- Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước, ông đánh giá thị trường chứng khoán năm qua có những điểm gì đáng chú ý?
- Những tháng cuối cùng của năm 2013, ai lạc quan nhất cũng khó hình dung năm khó khăn vừa qua đối với khu vực doanh nghiệp lại là thời điểm thu ngân sách vượt chỉ tiêu (101%). Các chỉ số kinh tế vĩ mô đều nằm trong kế hoạch và giới hạn kiểm soát. Thị trường chứng khoán vượt qua cơn bĩ cực để có mức hồi phục ấn tượng, tăng trưởng 22% so với cuối năm 2012 và đứng trong nhóm 10 thị trường chứng khoán đạt tốc độ tăng trưởng tốt nhất toàn cầu.
Đặc biệt giữa bối cảnh khó khăn của thị trường vốn Việt Nam do tăng trưởng tín dụng thấp, kênh dẫn vốn qua chứng khoán vẫn lạc quan. Tổng huy động vốn qua kênh này đạt 220.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 50% mức đầu tư thị trường. Trong đó, kênh phát hành trái phiếu Chính phủ chiếm khoảng 181.000 tỷ đồng, góp phần đưa thị trường trái phiếu Việt Nam vào hàng nhóm tốt nhất Châu Á.
Những thành quả trên đạt được một phần nhờ các chủ trương, chính sách do Chính phủ ban hành đầu năm 2013. Chẳng hạn các Nghị quyết 1 và 2 về những nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế cũng như chính sách trong việc thực thi việc tái cấu trúc các khu vực của nền kinh tế.
- 8 nhóm giải pháp uỷ ban đưa ra hồi đầu năm ngoái để hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho thị trường chứng khoán hiện đã mang lại những kết quả gì?
- Một số giải pháp đã được chúng tôi đưa vào hoạt động phải kể đến việc giảm 20% phí lưu ký chứng khoán, đơn giản hóa thủ tục cấp mã số giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài, kéo dài thời gian giao dịch và áp dụng một số loại lệnh giao dịch mới, nâng tỷ lệ giao dịch ký quỹ lên 50%. Ngoài ra, việc thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nhằm gia tăng hàng hóa cho thị trường cũng đã được triển khai.
Một số nhóm giải pháp đang trong quá trình xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành cũng có hiệu ứng tích cực. Chẳng hạn như nới room sở hữu nước ngoài trong các công ty đại chúng, cho phép tổ chức nước ngoài được mua lại cổ phần để sở hữu đến 100% vốn điều lệ công ty chứng khoán nội, hướng dẫn về pháp lý để đưa vào áp dụng một số sản phẩm mới như ETF hay CoverWarant..
Tuy nhiên, bên cạnh đó một số nhóm giải pháp nêu ra vẫn chưa được triển khai, mất nhiều thời gian và đòi hỏi phải có văn bản hướng dẫn xử lý trong thời gian tới. Số này bao gồm việc đưa tín dụng chứng khoán ra khỏi tín dụng phi sản xuất; cho phép cơ chế phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá; miễn, giảm thuế đối với cổ tức và các sản phẩm đầu tư mới như các quỹ mở, quỹ bất động sản, quỹ hưu trí tự nguyện. Vì vậy, theo tôi, chúng ta cần có chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường thông qua các sản phẩm ưu đãi có tính kích hoạt như chính sách thuế, phí để hỗ trợ thị trường. Cách làm này có thể góp phần giảm tải các kênh hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp từ tín dụng ngân hàng.
- Năm qua số lượng doanh nghiệp rời sàn chứng khoán tăng kỷ lục. Theo ông, nguyên nhân chính bắt nguồn từ đâu?
- Như tôi nói ở trên, cơ chế phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá chưa được tháo gỡ đã gây trở ngại cho doanh nghiệp khi tham gia thị trường chứng khoán với mục tiêu huy động vốn. Trong khi nền kinh tế còn khó khăn, nhiều công ty có giá cổ phiếu giao dịch dưới mệnh giá nên không thể phát hành. Do đó các công ty đã có ý định tạm thời rút lui khỏi sàn chứng khoán để cấu trúc, khi thị trường thuận lợi mới quay trở lại niêm yết.
Ngoài ra, cũng phải kể đến các trường hợp hủy niêm yết bắt buộc do công ty thua lỗ 3 năm liên tiếp, hoặc có lỗ lũy kế lớn hơn vốn chủ sở hữu. Các trường hợp này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng như các Sở Giao dịch Chứng khoán cân nhắc và xem xét để ra quyết định hủy bỏ niêm yết trên cơ sở quy định pháp luật. Đồng thời chúng tôi cũng tính đến cơ chế bảo vệ quyền lợi cho các cổ đông nhỏ, đặc biệt các trường hợp hủy niêm yết tự nguyện, tránh việc doanh nghiệp tham gia vào thị trường để huy động vốn nhưng sau đó chủ động rời sàn để tránh nghĩa vụ minh bạch với nhà đầu tư.
- Vậy theo ông các giải pháp quan trọng để thị trường chứng khoán Việt Nam hấp dẫn hơn trong năm nay là gì?
- Chủ trương của lãnh đạo cao nhất, từ Chính phủ đến các bộ ngành là có sự đột phá để thu hút tốt hơn vốn ngoại. Giải pháp trước mắt sẽ là thực hiện nới room cho các doanh nghiệp niêm yết bởi phạm vi áp dụng sẽ hẹp hơn, các công ty có độ minh bạch cao, thông tin tốt, việc kiểm soát cũng sẽ ổn định hơn. Chúng tôi đã báo cáo Bộ Tài chính và trình Thủ tướng về vấn đề này.
Dự thảo đã được hoàn thiện trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành và Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng. Theo đánh giá của tôi, quyết định này sẽ sớm được ban hành trong đầu năm 2014. Những nội dung cơ bản về nới room được Thủ tướng thông qua sẽ làm hài lòng các nhà đầu tư quốc tế. Trước đó chúng tôi có họp với các nhà đầu tư nước ngoài và họ lạc quan về mức độ mở room cơ quan quản lý đang báo cáo Thủ tướng.
Để thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, bên cạnh việc sửa Quyết định 55 theo hướng mở rộng đối với các lĩnh vực, ngành nghề không cần kiểm soát, năm nay Ủy ban Chứng khoán sẽ nghiên cứu và tiến tới đàm phán với các quốc gia Châu Âu huy động thêm vốn từ các quỹ đại chúng tại khu vực này và Bắc Mỹ. Ngoài ra, chúng tôi sẽ nâng cao điều kiện chuyển đổi đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sang công ty cổ phần để niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam.
- Ông dự báo thế nào về thị trường năm nay?
- Theo tôi, những diễn biến về kinh tế vĩ mô trong cuối năm 2013 và định hướng trong năm 2014 cho phép chúng ta lạc quan hơn về bức tranh chứng khoán năm 2014. Trong đó, phải kể đến dự báo mức tăng trưởng năm nay cao hơn 2013 và mức lạm phát trong giới hạn kiểm soát cho phép.
Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng đẩy mạnh tập trung nhóm giải pháp cấu trúc lại thị trường. Trong đó, việc phát triển các sản phẩm mới được chú trọng để đa dạng hóa kênh đầu tư và phân tán rủi ro cho nhà đầu tư quỹ mở, ETF, quỹ hưu trí tự nguyện.. Việc hoàn thiện các quy định pháp luật về nới lỏng sở hữu nước ngoài; tăng cường quản trị công ty; công bố thông tin và cơ chế thoái vốn của doanh nghiệp cũng sẽ thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài giúp thị trường có bước khởi sắc hơn.
Tường Vi