"Tại mọi sân bóng, người ta treo cờ rủ. Giới bóng chày thương tiếc huyền thoại của đội New York Yankees qua đời sau hai năm chiến đấu với căn bệnh xơ cứng teo cơ một bên hiếm gặp", Time viết về cái chết của Lou Gehrig ngày 2/6/1941. Chỉ ít năm trước đó, người đàn ông mang biệt danh "con ngựa sắt" vẫn tung hoành trên những sân bóng chày. Bệnh tật đã khiến anh nhanh chóng mất đi sự nghiệp xán lạn.
Theo Time, Gehrig chơi ở vị trí chốt gôn 1 suốt 17 mùa giải Major League Baseball cho đội New York Yankees, từ năm 1923 đến 1939. Nổi tiếng với sức mạnh và độ bền, anh đạt vô số thành tích, kỷ lục như giành 23 grand slam bóng chày, chơi liên tục 2.130 trận, thực hiện thành công 493 cú home run. Trên đỉnh cao sự nghiệp, từ mùa bóng năm 1938, cơ thể Gehrig bắt đầu thay đổi. "Tôi cảm thấy mệt mỏi từ giữa mùa giải. Tôi không hiểu sao, nhưng không thể tiếp tục", cầu thủ tâm sự vào thời điểm ấy.
Năm 1939, khi đội Yankees bắt đầu tập huấn ở Florida, người ta thấy rõ Gehrig đã đánh mất phong độ. Khả năng phối hợp và di chuyển của anh giảm sút đáng kể, các chỉ số thành tích tụt xuống mức tồi tệ chưa từng thấy. James Kahn, một nhà báo thường viết về bóng chày, nhận định: "Tôi nghĩ có điều gì đó không ổn với anh ấy. Ý tôi là về mặt thể chất. Anh ấy đối diện với bóng nhiều lần nhưng chẳng đi đến đâu cả". Như lẽ tất nhiên, Gehrig bị đưa ra băng ghế dự bị. Dù mang băng đội trưởng Yankees, anh không còn có tên trong đội hình chính thức.
Tình trạng suy nhược của Gehrig ngày càng trầm trọng. Vợ anh là Eleanor liên lạc với Trung tâm Mayo Clinic ở Rochester, Minnesota, và Gehrig một mình bay tới đó ngày 13/6/1939. Trải qua 6 ngày xét nghiệm, cầu thủ nhận kết quả mắc bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS) vào đúng ngày sinh nhật thứ 36. Các bác sĩ dự đoán Gehrig sẽ nhanh chóng tê liệt, khó nuốt, khó nói và không sống thêm quá 3 năm. ALS không có thuốc chữa, chưa thể xác định nguyên nhân. Nó không gây đau đớn hay lây truyền nhưng tàn ác ở chỗ là dù các chức năng vận động của hệ thần kinh trung ương bị phá hủy, người bệnh vẫn nhận thức được đến giây phút cuối cùng.
Ngày 21/6/1939, 2 ngày sau khi bệnh của Gehrig được công khai, đội Yankees tuyên bố "con ngựa sắt" nghỉ hưu. "Đừng nghĩ rằng tôi tuyệt vọng hay bi quan", Gehrig nói về quyết định giã từ bóng chày. "Khi điều không tránh khỏi xảy đến, tôi sẽ chấp nhận và hy vọng vào thứ tốt đẹp nhất. Đó là tất cả những gì chúng ta có thể làm".
Năm 1940, Gehrig cố gắng trong vô vọng để ngăn chặn căn bệnh tiến triển. Anh thử rất nhiều phương pháp bao gồm tiêm và uống vitamin E nhưng không tác dụng. Tối 2/6/1941, Lou Gehrig qua đời tại nhà riêng và tên anh được dùng để đặt cho căn bệnh bí hiểm này.
Ngày nay, ALS thường được gọi dưới cái tên "bệnh Lou Gehrig" như cách tưởng niệm huyền thoại xấu số. 75 năm trôi qua, y học chưa thể xác định nguyên nhân hay phương pháp điều trị ALS. Chẩn đoán cũng không hề đơn giản bởi kết quả thường không rõ ràng cho đến khi triệu chứng trở nên trầm trọng. Tại Mỹ, nhiều bệnh nhân ALS lên tiếng ủng hộ cái chết nhân đạo để được ra đi nhẹ nhàng.
Dù sao, cuộc chiến tìm ra cách chữa ALS vẫn tiếp tục, giống như Gehrig đã dũng cảm nói: "Tôi đang đối diện với một quãng thời gian khó khăn nhưng còn cả một cuộc sống để hướng về".
Xơ cứng teo cơ một bên (ALS) khiến các dây thần kinh trong não bộ và tủy sống chết dần. Qua thời gian, căn bệnh tước đi khả năng đi lại, viết, ăn uống, nói, nuốt, thở và rút ngắn tuổi thọ. Thông thường. bệnh nhân chỉ sống thêm được 2-5 năm sau ngày chẩn đoán, song vẫn có những trường hợp ngoại lệ mà điển hình là Stephen Hawking đã chịu đựng căn bệnh hơn 50 năm. |
Minh Nguyên