Sáng 8/12, Bộ Nội vụ và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức diễn đàn quan hệ đối tác cải cách hành chính. Giới thiệu chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, ông Đinh Duy Hòa, Vụ trưởng Cải cách hành chính cho biết, so với các giai đoạn trước, chương trình lần này xác định cụ thể mục tiêu, kết quả.
Theo đó, đến năm 2015 mục tiêu cơ bản nhất là sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính đạt mức trên 60%. Tỷ lệ này đến 2020 là trên 80%... Ở thời điểm hiện tại, ông Hòa khẳng định "tuyệt đại đa số người dân, tổ chức" không hài lòng với các dịch vụ công. "Cùng lắm chỉ 15-20% là hài lòng. Trong các năm tới, mỗi năm sẽ phấn đấu tăng chỉ số này thêm 10%", ông Hòa nói.
Đa số người dân không hài lòng với các dịch vụ công. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Để tăng chỉ số hài lòng, Vụ trưởng Cải cách hành chính cho rằng, hai lĩnh vực cơ bản, xương sống cần cải thiện phải là y tế, giáo dục. Đây là những dịch vụ công mà Việt Nam chưa coi trọng đúng mức trong nhiều năm qua. "Giả sử năm 2011 chúng ta chịu tình trạng 2,5-3 người nằm chung một giường bệnh ở tuyến tỉnh và trung ương mà nếu 2 năm sau đặt mục tiêu chỉ còn 1,5 bệnh nhân một giường bệnh còn hơn là mười mấy năm qua không đặt ra cái gì cụ thể, không có cái gì để xã hội giám sát đánh giá", ông Hòa nói.
Theo ông, chỉ tiêu này gắn chặt với chỉ tiêu phát triển con người, nếu không đột phá thì dù làm tốt ở lĩnh vực khác, kết quả cải cách hành chính cũng không cải thiện được. Để đạt được những mục tiêu cụ thể của chương trình cải cách, thời gian tới Chính phủ sẽ ưu tiên nguồn lực cho điều chỉnh mức lương tối thiểu, trong đó có xác định mục đích ưu tiên.
Trao đổi tại diễn đàn, nhiều đại biểu cho rằng, với cách làm hiện nay rất khó đạt được mục tiêu đề ra về vấn đề cải cách tiền lương cho cán bộ công chức. Theo khảo sát của UNDP, chỉ 4% công chức không cần làm thêm bất cứ việc gì mà vẫn đủ sống. Cơ quan này cũng nhấn mạnh tới việc cải cách chế độ lương bổng để góp phần tăng chất lượng dịch vụ công.
Trong khi đó, theo ông Đào Việt Dũng (Ngân hàng Phát triển Châu Á-ADB), việc cải cách tiền lương là tất yếu nhưng điều chỉnh lương tối thiểu không giải quyết được gốc rễ vấn đề. "Cần điều chỉnh mức lương gắn kết với từng vị trí công việc", ông Dũng đề xuất.
Theo ông Đinh Duy Hòa, Vụ trưởng Cải cách hành chính, thời gian tới nguồn lực sẽ được ưu tiên cho việc điều chỉnh mức lương tối thiểu. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Theo ông Đinh Duy Hòa, ý kiến không cào bằng mức lương là rất xác đáng song hiện nay để triển khai là cực kỳ khó. Không thể giải quyết cho tất cả người có khả năng, trình độ với chính sách lương đặc biệt trong cơ quan nhà nước. "Nếu chỉ thuần túy nghĩ chế độ lương thì không làm được, phải bằng các chính sách khác như cơ hội thăng tiến, bổ nhiệm... Tất nhiên, cuối cũng cũng quy một phần thành tiền", ông Hòa nói.
Theo Bộ Nội vụ, đề án cải cách tiền lương có tới 16 dự án liên quan. Dự kiến, năm 2012 đề án sẽ trình Chính phủ và Quốc hội.
Nguyễn Hưng