Kinh doanh xăng dầu có lãi trở lại. Ảnh. Anh Tuấn |
Trao đổi với VnExpress, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế Bộ Tài chính Quách Đức Pháp cho biết, các phương án đã được tính toán cụ thể tuy nhiên thời điểm nào để ấn định vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi.
Theo ông, xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm và chịu tác động nhiều vào giá thế giới, trước đây, Nhà nước liên tục sử dụng van thuế để điều chỉnh theo chiều hướng khi giá giảm, thuế suất tăng; khi giá tăng, thuế suất giảm. "Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập thế giới, thì chắc chắn chúng ta sẽ khó kiểm soát được giá, vì vậy phải tiến tới mục tiêu điều chỉnh theo giá thị trường", ông Pháp nói.
Tại thời điểm thuế nhập khẩu và giá bán lẻ trong nước được điều chỉnh, giá xăng Ron92 ở mức gần 60 USD/thùng, dầu diezel 63,910 USD/thùng, dầu nhờn 71,40 USD/thùng và mazut là 256,08 USD/thùng. Tuy nhiên, kể từ đầu tháng này, giá xăng dầu nhập khẩu liên tục biến động theo chiều hướng giảm dần. Hiện xăng chỉ còn khoảng 52,55 USD/thùng, dầu diezel 51,10 USD/thùng, dầu hỏa 51,65 USD/thùng. Với mức giá này các công ty đã có lời trên 500 đồng/lít.
Sở dĩ, cơ quan Nhà nước còn đắn đo về thời điểm áp thuế trở lại đối với mặt hàng xăng dầu là nhằm bù lỗ cho các doanh nghiệp kinh doanh tại thời điểm giá thế giới tăng cao. Bởi tính chung bốn tháng đầu năm thì kinh doanh mặt hàng xăng vẫn lỗ khá cao. Chẳng hạn, Saigon Petro lỗ 30 tỷ đồng, Petec khoảng 43 tỷ đồng, Petrolimex khoảng 180 tỷ đồng.
Hồng Anh