Bình luận với VnExpress sau thông tin Việt Nam được gỡ mác thao túng tiền tệ, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta cho rằng tác động đến thị trường là tích cực, nhưng sẽ không quá mạnh.
Theo chuyên gia này, những đồn đoán trước đây cho rằng quỹ ngoại rút khỏi thị trường Việt Nam sau thông tin gắn mác thao túng tiền tệ là không chính xác, điều này chỉ có một phần tác động. Nhà đầu tư nước ngoài, thực tế, đã bán ròng liên tục từ khi đại dịch bùng phát, không chỉ từ khi Việt Nam bị gắn mác. Do đó, thông tin "gắn mác" hay "tháo mác" không phải là một quyết định có ảnh hưởng quá mạnh, chưa kể ảnh hưởng của khối ngoại hiện nay không còn quá nhiều.
Tuy nhiên, thông tin này vẫn là một điều tích cực đến tâm lý nhà đầu tư trong ngắn hạn, khi giai đoạn hiện nay thị trường đang thiếu những thông tin hỗ trợ.
"Hiện tại là khoảng trống thông tin khi nhà đầu tư đang chờ đợi kết quả kinh doanh quý I. Bức tranh nhìn chung là tích cực nhưng chưa rõ ràng và thông tin chưa đầy đủ, vì thế thông tin gỡ mác thao túng tiền tệ vẫn có thể giúp ngắn hạn ổn hơn", chuyên gia này bình luận và cho rằng những phiên đầu tuần thị trường có thể tích cực nhờ yếu tố này.
Dù vậy, ông Minh cũng cảnh báo áp lực với thị trường vẫn còn khi tín hiệu tiêu cực xuất hiện những phiên gần đây. Mức độ phân hóa trong tuần trước được đẩy lên cao, chủ yếu dòng tiền chỉ tập trung ở một vài mã vốn hóa lớn và nhóm cổ phiếu đầu cơ. Sự co cụm này là dấu hiệu tiêu cực.
"Thông tin mới trong cuối tuần có thể giảm bớt phần nào những tín hiệu xấu, nhưng xu hướng thận trọng có thể vẫn tiếp diễn trong tuần tới", ông Minh nói và cho rằng một số gánh nặng, như margin, vẫn đang gây áp lực lên thị trường.
VN-Index kết thúc tuần trước với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, có thêm hơn 7 điểm (0,57%), đóng cửa ở mức 1.238,71 điểm.
Điểm tích cực nhất trong tuần qua là thanh khoản trung bình một phiên trên sàn HoSE đạt hơn 21.000 tỷ đồng, ở mức cao nhất lịch sử. Con số này tăng xấp xỉ 30% so với tuần trước đó và tăng gần 44% so với trung bình năm 2021.
Theo FiinGroup, nhà đầu tư cá nhân tiếp tục là trụ đỡ chính khi mua ròng hơn 3.000 tỷ đồng trên HoSE trong đó mua ròng khớp lệnh 3.035 tỷ đồng, tập trung vào nhóm cổ phiếu bất động sản (VHM, KDH, KBC, NLG, IJC), ngân hàng (CTG BID, VCB, VPB, MSB) và thực phẩm và đồ uống (VNM).
Trạng thái mua ròng của nhà đầu tư cá nhân cũng là đối ứng với giao dịch của nước ngoài. Tuần vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trở lại hơn 2.465 tỷ đồng trên HoSE sau hai tuần mua ròng liên tiếp trước đó.
VHM bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với giá trị 1.100 tỷ đồng. VNM và CTG bị khối ngoại bán ra hơn 300 tỷ, GAS bị bán ròng 244 tỷ đồng. Các cổ phiếu dẫn dắt trong VN30 như HPG, BID, VPB cũng nằm trong danh sách bán ra của khối ngoại.
Trong bản tin cuối tuần, hầu hết công ty chứng khoán cũng đưa ra nhận định thận trọng.
Theo KB Việt Nam, dù nhịp hồi phục cuối phiên 16/4 giúp tạo mẫu hình nến spinning, giảm bớt ý nghĩa tiêu cực của một phiên phân phối, rủi ro hình thành mẫu hình tiêu cực đang có phần lấn át và nhóm phân tích nghiêng về khả năng tiếp tục mở rộng nhịp điều chỉnh của VN-Index với vùng hỗ trợ kế tiếp tại quanh 1.210.
Nhóm phân tích BVSC cũng cho rằng thị trường đang chịu áp lực giảm điểm. VN-Index có thể nhận được hỗ trợ từ vùng 1225-1232 điểm trong những phiên đầu tuần tới.
"Thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục chịu sự chi phối của một vài cổ phiếu vốn hóa lớn, kèm theo đó là sự phân hóa mạnh giữa các nhóm cổ phiếu trên thị trường", BVSC đánh giá.
Minh Sơn