![]() |
Mô hình Ariane-5 mang vệ tinh Vinasat. Ảnh: Ictnews. |
Toàn bộ khu vực xung quanh Trung tâm vũ trụ châu Âu ở Kourou (lãnh thổ của Pháp tại Nam Mỹ) đã được canh phòng nghiêm ngặt. Có 3 cấp hàng rào an ninh được thiết lập, cùng với lực lượng quân đội và xe thiết giáp tăng cường hỗ trợ, một số trực thăng được điều động giám sát từ xa quanh bãi phóng.
Công việc của ngày cuối cùng trước khi Vinasat-1 được đưa lên quỹ đạo là đếm ngược thời gian phóng, bao gồm cả việc bơm ôxy và hydro lỏng vào EPC và ESC-A. Nếu xảy ra một sự gián đoạn trong quá trình đếm ngược, có nghĩa là thời điểm T-0 nằm ngoài cửa sổ phóng, thì công việc sẽ bị hoãn lại 1, 2 hoặc nhiều ngày, tùy thuộc vào vấn đề phát sinh và giải pháp được đề xuất.
Cách thức bay và đường bay của tên lửa hoàn toàn được điều khiển bằng 2 máy tính lắp ở phần VEB trên tên lửa Ariane - 5.
7,05 giây sau khi đánh lửa động cơ lạnh ở tầng chính tại thời điểm T-0, hai động cơ kích áp rắn được đánh lửa và cho phép tên lửa rời bệ phóng. Tên lửa sẽ bay theo chiều thẳng đứng trong vòng 6 giây, sau đó bắt đầu quay về hướng Đông. Tư thế bay được giữ để đảm bảo rằng trục luôn song song với véc-tơ vận tốc nhằm giảm thiểu tải động lực trong suốt giai đoạn ở trong môi trường khí quyển, cho đến khi bộ phận kích áp rắn được tách bỏ khỏi tên lửa.
Khi giai đoạn bay này đã hoàn thành, các máy tính đặt trên tên lửa sẽ tối ưu hóa đường đi của nó vào thời điểm đó, giảm thiểu việc tiêu hao nhiên liệu đẩy để đưa tên lửa vào quỹ đạo trung gian đã định tại thời điểm cuối giai đoạn đẩy của tầng chính, và sau đó đi vào quỹ đạo tại thời điểm kết thúc chuyến bay của tầng lạnh chính trên.
![]() |
Điểm phóng tên lửa (điểm đỏ bên trái) cách khá xa VN (khung đỏ bên phải). |
Tầng chính của vệ tinh sẽ rơi trở lại trái đất tại bờ biển của châu Phi tại Đại Tây Dương (nằm trong vịnh Guinea). Trong quá trình đưa tên lửa vào quỹ đạo, tên lửa sẽ đạt vận tốc xấp xỉ 9,402 m/s và sẽ đạt độ cao khoảng 597 km.
Bộ phận khoang chứa bảo vệ hai vệ tinh Star One C2 và Vinasat-1 sẽ được tách bỏ ngay sau khi động cơ kích áp bị tách bỏ tại thời điểm T+189.
Vinasat-1 được lắp 12 bộ phát đáp băng Ku và 8 bộ phát đáp băng C và được thiết kế để cung cấp các dịch vụ vô tuyến, truyền hình và điện thoại trên khắp lãnh thổ Việt Nam.
Theo Ban quản Quản lý Dự án Vệ tinh Vinasat, công tác chuẩn bị cho việc phóng vệ tinh vào quỹ đạo được tính toán rất kỹ từ vấn đề an ninh, kỹ thuật và các thiết bị tích hợp. Hôm 9/4, các chuyên gia kỹ thuật đã tích hợp các bộ phận chứa vào Sylda và chuyển Vinasat-1 đến Tòa nhà Lắp ráp cuối cùng (BAF). Ngày 10/4, tích hợp Vinasat-1 vào tên lửa. Các công tác chuẩn bị cuối cùng đối với ESC-A và kiểm soát vệ tinh và kiểm soát vệ tinh và diễn tập phóng diễn ra trong hai ngày 12 và 14/4.
Hôm 17/4, Vinasat-1 được chuyển từ Tòa nhà Lắp ráp cuối cùng (BAF) ra Bãi phóng (ZL), kết nối tên lửa và bơm heli lỏng EPC.
Tên lửa của Arianespace (Ariane 5) là loại tên lửa được nhiều nhà sản xuất và điều hành vệ tinh lớn trên thế giới lựa chọn để phóng vệ tinh lên quỹ đạo.
Ariane-5 sẽ đưa lên quỹ đạo tổng cộng 7.762 kg, trong đó 2 vệ tinh có tổng khối lượng 6.737 kg sẽ được đưa lên 2 vị trí quỹ đạo riêng biệt của mỗi vệ tinh. Vinasat-1 của Việt Nam do hãng LMCSS sản xuất tại Newton, Mỹ nặng khoảng 2.600 kg và sử dụng khung A2100A. Vệ tinh này sẽ được đưa lên quỹ đạo địa tĩnh tại 132o Đông và có thời gian sống theo thiết kế là trên 15 năm. Độ cao cận điểm là 250 km, độ cao viễn điểm 35.928 km so với điểm phóng và độ nghiêng 2 độ.
Ý tưởng phóng vệ tinh riêng của Việt Nam được ấp ủ từ năm 1995. Đến tháng 10/1998, Chính phủ quyết định thông qua Dự án tiền khả thi phóng vệ tinh viễn thông Việt Nam (Vinasat). Theo kế hoạch ban đầu, vệ tinh được phóng vào quý II/2001 và khai thác chính thức vào quý IV/2001. Tuy nhiên, tiến độ dự án bị chậm lại và phải đến giữa năm 2003, hồ sơ mời thầu mới bắt đầu. Ngày 12/5/2006, VNPT ký hợp đồng với nhà thầu Lockheed Martin Commercial Space Systems để cung cấp vệ tinh, dịch vụ phóng, thiết bị trạm điều khiển vệ tinh.
Tổng trị giá của vệ tinh Vinasat-1 là 200 triệu USD, VNPT dự kiến sau 9-10 năm sẽ thu hồi vốn.
Hồng Anh