Mấy tuần nay, ông bác trong dòng họ ở quê buồn chuyện gia đình, phải qua ở nhờ nhà người cháu.
Đợt Tết dương lịch về nhà, tôi có thăm và an ủi, bác nói sống và làm việc suốt thời trẻ, chuẩn bị tiền bạc để an hưởng tuổi già nhưng không ngờ lại rơi vào cảnh phá sản hết tiền tiết kiệm.
Vợ bác mất cách đây mười năm. Bước sang tuổi 60, bác đã lo hết tài sản cho các con, giữ cho mình ngôi nhà ở chung với người con út và số tiền tiết kiệm một tỷ đồng.
Nhưng, người tính không bằng trời tính. Cách đây một năm, người mẹ hơn 80 tuổi của bác bị bệnh. Thương mẹ vất vả nuôi mình lớn khôn, bác tận tình nhờ y bác sĩ chạy chữa.
Nhưng rồi người mẹ cũng mất, tiền ma chay, xây mộ cũng tốn một khoảng vào khoản tiền tiết kiệm của bác. Nhìn vào tuổi già với mấy trăm triệu đồng còn lại mà bác thấp thỏm.
Rồi số tiền này cũng phải xẻ làm hai khoản để giúp đỡ hai người con để trả nợ vì kinh tế khó khăn. Bác nói, nếu khư khư giữ lại cho mình, thì sẽ bị nói là ông già ham của hơn ham con cháu.
Tôi thấy tình cảnh của ông bác này, tương lai nhiều người trong chúng ta sẽ mắc phải. Viễn cảnh ấy, tức là: tuổi trẻ làm việc cật lực, mua nhà, nuôi con. Đến khi gần về hưu mới có thời gian tiết kiệm cho mình một khoản để dành khi tuổi già.
Nhưng khi chúng ta bước đến độ tuổi 55-60, thì theo tuổi thọ bình quân ngày càng tăng, chúng ta sẽ bị mắc kẹt theo kiểu các nhân vật trong phim chưởng Hong Kong hay nói: trên có cha mẹ già, dưới có con nhỏ.
Nhiều người nói có gia đình, có con để làm chỗ dựa, nhưng đôi lúc, nó cũng là nguồn rủi ro. Liệu có giải pháp nào để tránh tình trạng phá sản tuổi già như ông bác tôi?
Văn Hoàng
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.