Chiều 26/2, gia đình chị Minh mua chùm bóng kép 20 quả (20 quả bóng lồng trong 20 quả lớn hơn) để trang trí trong bữa tiệc mừng thọ người bác. Sau bữa tiệc, chị tháo túi bóng phát cho trẻ con, tuy nhiên chúng phát nổ khiến 5 người bị thương. Chị Minh bị thương nặng nhất được gia đình đưa đến Bệnh viện Saint Paul (Hà Nội) cấp cứu.
"May là bọn trẻ con đứng xa nên không bị ảnh hưởng. Không ngờ chùm bóng có thể phát nổ dễ sợ như thế", chị Minh nói, khuôn mặt và hai tay được băng kín.
Bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Saint Paul cho biết, nạn nhân nhập viện trong tình trạng hoảng loạn, bỏng toàn bộ vùng mặt, tay, phải nằm viện điều trị khoảng 2 tuần.
Khoa Bỏng Bệnh viện Saint Paul cũng đang điều trị một bệnh nhân nữ khác bỏng toàn bộ vùng mặt và 2 cánh tay do bóng bay. Cô gái gặp nạn hôm 14/2, khi công ty mua 55 quả bóng bay để chuẩn bị tiệc. Chùm bóng phát nổ khi cô giúp đưa vào phòng.
Theo bác sĩ Thống, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận hàng chục bệnh nhân nhập viện do nổ bóng bay. Bỏng do nổ bóng bay thường nhẹ, đa phần bỏng vùng mặt, tay, nếu cháy vào quần áo có thể bị bỏng nặng hơn. Bỏng vùng mặt, tay thường ảnh hưởng đến thẩm mỹ, nặng có thể để lại sẹo.
Bác sĩ khuyến cáo, bóng được bơm bằng khí hydro để có thể bay lên, nên khi có áp lực lại gặp nguồn nhiệt (tàn thuốc, bật lửa...) là có thể nổ và gây cháy, nhất là với những quả bóng to được bơm lượng khí nhiều. Nguy cơ nổ không chỉ khi gần lửa mà việc cọ xát giữa những trái bóng trong một chùm to cũng có thể gây nổ, hay thay đổi môi trường như lấy bóng từ túi nilon ra, cho bóng vào phòng kín, ôtô...
Nam Phương