Xuất khẩu thực phẩm khó khăn hơn khi VN gia nhập WTO. |
Ông Nguyễn Phước Hải, Giám đốc Công ty máy tính CMS dự đoán, rồi đây các hãng sản xuất lớn của Trung Quốc sẽ ào sang VN kiếm một miếng đất. Đây sẽ là đối thủ cạnh tranh khốc liệt của VN vì ngoài ưu thế về giá, hàng Trung Quốc gần đây có bước tiến mạnh về thiết kế, mẫu mã, trong khi hình thức lại là điểm yếu của hàng VN. "Nếu chỉ lo chạy đua về giá, một ngày nào đó ông Lenovo (một hãng lớn của Trung Quốc) tung máy tính vào VN bán 150 USD/chiếc thì doanh nghiệp sẽ chết ngay", ông Hải nhận xét.
Kinh doanh máy tính có giá trị gia tăng rất lớn ở phát triển phần mềm tích hợp và các dịch vụ sau bán hàng. Ông Hải cho rằng doanh nghiệp VN cần đầu tư mạnh cho hệ thống phân phối, dịch vụ bảo hành hậu mãi, tận dụng lợi thế sau bán hàng. Ông tin tưởng: "Đối thủ Trung Quốc tìm được cử nhân giỏi tiếng Hoa thì kém tin học. Khoét vào điểm yếu này, nếu hàng VN có ngôn ngữ bản địa dịch vụ lại tốt, người dân sẽ mua".
Chọn một hướng đi được đánh giá rất khó khăn là xuất khẩu hoa quả trong bối cảnh VN phải gỡ bỏ bảo hộ nông sản, ban lãnh đạo công ty Sannam đã tiến hành nhiều cuộc khảo sát thị trường tại Thái Lan, Trung Quốc. Sau khi lên kế hoạch xây dựng nhà máy chế biến hoa quả theo kiểu mùa nào thức ấy, Giám đốc Nguyễn Ngọc Phi bay sang Viện công nghệ Đài Bắc mua công nghệ chế biến, song họ không bán. Về VN, đặt một viện thực phẩm nghiên cứu mỗi mẫu mứt 100 triệu đồng mà sau 6 tháng mà chưa được công nghệ nào. Sau 2 năm trời ròng rã tự nghiên cứu thử nghiệm, công ty đã thành công. "Thực hiện phương châm đi tắt đón đầu, công ty quyết định đầu tư mạnh ngay từ đầu để áp dụng tiêu chuẩn HACCP - bộ tiêu chuẩn dành cho hàng thực phẩm xuất sang châu Âu khắt khe và tốn kém nhất. Riêng chi phí để nhà máy sạch như bệnh viện cũng ngốn không ít tiền", ông Phi kể.
Cạnh tranh với hàng Thái Lan, Trung Quốc quá vất vả, giá bán một hộp sản phẩm cùng loại của những nước này 1,5 USD, còn VN giá thành làm ra đã 2 USD. "Chúng tôi không hiểu sao họ bán giá rẻ như vậy, vì tính ra 1,5 USD chỉ đủ tiền mua đường".
Trong hành trình nâng cao sức cạnh tranh, tôn chỉ phân khúc thị trường luôn được các doanh nhân gối đầu giường. Ông Phi chia sẻ, lợi thế của con cá nhỏ chính là không cần đáp ứng tất cả các phân khúc thị trường, vì trong mỗi tâm trí của khách hàng vốn đã lưu giữ những thương hiệu lớn. Cái khó là doanh nghiệp phải tạo ra những biểu tượng mới để họ suy nghĩ, đánh giá lại thương hiệu và chiếm được cảm tình của khách hàng.
Doanh nghiệp xác định tự bươn chải là chính, nhưng họ cũng lo ngại yếu kém hành chính đang làm mất cơ hội cạnh tranh. Cán bộ công ty Sannam từng chầu chực 7 ngày chưa xin được một con dấu, vay được quỹ hỗ trợ vài trăm triệu đồng thì đi lại cả trăm lần. Suốt năm qua, họ chạy đi chạy lại hàng chục lần giữa Ba Vì và Hà Nội để xin đăng ký thương hiệu Núi Tản cho sản phẩm hoa quả xuất khẩu vẫn chưa xong, mỗi lần lại bị yêu cầu thêm một giấy tờ mới khiến lãnh đạo công ty phát nản. Ông Phi cho biết: "Chúng tôi không cần ưu đãi mà chỉ mong cơ chế nhanh, thông thoáng".
Giám đốc công ty CMS Nguyễn Phước Hải cũng cho rằng, gia nhập WTO cuối năm nay hay đầu năm sau đối với doanh nghiệp không quan trọng, điều cốt yếu là thay đổi nhận thức quản lý của các cơ quan chủ quản, cơ quan hành chính.
Bốn đối tác chủ yếu còn lại của đàm phán song phương lài Mỹ, Australia, Trung Quốc và New Zealand. |
Việt Phong