yếu do nhập khẩu từ Saudi Arabia. Vì thế, nếu nhu cầu không hồi phục, các hãng lọc dầu và vận tải Mỹ sẽ ngập trong dư cung. Tồn kho xăng nước này cũng tăng mạnh hơn dự kiến, lên 258,7 triệu thùng.
"Thực tế là tồn kho nhiên liệu toàn cầu đang lớn. Bức tranh nền tảng vẫn còn nhiều yếu tố tiêu cực mà thị trường trước đó đã bỏ qua", Gene McGillian- Giám đốc hãng nghiên cứu thị trường Tradition Energy nhận định.
Một số quốc gia OPEC+, như Iraq hay Nigeria, vẫn chưa tuân thủ hạn ngạch sản xuất theo thỏa thuận của nhóm này. Người đứng đầu Tập đoàn Xăng dầu Quốc gia Nigeria Mele Kyari hôm thứ tư cho biết họ đã sản xuất vượt 100.000 thùng một ngày so với hạn ngạch trong tháng 5.
Tuần trước, OPEC+ đã thống nhất kéo dài mức giảm sản xuất kỷ lục – 9,7 triệu thùng một ngày – đến hết tháng 7. Trước đó, thời gian áp dụng chỉ là tháng 5 và 6.
Hà Thu (theo Reuters)