Sáng 19/2, Quốc hội thông qua Nghị quyết Quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện nay số lượng cấp phó của người đứng đầu trong các cơ quan, tổ chức đang được quy định tại nhiều luật, nghị quyết và văn bản dưới luật. Khi sắp xếp tổ chức bộ máy, nhất là trường hợp sáp nhập cơ quan, số lượng người giữ vị trí cấp phó có thể sẽ cao hơn so với quy định. Do đó Nghị quyết này quy định số lượng cấp phó của người đứng đầu để các cơ quan có cơ sở thực hiện.

Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc và nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tại hội trường Diên Hồng, sáng 19/2. Ảnh: Giang Huy
Nghị quyết quy định khi sắp xếp bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định hiện hành được tiếp tục thực hiện bởi cơ quan, người tiếp nhận. Trường hợp các công việc, thủ tục đang thực hiện hoặc đã hoàn thành trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước nhưng phát sinh vấn đề liên quan cần giải quyết sau khi sắp xếp thì cơ quan tiếp nhận có trách nhiệm phối hợp với các bên để giải quyết.
Trường hợp sắp xếp tổ chức bộ máy mà tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, vị trí, mô hình, cơ cấu tổ chức có thay đổi, thì cấp có thẩm quyền được ban hành văn bản quy định khác với quy định của cơ quan nhà nước cấp trên đã ban hành trước khi sắp xếp. Nếu văn bản hiện hành quy định trách nhiệm phối hợp công tác giữa cơ quan thuộc diện sắp xếp với cơ quan khác, thì cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sẽ chịu trách nhiệm tiếp tục nội dung công việc này.
Cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau sắp xếp tiếp tục thực hiện các công việc, thủ tục đang được cơ quan cũ thực hiện. Nếu phát sinh vấn đề liên quan cần giải quyết từ trước khi sắp xếp đến sau này, thì cơ quan tiếp nhận phải giải quyết.
Việc giám sát, kiểm sát, kiểm toán, kiểm tra với cơ quan hình thành hoặc tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ sau sắp xếp phải đảm bảo tính tiếp nối, không bỏ trống hoặc trùng lắp, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của những đơn vị này.
Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao xem xét ban hành văn bản giải quyết hoặc ủy quyền ban hành văn bản giải quyết các vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền của Quốc hội khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, định kỳ hàng quý báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định này nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc, xử lý các vấn đề phát sinh, bảo đảm hoạt động bình thường, liên tục của các cơ quan, người dân và xã hội nói chung. Nhất là trong điều kiện sắp xếp liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, có độ phức tạp cao, nhiều vấn đề khó có thể dự báo hết.
Nội dung này đã được báo cáo và được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền. Để bảo đảm chặt chẽ và tránh lạm dụng, Nghị quyết đã quy định cơ chế báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các điều kiện cụ thể đối với việc ban hành văn bản hành chính để thực hiện thẩm quyền quy định tại Nghị quyết.
Sơn Hà