![]() |
Thứ trưởng thường trực Thương mại Mai Văn Dâu cho biết, để hoàn thiện thông tư nói trên, liên bộ đã lấy ý kiến của UBND 6 tỉnh, thành như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương. Các địa phương đều nhất trí với phương án phân bổ hạn ngạch trực tiếp và không phân cấp. "Cả 6 địa phương đều thừa nhận, rất khó thực hiện đúng, đầy đủ, nhanh nhạy và kịp thời theo tinh thần Hiệp định Dệt may Việt Mỹ nếu giao cho các tỉnh quản lý và phân bổ hạn ngạch. Hơn nữa, hàng dệt may sang Mỹ có đặc thù là hợp đồng có số lượng rất lớn, lớn hơn nhiều so với EU (mỗi hợp đồng trung bình phải vài nghìn tá). Vì vậy, nếu không quản lý tập trung sẽ rất khó xử lý kịp thời những phát sinh trong quá trình thực hiện, đặc biệt là việc phối hợp để chống gian lận thương mại", ông Dâu nói. Tỷ lệ hạn ngạch phân giao cho các đối tượng cũng được doanh nghiệp và địa phương tán đồng. Năm nay, liên bộ sẽ dành 75% quota để phân cho những đơn vị đã có thành tích xuất khẩu từ 1/5/2003 đến 31/12/2003. 24% còn lại dùng để giao bổ sung cho doanh nghiệp, trong đó 7% cho các hợp đồng xuất khẩu sử dụng nguyên liệu sản xuất trong nước; 2% thưởng cho doanh nghiệp xuất các Cat phi hạn ngạch trong 6 tháng đầu năm 2004; 6% dành cho doanh nghiệp phát triển năng lực sản xuất trong đó; 1% cho đơn vị đầu tư lớn, hiện đại, chuyên môn hóa cao, xuất khẩu sản phẩm hoàn chỉnh với đơn giá cao; 3% cho doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa; 5% thưởng cho doanh nghiệp ký được hợp đồng với các nhà nhập khẩu lớn của Mỹ (có doanh số nhập khẩu hàng dệt may sản xuất tại Việt Nam từ 20 triệu USD trở lên trong năm 2002 hoặc 2003). 1% hạn ngạch còn lại sẽ dành để dự phòng. Một số doanh nghiệp không hài lòng với việc chọn thời gian từ 1/5 đến 31/12 để làm căn cứ tính hạn ngạch thành tích. Tuy nhiên, Thứ trưởng Mai Văn Dâu cho rằng, phải chọn như vậy nhằm đảm bảo công bằng cho những đơn vị có thực lực sản xuất và xuất khẩu. "Trong 4 tháng đầu năm nay, nhiều đơn vị đã ồ ạt làm các hợp đồng với đơn giá rẻ mạt nhằm lấy thành tích xuất khẩu. Những doanh nghiệp làm ăn chân chính, có năng lực sản xuất lớn và đạt hiệu quả kinh doanh không làm như vậy", ông Dâu giải thích. Ông cho biết thêm, liên bộ sẽ tiến hành phân giao hạn ngạch thành tích trước. Những doanh nghiệp có thành tích xuất khẩu sang Mỹ từ 1/5 đến 30/9/2003 sẽ nhận hạn ngạch trong đợt 1, dự kiến sẽ phân giao vào tuần sau. Trong đợt 2, dự kiến khoảng cuối tháng 1/2004, liên bộ sẽ giao phần hạn ngạch theo tiêu chuẩn còn lại cho doanh nghiệp có thành tích xuất khẩu từ 1/10 đến 31/12/2003. Hạn ngạch bổ sung sẽ được phân bổ muộn hơn, vào khoảng tháng 11/2003. Riêng trường hợp những doanh nghiệp có thành tích xuất khẩu các Cat phi hạn ngạch trong 6 tháng đầu năm 2004, sẽ tiếp tục được thưởng hạn ngạch vào tháng 7/2004. Những đơn vị xuất khẩu hàng sử dụng vải, nguyên liệu sản xuất trong nước sẽ được bổ sung hạn ngạch theo 2 đợt, vào tháng 12/2003 và tháng 4/2004. Việc cấp visa cho hàng dệt may xuất khẩu sang Mỹ năm 2004 cũng sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn. Liên bộ sẽ không cấp visa cho các lô hàng xuất khẩu bán thành phẩm sang nước thứ 3 hoặc những lô hàng nhập khẩu bán thành phẩm về Việt Nam lắp ráp để xuất khẩu sang Mỹ. Nét mới của thông tư lần này là có ban hành kèm theo các biện pháp chế tài nhằm ngăn ngừa và xử phạt những trường hợp gian lận thương mại. Cụ thể, doanh nghiệp chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa, làm và sử dụng visa, giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) giả, giả mạo hồ sơ sẽ bị thu hồi hết hạn ngạch và không được phân hạn ngạch năm sau. Toàn bộ hồ sơ về việc này sẽ được chuyển sang cơ quan công an xử lý. Doanh nghiệp khai không đúng nội dung đơn xin hạn ngạch, đơn xin visa, lẩn tránh việc kiểm soát hạn ngạch của liên bộ cũng sẽ bị thu hồi hết hạn ngạch, không phân hạn ngạch bổ sung. Trường hợp khai sai năng lực sản xuất, sai kim ngạch xuất khẩu để được giao bổ sung thì thu hồi phần hạn ngạch được cấp do khai báo sai và phạt 30% hạn ngạch theo tiêu chuẩn được cấp. Liên bộ cũng khuyến khích hoàn trả hạn ngạch nếu không thực hiện. Nếu trả trước tháng 6/2004, doanh nghiệp sẽ được bảo lưu toàn bộ số hạn ngạch thừa đó vào tiêu chuẩn năm sau. Trả trước tháng 9/2004 sẽ được tính bằng 50% vào hạn ngạch tiêu chuẩn năm sau. Nếu trả sau tháng 9, sẽ không được tính vào hạn ngạch tiêu chuẩn năm sau. Trong trường hợp hạn ngạch được phân giao nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không hết mà không hoàn trả sẽ bị trừ 3 lần số lượng hạn ngạch không sử dụng vào tiêu chuẩn năm sau. Tính đến cuối tháng 9, cả nước đã xuất khẩu được hơn 800 triệu USD hàng dệt may sang Mỹ, tương đương 89% kim ngạch cả năm nay. Hầu hết các Cat hiện đều có tỷ lệ thực hiện trên 80% tổng nguồn hạn ngạch, nhiều Cat đã vượt quá 100%. Nếu tính cả những chủng loại mặt hàng không bị quản lý bằng hạn ngạch, xuất khẩu dệt may sang Mỹ của Việt Nam năm nay có thể đạt 1,95 tỷ USD. Với kết quả này, dự kiến ngành dệt may sẽ vượt mục tiêu đề ra cho năm 2003 trên 3,3 tỷ USD. Song Linh |