Bộ Tài chính Mỹ hôm 16/4 trình lên Quốc hội báo cáo bán thường niên "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ". Trong đó, cơ quan này xem xét và đánh giá chính sách của 20 đối tác thương mại lớn của Mỹ trong 4 quý tính đến hết tháng 12/2020.
Theo Đạo luật Xúc tiến và Tăng cường Thương mại năm 2015 của Mỹ, báo cáo kết luận cả Việt Nam và Thụy Sĩ tiếp tục được xác định thỏa mãn 3 tiêu chí trong kỳ đánh giá. Trong báo cáo tháng 12/2020, phía Mỹ cho biết Việt Nam và Thụy Sĩ đáp ứng 3 tiêu chí trên nên bị gắn nhãn "thao túng tiền tệ".
Tuy nhiên, lần này, báo cáo chỉ viết rằng Bộ Tài chính Mỹ đã thực hiện phân tích nâng cao về chính sách ngoại hối và vĩ mô của Việt Nam, Thụy Sĩ và Đài Loan. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp nâng cao với Việt Nam và Thụy Sĩ, đồng thời bắt đầu phối hợp nâng cao với Đài Loan. Việc phối hợp này bao gồm thúc giục phát triển một kế hoạch với hành động cụ thể nhằm giải quyết nguyên nhân cốt lõi của việc tiền tệ giảm giá và mất cân bằng đối ngoại.
Còn theo Đạo luật Cạnh tranh và Thương mại Omnibus năm 1988, Bộ Tài chính Mỹ kết luận chưa đủ bằng chứng khẳng định Việt Nam, Thụy Sĩ và Đài Loan thao túng tỷ giá vì 2 mục đích được đề cập trong đạo luật. Tuy nhiên, theo Đạo luật 1988, họ vẫn cân nhắc tiếp tục phối hợp nâng cao với Thụy Sĩ và Việt Nam, cũng như đánh giá toàn diện hơn về diễn biến kinh tế toàn cầu trong đại dịch.
Việc này sẽ giúp họ quyết định chính xác hơn về việc liệu các nền kinh tế này có can thiệp vào thị trường tiền tệ trong năm 2020 để ngăn cản việc điều chỉnh cán cân thanh toán hoặc giành lợi thế cạnh tranh trong thương mại một cách không công bằng hay không. Với Đài Loan, Bộ Tài chính sẽ bắt đầu phối hợp nâng cao theo Đạo luật 2015 và kỳ vọng việc này sẽ giúp Bộ ra quyết định cần thiết theo Đạo luật 1988.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sáng 17/4 cho biết, đã trao đổi trên tinh thần hợp tác, từ cấp kỹ thuật tới cấp cao để khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng. Mục tiêu nhất quán của chính sách tỷ giá là nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã từng bước nâng cao tính linh hoạt của tỷ giá trong khi vẫn duy trì hoạt động ổn định, thông suốt của thị trường ngoại tệ. Những diễn biến tích cực trên thị trường ngoại tệ cũng như trong hoạt động điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã được Bộ Tài chính Mỹ ghi nhận.
Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Mỹ quan tâm trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi và tiến tới quan hệ thương mại hài hoà, bền vững.
Bình luận về động thái của Mỹ với VnExpress, Nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia, ông Trương Văn Phước chia sẻ: "Nhìn một cách tổng thể, chúng ta có thể tự tin hơn, nhất là với chính sách ngoại thương và chính sách tỷ giá hối đoái". Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược thương mại của các cường quốc lớn ngày càng nổi cộm, Việt Nam cũng cần thận trọng, linh hoạt và chặt chẽ hơn nữa trong các chính sách ngoại thương và tiền tệ.
Ngoài ra, báo cáo cho biết không có thêm đối tác thương mại lớn nào của Mỹ thỏa mãn các tiêu chí của Đạo luật 1988 hoặc 2015 về thao túng tiền tệ hoặc cần phân tích nâng cao trong kỳ đánh giá. Bộ Tài chính Mỹ cũng giục Trung Quốc cải thiện sự minh bạch về các hoạt động can thiệp trên thị trường ngoại hối, mục tiêu chính sách về cơ chế quản lý tỷ giá, mối quan hệ giữa ngân hàng trung ương và hoạt động ngoại hối của các ngân hàng quốc doanh, cũng như hoạt động trên thị trường nhân dân tệ nước ngoài.
"Bộ Tài chính đang làm việc không ngừng nghỉ để ngăn các nền kinh tế khác thao túng giá tiền tệ, khiến người lao động Mỹ chịu thiệt thòi một cách bất công", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet L. Yellen cho biết.
11 nền kinh tế trong danh sách theo dõi hoạt động tiền tệ của Mỹ hiện gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ireland, Italy, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Mexico. Ireland và Mexico là 2 cái tên mới được bổ sung so với báo cáo tháng 12/2020.
Hà Thu - Quỳnh Trang