Tháng 7, TP HCM thực hiện giãn cách xã hội, quán cà phê nhỏ của chị Nhàn đóng cửa, công việc lái xe taxi của chồng tạm ngưng vô thời hạn. Không có thu nhập, chị phải dùng tiền tiết kiệm chi trả phí sinh hoạt. Cả tháng trời, đêm nào chị cũng trăn trở chuyện dịch còn dài, tiền tiết kiệm tiêu lẹm mãi cũng hết, phải làm gì để còn nuôi hai con nhỏ. Chị sụt cân, xanh xao, ăn không ngon, đêm muốn ngủ vài tiếng phải uống thuốc an thần.
Một sáng đầu tháng 8, chị mệt mỏi không thể rời khỏi giường, ho nhiều và đau rát họng. Cả nhà 4 người được lấy mẫu xét nghiệm, đều dương tính, phải cách ly tại nhà. Quá lo lắng, chị Nhàn tìm đọc các tin tức về dịch bệnh, triệu chứng, dấu hiệu trở nặng... trên mạng. Các con số thống kê ca nhiễm mới, số ca tử vong và vô số lời cảnh báo càng khiến chị quay cuồng, đau đầu, mất ngủ, sốt cao liền ba ngày đêm, thuốc ngủ không còn tác dụng.
"Thi thoảng tôi thấy trên Facebook những bức ảnh, clip người mắc Covid-19 thở oxy như cá mắc cạn rồi tử vong ngay tại nhà. Không biết thực hư ra sao nhưng tôi rất lo sợ gia đình mình cũng sẽ rơi vào hoàn cảnh khủng khiếp đó", chị nói.
Vài ngày sau, khi 4 thành viên được chuyển đến khu cách ly tập trung, chị Nhàn được các y bác sĩ chăm sóc y tế, động viên tinh thần mới giảm bớt lo lắng hơn, tâm lý dần ổn định. May mắn họ không bị trở nặng và hiện đã khỏi Covid-19.
Thạc sĩ xã hội học Nguyễn Thị Thanh Tùng (giảng viên khoa Công tác xã hội, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP HCM) cho biết, tình trạng F0 hoảng loạn khi phát hiện mắc Covid-19 không hiếm gặp. Đa số người bệnh khi gọi điện nhờ chị hỗ trợ đều có ít nhiều các dấu hiệu bất ổn về tâm lý. Nếu không được nâng đỡ, hỗ trợ tinh thần kịp thời, người bệnh có thể gặp các vấn đề nghiêm trọng hơn, như trầm cảm, rối loạn lo âu kéo dài, thậm chí là tự sát. Đồng thời, bất ổn tâm lý còn tác động xấu lên hệ thần kinh, cơ chế miễn dịch và thể chất, làm chậm quá trình hồi phục, hoặc khiến bệnh nặng hơn.
Tháng 9/2021, khảo sát do Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP Thủ Đức, cho thấy 53,3% bệnh nhân Covid-19 tại đây bị rối loạn lo âu, 16,7% stress và 20% trầm cảm. Đặc biệt, những bệnh nhân từng thở HFNC, thở oxy qua mặt nạ, hoặc thở máy, tỷ lệ trầm cảm và rối loạn lo âu lên tới 66,7%. Khoảng 67% bệnh nhân mong muốn được tư vấn, hỗ trợ tâm lý trong điều trị và sau khi xuất viện.
Tương tự, theo kết quả một cuộc khảo sát của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, Covid-19 khiến 63% người 18-24 tuổi lo âu hoặc trầm cảm, 25% số đó dùng chất kích thích nhiều hơn và khoảng 25% nghĩ đến việc tự sát.
Theo thạc sĩ Tùng, 5 nhóm F0 dễ bị ảnh hưởng tâm lý nhất là người lớn tuổi, người có bệnh lý nền, họ thuộc nhóm nguy cơ cao trở nặng và tử vong vì Covid-19; người đang sống một mình không có ai chăm sóc; người làm trụ cột gia đình sợ họ bệnh nặng, tử vong không có ai gánh vác trách nhiệm thay; người trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm sống và chưa trải nghiệm mất mát. Đặc biệt là những người tâm lý yếu, hoặc đã có sẵn vấn đề tinh thần như stress, trầm cảm, khi mắc thêm Covid-19, tình trạng hoảng loạn tăng gấp đôi.
Để F0 tự xoa dịu tinh thần, thạc sĩ Tùng khuyên người bệnh bình tĩnh, hạn chế tiếp cận thông tin dịch bệnh trên mạng xã hội chưa được kiểm chứng, chỉ nên đọc từ các trang tin chính thống như Bộ Y tế, Sở Y tế hoặc CDC. Bệnh nhân cần lưu sẵn số điện thoại của y tế địa phương, đơn vị hỗ trợ oxy, xe cấp cứu để dùng ngay trong tình huống khẩn cấp. Lúc này, người bệnh nên ở bên gia đình để được chăm sóc, an ủi, động viên.
Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương cũng đồng quan điểm với thạc sĩ Tùng. Bác sĩ chia sẻ bí quyết giúp F0 lấy lại bình tĩnh là "đừng để bản thân nhàn rỗi quá", cũng đừng tự gây áp lực cho mình. F0 dù tự cách ly tại nhà hay điều trị ở khu cách ly, bệnh viện nên xây dựng lại nếp sinh hoạt, để trở nên bận rộn hơn, giảm thời gian nghĩ đến bệnh tật.
Cụ thể, người bệnh cần ăn uống bổ sung đầy đủ dưỡng chất, tập các bài tập thở, yoga, thiền mỗi buổi 30-45 phút. Khi thiền bạn sẽ tập trung vào hơi thở, làm cả cơ thể, tinh thần thư giãn, thoải mái, loại bỏ suy nghĩ tiêu cực. Một cách thư giãn khác là bạn mở nhạc không lời, để tay trước ngực và tưởng tượng như đang ở cánh đồng cỏ, cánh đồng lúa, hít thật sâu. Thực hiện động tác này trong 3-5 phút cũng giúp các cơ khớp thả lỏng, tinh thần nhẹ nhõm. Từ đó, người bệnh mạnh mẽ, sảng khoái, dễ vượt qua căng thẳng do đại dịch hơn.
"Nếu cơ thể khỏe mạnh thì tinh thần luôn hưng phấn", bác sĩ Thu nói.
Bác sĩ Thu khuyên người bệnh hãy luôn tư duy tích cực, thay đổi lối sống, cách làm việc, chấp nhận hoàn cảnh. Khi chấp nhận hoàn cảnh và thay đổi hành vi phù hợp, chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn, có tinh thần ứng phó với áp lực mà dịch bệnh đem lại.
Trung bình 7 ngày qua, cả nước ghi nhận hơn 3.200 ca nhiễm mới mỗi ngày, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 860.000. Số ca nhiễm mới mỗi ngày đã giảm sâu so với giai đoạn cao điểm hồi tháng 8, với hơn 10.000 ca. TP HCM - địa phương có số F0 nhiều nhất cả nước (chiếm gần 50%), đã cơ bản được kiểm soát được dịch, thành phố bước vào giai đoạn bình thường mới. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Sóc Trăng, An Giang... trong những ngày gần đây vẫn cao, nguy cơ bùng dịch hiện hữu.
Nhiều chuyên gia y tế khuyến cáo, việc đầu tiên F0 cần làm khi biết mình dương tính nCoV là giữ bình tĩnh, tự tin sẽ giúp bạn có cơ hội cao chiến thắng Covid-19. Như bác sĩ Nguyễn Minh Tiến (Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP HCM) cho biết, 80% F0 có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng; 20% có triệu chứng trung bình đến nặng, và chỉ 5% trong đó nguy kịch, cần phải nằm hồi sức. Vì vậy, nếu mắc Covid-19, hãy hy vọng mình thuộc nhóm nhẹ này. Khi qua được hai tuần đầu điều trị, bệnh sẽ đỡ, thêm một tuần nữa, bạn sẽ khỏi. Việc thứ hai là người bệnh cần tuân thủ tất cả khuyến cáo phòng chống dịch của Bộ Y tế. Nếu đang ở bệnh viện điều trị Covid-19 thì phải tuân thủ nội quy của bệnh viện, lời khuyên của nhân viên y tế.
Với các F0 cảm thấy khó thở, bác sĩ Trương Hữu Khanh (cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM) khuyên F0 và người nhà bình tĩnh, thường xuyên kiểm tra mạch, hít thở bằng bụng và nằm sấp khi cảm thấy khó thở. Tập thở vừa giúp phổi trao đổi oxy tốt hơn, vừa khiến người bệnh chú tâm vào nhịp thở để bớt lo lắng.
Trường hợp cảm thấy quá lo lắng, bất an, khó kiềm chế, người bệnh có thể liên lạc với y tế địa phương, chương trình vaccine tinh thần, hoặc các nhóm hỗ trợ tâm lý để được chuyên gia, bác sĩ, nhân viên công tác xã hội hỗ trợ, nâng đỡ tâm lý kịp thời, thạc sĩ Tùng lưu ý.
Thư Anh - Thúy Quỳnh