Bộ Kế hoạch & Đầu tư đang trình các cơ quan chức năng chương trình khôi phục kinh tế gồm 4 cấu phần, trong đó có đề xuất gói phục hồi kinh tế mà theo nhiều chuyên gia thì quy mô có thể lên tới 800.000 tỷ đồng. Dự kiến tuần sau Quốc hội mới thảo luận về chương trình, nhưng thị trường chứng khoán đã phản ứng mạnh khi thông tin này xuất hiện cách đây vài ngày.
Tác động của sự kỳ vọng vào gói phục hồi kinh tế lên thị trường chứng khoán thể hiện rõ nhất qua dòng tiền vào kênh này có dấu hiệu bùng nổ. Từ khi thông tin gói phục hồi xuất hiện vào cuối tháng 10, giá trị khớp lệnh mỗi phiên trên sàn TP HCM chưa dưới 26.000 tỷ đồng. Cá biệt hôm nay (3/11), tiền chảy mạnh vào cổ phiếu ngân hàng đưa thanh khoản thị trường lên đỉnh mới, 43.200 tỷ đồng. Nếu tính cả sàn Hà Nội thì giá trị giao dịch lên đến 52.150 tỷ đồng, tương ứng khoảng 2,3 tỷ USD.
Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank (VCBF), nói rằng diễn biến này là điều dễ hiểu bởi nhà đầu tư đã trông chờ những động thái đủ mạnh để vực dậy nền kinh tế sau thời gian dài giãn cách xã hội, nhiều ngành nghề "đóng băng", doanh nghiệp chật vật còn cuộc sống của người lao động rất khó khăn.
Tuy nhiên, đợt tăng này chưa đến mức đột biến hay bất thường bởi vẫn còn một bộ phận nhà đầu tư dè dặt về tính xác thực khi gói hồi phục này còn dưới dạng tờ trình và thông tin cũng chưa chi tiết, rõ ràng.
Bà Nga dự đoán, thị trường tiếp tục diễn biến tích cực nếu chương trình phục hồi kinh tế được thông qua. "Nhưng mức độ tích cực đến đâu, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như quy mô, đối tượng nhận hỗ trợ, lộ trình và hình thức giải ngân như thế nào", bà Nga nói.
Đồng quan điểm, ông Lê Quang Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho rằng thị trường trước đó có sẵn nhiều thông tin tích cực nâng đỡ như dịch bệnh được kiểm soát tốt, EPS của các doanh nghiệp niêm yết trong ba tháng giãn cách xã hội (quý III) tăng trưởng 40%, lượng tài khoản mở mới mỗi tháng đều trên 100.000... nên thông tin gói phục hồi xuất hiện giúp VN-Index bước vào giai đoạn "thời tới cản không kịp".
Cấu phần phục hồi doanh nghiệp và phát triển cơ sở hạ tầng dự kiến có quy mô lớn nhất trong chương trình phục hồi kinh tế tổng thể. Điều này cho thấy Chính phủ đang dành ưu tiên hỗ trợ những ngành bị tổn thương nặng nhất do dịch bệnh. Từ đó, ông Minh dự đoán, ngân hàng là nhóm được hưởng lợi đầu tiên bởi gói này sẽ kích cầu doanh nghiệp vay tiền đầu tư, khôi phục sản xuất. Các nhóm tiếp theo hưởng lợi là xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản dân cư, bất động sản khu công nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng, xuất khẩu và năng lượng.
"Rất khó để nói ngành nào hưởng lợi nhiều hơn bởi khi vốn được giải ngân và thẩm thấu vào thị trường thì lợi ích sẽ lan toả", ông Minh nói.
Người đứng đầu bộ phận phân tích của Mirae Asset (Việt Nam) dự đoán, gói phục hồi sẽ có tác động đến thị trường chứng khoán ít nhất trong 6-12 tháng tới. VN-Index có thể sớm lập thêm nhiều đỉnh mới và chạm 1.700 điểm, thậm chí vượt xa hơn nếu dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát.
Kể cả khi thông tin chính thức về gói này không như kỳ vọng ban đầu hoặc kịch bản xấu hơn là không được thông qua, ông Minh tự tin thị trường sẽ không phản ứng tiêu cực thái quá. Nguyên nhân là phần đông nhà đầu tư vẫn có niềm tin Chính phủ sẽ tìm biện pháp kích thích khác, bên cạnh việc xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp có sức mạnh nội tại tốt để đương đầu với những bất lợi của thị trường.
Thị trường đang tăng mạnh và được dự báo hưởng lợi tiếp từ gói phục hồi kinh tế, nhưng các chuyên gia cho rằng, đây chưa phải là thời điểm đáng lo ngại về khả năng hình thành bong bóng chứng khoán.
VN-Index đóng cửa tháng trước ở mức P/E 17,1 lần, thấp hơn 11% so với đỉnh của năm nay được thiết lập vào đầu tháng 7 và thấp hơn 22% so với P/E lịch sử cách đây hơn ba năm. VN30-Index cũng giao dịch chủ yếu trong vùng P/E từ 11,5 đến 15 lần, thấp hơn 12% so với đỉnh. Mức định giá này cho thấy chứng khoán Việt Nam chưa đắt so với các thị trường khác trong khu vực như Ấn Độ, Philippines, Thái Lan và vẫn hấp dẫn trước các cơ hội mới khi giai đoạn bình thường mới bắt đầu.
"Thị trường có những cổ phiếu bị định giá vượt xa giá trị thực. Tuy nhiên, đó là những trường hợp cá biệt và không đại diện cho tình hình chung vì định giá của VN-Index vẫn chưa cao", bà Nga nói.
Tương tự, ông Minh nhận định, đợt tăng này chưa "nóng" và thị trường vẫn còn rất nhiều động lực phân bổ cho ngắn, trung và dài hạn. Ví dụ, trước mắt, mặt bằng lãi suất thấp được duy trì nên nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư vẫn chuyển hướng sang chứng khoán (thể hiện qua số lượng tài khoản mới tham gia).
Các công ty chứng khoán cũng cấp tập phát triển nhiều tiện ích trực tuyến và tăng vốn để cấp thêm vốn vay cho nhà đầu tư. Xa hơn là kế hoạch thoái vốn nhà nước tại 6 doanh nghiệp do SCIC quản lý có thể triển khai trong năm sau. Dài hạn hơn là triển vọng nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi, qua đó thu hút dòng vốn ngoại trở lại.
Phương Đông